Giải ngố tất tật về GotIt! - ứng dụng của người Việt đang làm mê mẩn nhân tài của Facebook, Google
Hơn hai năm sau khi chính thức phát hành trên App Store (tháng 1/2014), GotIt! đã nắm giữ vị trí thứ 2 về lượng download trong mảng giáo dục tại Mỹ, chỉ sau iTunes U. iTunes U là sản phẩm của Apple, do đó có thể coi GotIt! là ứng dụng top 1 mảng giáo dục do bên thứ ba phát hành. Vậy GotIt! là gì mà hot đến thế?
GotIt! là gì?
Về cơ bản, GotIt! (có nghĩa là Hiểu rồi!) là một ứng dụng giáo dục giúp người dùng (chủ yếu là học sinh, sinh viên) tìm lời giải đáp, hướng dẫn cho các bài tập của mình một cách nhanh chóng qua smartphone. Khi người dùng đăng tải một câu hỏi nào đó, hệ thống sẽ giúp kết nối với một chuyên gia (study expert) phù hợp. Các chuyên gia này sẽ giúp người dùng tìm ra câu trả lời và giải đáp các thắc mắc của họ ngay lập tức. Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút.
Giao diện hỏi đáp của GotIt!
Các chuyên gia của GotIt! có thể đến từ khắp mọi nơi trên thế giới trong đó tập trung nhiều ở Philippines, Ấn Độ, Nam Phi, Đông Âu, Mỹ,…
Mục đích của GotIt! là cho phép các chuyên gia kiếm tiền tự do bất cứ khi nào rảnh, chỉ bằng việc log in ứng dụng (trên smartphone hoặc bản web) rồi giải đáp các câu hỏi. Các chuyên gia của GotIt! thường là những người có bằng ĐH, giáo viên hoặc những người có kiến thức tốt về toán và các môn khoa học (lý, hóa,…), được tuyển chọn kỹ lưỡng. Nhiều người trong số họ còn chia sẻ GotIt! chính là nguồn thu nhập duy nhất của mình.
Để trở thành chuyên gia của GotIt!, ứng viên phải tham dự các bài kiểm tra online về trình độ, cách tương tác với người dùng, định dạng phần nội dung giải đáp, kiến thức chuyên môn và cả tiếng Anh.
Trong khi đó, học sinh cần hỏi bài sau khi đăng ký được cung cấp một số lượng câu hỏi miễn phí nhất định để dùng thử và đánh giá sản phẩm. Người cần hỏi chỉ cần chụp ảnh câu hỏi tung lên GotIt!, hệ thống machine learning và bid giá của ứng dụng sẽ tự động ghép họ với các expert phù hợp và yêu cầu mức giá thấp nhất có thể. Sau khi dùng hết các câu hỏi miễn phí, sinh viên sẽ trả tiền với mức giá cam kết rẻ hơn bất kỳ dịch vụ gia sư truyền thống nào.
Các chuyên gia trên GotIt! cũng cam kết cung cấp những lời giải thích rõ ràng, mang tính hướng dẫn cho các bài được yêu cầu chứ không cung cấp mỗi đáp án để học sinh gian lận. Các bài giải thích này sau đó sẽ được đội ngũ kiểm tra (audit) của GotIt! check lại xem có đạt yêu cầu và đảm bảo chất lượng không. Các chuyên gia cung cấp câu trả lời không tốt hay vi phạm quy định chung đều bị khóa tài khoản ngay lập tức.
Đội ngũ GotIt!
CEO: Trần Việt Hùng (Hùng Trần)
Cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Khóa 1993-1997)
Giành giải nhất Trí tuệ Việt Nam (2002)
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính tại ĐH Iowa, Mỹ (từ 2008)
Sáng lập startup kết nối gia sư trực tuyến Tutor Universe (2011) tại Iowa
Sáng lập GotIt! (2013)
Đưa ứng dụng GotIt! lên top 2 mảng giáo dục trên App Store Mỹ (2016)
Mặc dù là Tiến sỹ ngành Khoa học máy tính của Đại học Iowa, Mỹ nhưng Trần Việt Hùng lại sớm gắn bó với con đường kinh doanh.
Năm 2011, khi còn đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập trong thời gian làm nghiên cứu Tiến sỹ tại Mỹ, Hùng nhận thấy sự mất cân bằng giữa nguồn cung và cầu gia sư: nơi có nhiều sinh viên cần thì lại ít người dạy và ngược lại những nơi ít sinh viên thì lại có rất nhiều gia sư. Điều đó thôi thúc anh cần làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này và Tutor Universe – nền tảng tìm gia sư trực tuyến chính thức ra đời.
Nhờ sự khác biệt so với mô hình gia sư truyền thống, Tutor Universe đã đạt được những thành công đáng kể trong việc kết nối sinh viên và gia sư tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Mặc dù vậy, thị trường này đã tương đối bão hòa và khó có thể phát triển thêm.
Trong quá trình xây dựng Tutor Universe, Hùng Trần đã khám phá ra một thị trường lớn hơn, tiềm năng hơn, nơi mà mọi người sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ. Đó chính là thị trường ứng dụng trên smartphone. Xu hướng giới trẻ hiện giờ là sử dụng các ứng dụng điện thoại nhiều hơn cả website truyền thống. Thế nhưng smartphone vẫn chủ yếu được dùng để vào Facebook, chat hay chụp hình đăng lên các trang mạng xã hội. Nếu có thể hướng những thói quen sử dụng smartphone vào việc có ích như việc học tập chắc chắn sẽ giúp được cho rất nhiều người. Từ suy nghĩ đó cộng với kinh nghiệm trong thời gian xây dựng Tutor Universe, Hùng và các đồng nghiệp đã bắt tay làm GotIt!, ứng dụng về giáo dục trên smartphone.
Đội ngũ GotIt! tại Mỹ
Đội ngũ GotIt! hiện có khoảng 20 nhân viên làm việc tại trụ sở chính tại Thung lũng Silicon, Mỹ và 11 người tại Việt Nam. Ở Mỹ, GotIt! thu hút được cả những nhân sự cấp cao của HP, Oracle, Google, Facebook hay Lyft. Theo CEO Hùng Trần, nhóm ở Việt Nam chủ yếu làm về back-end (xử lý hệ thống dữ liệu), Android, còn nhóm tại Mỹ chủ yếu tập trung vào sản phẩm, thiết kế, và kiến trúc hệ thống vì ở đó gồm những người có kinh nghiệm làm hệ thống cho cực kỳ nhiều người dùng. Đây là điều không phải startup nào cũng có cơ hội để tận dụng.
Đội ngũ tại Việt Nam
Tiềm năng
Tính đến nay GotIt! đã được đầu tư tổng cộng 9 triệu USD sau khi gọi vốn vòng A và vòng seed funding. GotIt! được cấp vốn bởi một số quỹ đầu tư và nhà đầu tư thiên thần, trong đó có Capricorn Investment Group (sáng lập bởi Chủ tịch đầu tiên của eBay, từng đầu tư vào các startup đột phá như Tesla Motors, QuantumScape và Planet Labs) hay Brad Bao (từng phụ trách quỹ đầu tư Tencent Investment) và may mắn có được những cái tên nổi tiếng ở Thung lũng Silicon làm cố vấn, điển hình là Guy Kawasaki và Shaherose Charania. GotIt! cũng là một công ty phát triển từ YouWeb Incubator, vườn ươm từng cho ra lò rất nhiều công ty gọi được hàng trăm triệu USD và bán lại cho các công ty như Facebook, Google.
Nhìn chung GotIt! đi theo hướng trở thành ‘sàn’ giáo dục trên nền tảng chat. Mặc dù các ứng dụng dạng “Uber cho X” (trong đó X có thể là bất cứ thứ gì, từ thuê nhà ở, mua sắm, vận chuyển hàng,…) hay các sản phẩm ed-tech (educational technology – ứng dụng công nghệ vào giáo dục) dạng cung cấp khóa học online như Coursera, Udemy, edX,… đang dần trở nên bão hòa với những cái tên nổi trội đã thống lĩnh từng mảng, GotIt! vẫn tìm được hướng đi riêng khi kết hợp cung ứng dịch vụ hỏi đáp kiến thức với giao diện chat thân thiện và tiện lợi, đánh vào đúng thứ mà giới học sinh, sinh viên yêu thích.
GotIt! cũng không phải một trang cộng đồng hỏi đáp kiểu forum hay Quora, Stack Exchange/Overflow hay Reddit mà là một nền tảng kết nối người cần hỏi đáp và người có khả năng. Các site hỏi đáp kể trên đều rất hữu ích nhưng thứ mà chúng thiếu là tính tức thời và khả năng cho phép người dùng tương tác nhanh chóng. Nếu bạn gặp bài khó đâu đó và cần được giải thích tức thời thì sao? Bạn có thể phải đợi nhiều ngày mới được hồi đáp nếu post bài lên các trang forum hay Stack Exchange.
Điều tương tự cũng xảy ra ngay cả khi bạn học trực tuyến trên các nền tảng hàng đầu như Khan Academy hay Coursera bởi bạn sẽ dễ dàng gặp khó đâu đó và chỉ muốn dừng video lại để hỏi giáo viên. Tất nhiên họ có thể trả lời một số thắc mắc nhưng chắc chắn không thể trả lời một lượng câu hỏi lớn từ hàng ngàn người học. Chính vì tương tác và hỏi đáp là rất quan trọng trong việc học và tiếp thu kiến thức nên hầu hết các sản phẩm giáo dục hiện nay vẫn còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy.
GotIt! đi giải quyết chính vấn đề nhức nhối này khi cung cấp các công cụ và nền tảng phù hợp cho tất cả những ai có khả năng giảng giải. Học sinh, sinh viên nay đã có thể yên tâm bởi bất cứ khi nào có thắc mắc, họ cũng đều có thể yên tâm tìm giải đáp nhanh chóng với chi phí cực thấp. Về phần các chuyên gia, họ cũng có thể kiếm được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD mỗi tháng cho việc chia sẻ kiến thức trên nền tảng này.
Trụ sở văn phòng Hà Nội
GotIt! cũng có tiềm năng tăng trưởng cực kỳ lớn. Chỉ tính riêng tại Mỹ, học sinh trung học phải ‘cày’ tới 4 năm cho môn Toán và 2 năm cho các môn Khoa học (như Lý, Hóa) với lượng bài tập, kiểm tra và thi cử không hề ít. Có tới 75% học sinh Mỹ gặp khó khăn với Toán và Khoa học, và chỉ 1/3 được tiếp cận với các chương trình học phụ đạo ở ngoài, thậm chí là vẫn gặp khó khăn kể cả khi đã đi học thêm.
Thị trường gia sư toàn cầu mà GotIt! đang hướng tới cũng rất nhộn nhịp và được dự báo sẽ đạt 102 tỷ USD trước năm 2018. Hiện GotIt! đang tập trung vào thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, tiếp đến sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể là Trung Quốc vì đã nhận được rất nhiều lời mời gọi đưa ứng dụng về quốc gia này.
Các dự định tương lai
Tuy GotIt! hiện tại mới tập trung vào cung cấp chuyên gia cho các môn Toán, Lý, Hóa nhưng về lâu dài, công ty muốn trở thành nền tảng khổng lồ cung cấp chuyên gia cho tất cả các lĩnh vực, có thể là nơi mọi người tìm đến thay cho Google hay Quora. Hãy tưởng tượng một thế giới nơi bạn có thể tìm đến những chuyên gia được chứng nhận về đủ mọi lĩnh vực để hỏi bất cứ thứ gì chỉ trong vài phút hay có thể tận dụng vài phút rảnh rỗi chia sẻ hiểu biết của mình cho ai đó để kiếm thêm thu nhập.
Công ty cũng đang tận dụng nguồn dữ liệu dồi dào được sinh ra mỗi ngày để ‘đào tạo’ trợ lý ảo AI của mình. Kể từ khi ra mắt, dù mới đang ở bản beta nhưng ứng dụng đã cung cấp hàng triệu lời giải thích từ dễ đến khó ở nhiều môn học, điều kiện cực tốt để chatbot AI của GotIt! thu nhặt kiến thức mỗi ngày. Trong tương lai, chatbot AI này được kỳ vọng có thể giúp người dùng học tập tốt hơn qua những gợi ý học được từ cách giải thích của các chuyên gia.
Theo Peter Relan, nhà đầu tư thiên thần đầu tiên rót vốn vào GotIt!, một sản phẩm có thể làm hài lòng đối tượng thanh thiếu niên như vậy thì cũng có thể làm hài lòng bất kỳ ai. Nếu còn bạn nghi ngờ thì hãy hỏi các bậc phụ huynh luôn phải lo lắng tối ngày về việc học của con em mình.
Với độ tuổi trung bình của người dùng smartphone ngày càng giảm, công ty hy vọng có thể phủ sóng và hỗ trợ hàng trăm triệu học sinh trên toàn cầu cũng như tạo ra hàng trăm ngàn việc làm thiết thực cho những người có thể trở thành chuyên gia trên GotIt! trong tương lai không xa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming