Giải ngố về SaaP và SaaS trong thời đại số: Phần mềm Sản phẩm là gì và Phần mềm Dịch vụ là gì?

    Phong Nguyen - Spiderum,  

    Trong thời đại số này, bạn cần trang bị cho mình những hành trang cơ bản. Cũng như giấy bút khi đi thi vậy.

    Với sự đổ bộ của Spotify và phương thức nghe nhạc theo thuê bao, khác hẳn với việc mua 99 cent/bài hát như trên iTunes Store, vài năm gần đây chúng ta thường nghe nói đến SaaS (Software as a Services) cũng như là sự trỗi dậy của SaaS thay cho SaaP (Software as a Product) trong thế giới số , vậy hai thuật ngữ này có nghĩa là gì? Có điểm gì giống và khác biệt giữa chúng hay không?

    SwaP/SaaP: Phần mềm-như một sản phẩm

    SaaP (viết tắt của Software as a product), là một sản phẩm phần mềm được phát hành theo kiểu truyền thống. Trong đó người dùng cuối hoặc doanh nghiệp sẽ trả tiền bản quyền một lần để được thoải mái tùy nghi sử dụng toàn bộ tính năng, không tốn phí hàng tháng nhưng phí bảo trì và cập nhật (cho bộ phận IT). Nó giống việc bạn mua sản phẩm như mua một chiếc xe máy để đi, nhận bảo hành 2 năm và… chấm hết.

    Phần mềm tiêu biểu nhất cho SaaP là Microsoft Office, thường được phân phối dưới dạng tập tin đóng gói trong đĩa CD hoặc các thiết bị vật lý hay tải về từ mạng. Sau đó cài đặt mà không cần Internet, chỉ cần điền đúng "key" mà bạn đã mua cùng phần mềm đó.

     Microsoft Word thuộc Microsoft Office.

    Microsoft Word thuộc Microsoft Office.

    Các ứng dụng dạng SaaP thường chỉ phải trả tiền một lần, nhưng nếu có cập nhật lớn được phát hành (chẳng hạn từ Windows 7 lên Windows 10), người dùng thường cần tốn một chút chi phí thêm. Đôi khi việc nâng cấp không cần thiết lắm (nếu Windows 7 còn dùng tốt), tuy nhiên bạn vẫn nên mua vì chúng cho phép người dùng tận hưởng một số tính năng mới và an toàn hơn vì nhiều lỗi bảo mật đã được sửa. Ngoài ra nâng cấp cũng là một ý hay nếu bạn muốn làm việc tương thích hoàn toàn với tài liệu được tạo ra trên phần mềm mới.

    SaaS: Phần mềm – như một dịch vụ

    Các giải pháp của SaaS cung cấp các ứng dụng qua mạng, thường là thông qua điện toán đám mây và tính phí theo thời gian dùng. Nó thực chất là phần mềm trên nền web được lưu trữ bởi nhà cung cấp, trái ngược với việc tải xuống sau khi mua rồi sau đó được lưu trữ bởi khách hàng. Bên bán sẽ cung cấp cho khách hàng quyền truy cập ứng dụng theo các tiêu chuẩn an ninh, tính khả dụng và hiệu suất đã thỏa thuận. Khách hàng chỉ cần Internet để dùng sau khi trả tiền thuê bao. Nó giống như khi bạn thuê sách trong thư viện hay gọi Grab.

    Đối ngược SaaP với Microsoft Office, ứng dụng tiêu biểu cho SaaS là Google Docs hoặc Prezi. Chúng ta không cần chi phí mua máy tính quá mạnh hay trả tiền mua key đắt đỏ. Chỉ một đường Internet là có thể thoải mái làm việc, soạn thảo văn bản từ bất cứ đâu (điện thoại, PC, máy tính bảng).

    PaaS và IaaS là gì?

    Bên cạnh SaaS còn có các khái niệm PaaS (Platform as a Service- Nền tảng như một dịch vụ) và IaaS (Hạ tầng như một dịch vụ). Chúng ta có thể phân biệt sự khác nhau theo mức độ dựa vào bảng dưới đây

    Tương lai dành cho ai?

    Ưu điểm lớn của SaaS là các vấn đề sửa lỗi và kỹ thuật để vận hành phần mềm sẽ do bên cung cấp dịch vụ lo, từ việc đảm bảo server hoạt động ổn định đến cập nhật, bảo mật v.v… Như vậy sẽ rất phù hợp với các công ty vừa và nhỏ khi gần như không cần bộ phận IT. Công ty chỉ việc tập trung vào kỹ thuật, tự động hóa cũng như thống nhất dữ liệu vào một nơi. Chi phí ban đầu thấp và khả năng phân tích thông tin doanh nghiệp, dễ thay đổi, cải tiến quy trình cũng là những ưu điểm hứa hẹn của SaaS

     Chi phí trong năm đầu tiên khi sử dụng SaaP sẽ thấp hơn SaaS

    Chi phí trong năm đầu tiên khi sử dụng SaaP sẽ thấp hơn SaaS

    Tất nhiên nhược điểm của SaaS cũng chính là ưu điểm của SaaP. Đó là khi mất mạng thì cả công ty ngồi nghỉ và nếu dữ liệu bạn cảm thấy không an toàn khi lưu trữ trên mây thì nên cân nhắc. Ngoài ra, có những quy trình của các công ty hoặc nhu cầu cá nhân đặc thù mà chỉ các phần mềm dạng SaaP mới "kham" được. Những doanh nghiệp lớn và đầu tư cho dài hạn vẫn thiên về việc mua đứt phần mềm như một sản phẩm. Nhưng với các start-up hiện đang nở rộ "như nấm sau mưa" thì "mua dịch vụ" lại là lựa chọn sáng giá hơn. Đến cả một ông lớn chuyên về SaaP như Microsoft với vũ khí hạng nặng là Office 2016 cũng đã phải bắt đầu chuyển mình sang kinh doanh theo hướng dịch vụ bằng Office365 từ lâu.

    Tóm lại, những ưu nhược điểm này sẽ là lý do để SaaP và SaaS cùng tồn tại, như mua xe và gọi grab, như mua nhà và thuê nhà, như iTunes Store với Spotify. Chọn lựa giải pháp nào tùy vào tình huống cụ thể của bạn. Người lớn thì hay nói: Nếu đủ tiền mua, tại sao phải thuê? Còn giới trẻ lại bảo: Nếu đủ tiền thuê, tại sao phải đi mua?

    Tham khảo blog Bynder và SaphanaTutorial

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày