Giáo sư Ronald Ferguson đã phỏng vấn nhiều bậc cha mẹ cùng với con cái của họ để tìm ra những chìa khóa quan trọng nhất trong việc dẫn lối trẻ đến với thành công.
Chia sẻ với tờ Gazette, Ronald Ferguson, một nhà kinh tế học được đào tạo tại MIT và có thâm niên giảng dạy hơn ba thập kỷ tại Trường Harvard, đã chia sẻ về các phong cách nuôi dạy những đứa trẻ thành công. Những chia sẻ của ông cũng được xuất bản thành cuốn sách “Công thức: Mở khóa bí mật để nuôi dạy trẻ thành công”. Các nhà giáo dục đã cho rằng đây là một trong những nghiên cứu toàn diện nhất về nuôi dạy con cái.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, đội nhóm của giáo sư Ronald Ferguson đã thu thập kinh nghiệm của rất nhiều bậc cha mẹ về những gì họ đã làm, những ý định họ dự định sẽ làm và điều gì đã khiến họ có những ý định đó. Ông cũng trò chuyện cởi mở với cả con cái của họ để hiểu rõ hơn.
“Công thức” để nuôi dạy những đứa trẻ thành công mà giáo sư Ronald Ferguson tiết lộ bao gồm 8 vai trò quan trọng của cha mẹ.
8 vai trò cha mẹ cần làm để nuôi dạy những đứa trẻ thành công
Thứ nhất, đối tác học tập sớm
Cha mẹ cần khơi dậy hứng thú học tập cho trẻ em càng sớm càng tốt, đặc biệt là trước khi trẻ bắt đầu đi học. Hầu hết những đứa trẻ thành công mà ông phỏng vấn đều có thể đọc những từ cơ bản vào thời điểm bắt đầu đi học mẫu giáo. Một số đã chia sẻ rằng, bản thân càng cảm thấy hứng thú học tập nhờ cảm giác “dẫn đầu”, khi giáo viên hào hứng ngợi khen việc họ có thể đọc sớm, hiểu bài nhanh.
Thứ hai và thứ ba, đảm bảo thế giới đối xử đúng cách với con và “sửa chữa” nếu tồn tại sai lầm
Phụ huynh nên dành thời gian để quan tâm tới những điều mà đứa trẻ đang nhận được từ nhà trường. Nếu không được đảm bảo những giá trị cần thiết, cha mẹ nên sớm có động thái can thiệp nếu cần, theo hướng tích cực. Trong trường hợp này, họ đóng vai trò như những “người sửa chữa” để đảm bảo rằng con mình sẽ không bị bỏ lỡ những cơ hội lớn trong đời, ngay cả khi thiếu nguồn lực.
Các bậc cha mẹ có thể sống trong cảnh vất vả, nhưng nếu họ thấy một cơ hội được đánh giá là cần thiết cho sự thành công của con cái trong trường học hoặc trong cuộc sống, họ sẵn sàng đánh đổi nhiều điều để con mình có được nó.
Thứ tư, họ cũng là người tiết lộ
Để trở thành “người tiết lộ”, cha mẹ cần cho trẻ em thấy những điều kỳ diệu của thế giới. Vì vậy ngay cả khi trẻ lớn lên trong cảnh nghèo khó, chúng vẫn được mở mang tầm mắt thông qua những lần tham quan viện bảo tàng, dành thời gian ở thư viện và gặp gỡ nhiều người xung quanh.
Thứ năm, những nhà triết học
Những nhà triết học đồng hành trong chặng đường phát triển của trẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình khai phá hứng thú học tập. Bởi vì họ sẽ giúp trẻ tìm ra mục đích của học tập, cũng như tầm quan trọng của tri thức.
Nếu một đứa trẻ 3 tuổi đưa ra những câu hỏi sâu sắc, các bậc cha mẹ triết gia sẽ không tảng lờ câu hỏi. Thay vào đó, họ cố gắng trả lời theo cách làm tăng thêm hiểu biết của đứa trẻ về cuộc sống.
Vai trò thứ sáu, hình mẫu mà đứa trẻ muốn noi theo
Trẻ thường học hỏi từ những gì chúng quan sát (nhất là kinh nghiệm trong cuộc đời cha mẹ) nhiều hơn là những điều khô khan mà các bậc phụ huynh giáo huấn. Bản thân cha mẹ cũng nên dành thời gian cho chính mình để học hỏi, phát triển bản thân. Khi ly nước của bạn không đong đầy, làm sao bạn có thể chia sẻ với người khác. Khi bạn không có giá trị gì, sao bạn có thể trao giá trị cho người khác.
Thứ bảy, những nhà thương lượng
Cha mẹ nên dạy trẻ cách tôn trọng, đồng thời cũng là cách tự vận động. Trẻ cần được hướng dẫn để biết cách bảo vệ lợi ích của chính mình và đối phó với những người có thể tác động tới quyền lợi của trẻ.
Vai trò cuối cùng, hãy làm một chiếc GPS
Đừng quên trở thành chiếc GPS giúp con định hướng. Giọng nói của cha mẹ trong đầu đứa trẻ sẽ là lời khuyên bổ ích khi trẻ bắt đầu rời khỏi nhà, hướng dẫn trẻ vượt qua những tình huống mới trong cuộc sống. Tuy nhiên, hãy giới hạn bản thân ở ngưỡng “định hướng”, mà không phải ép buộc.
Điều gì xảy ra khi cha mẹ thất bại trong những vai trò này?
Theo Ronald Ferguson, phụ huynh không thể đạt được những vai trò quan trọng phía trên có thể sẽ dẫn tới những vấn đề lớn.
Chẳng hạn như, nếu cha mẹ không phải là một đối tác học tập sớm, đứa trẻ sẽ bắt đầu đến lớp mẫu giáo với tâm lý chán ghét việc học tập. Nếu người “sửa chữa” không làm công việc của họ, có khả năng trẻ sẽ mất đi cơ hội để sở hữu một vài kỹ năng quan trọng trong chặng đường phát triển. Nếu không có triết gia, trẻ có thể không tìm thấy mục đích của việc học tập. Nếu không có hình mẫu hoặc người đàm phán, trẻ em có thể thu mình lại khi đối mặt với những kẻ thù mạnh mẽ, thay vì tự vận động.
Cũng có những đứa trẻ không nhận được đầy đủ các điều kể trên mà vẫn có thể thành công, nhưng hành trình của trẻ sẽ vất vả hơn nhiều. Khi có được sự đồng hành đúng đắn từ cha mẹ, trẻ sẽ đạt được những bước tiến quan trọng ngay từ khi còn nhỏ.
*Nguồn: The Harvard Gazette
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming