Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết

    Tấn Minh,  

    Dù ký ức của bạn về Android 2.3 Gingerbread có lẽ đã dần phai nhạt, nhưng phiên bản hệ điều hành này xứng đáng nhận được sự tôn trọng.

    Trước khi trở thành một phiên bản hệ điều hành "zombie", Android 2.3 Gingerbread thực sự là một trải nghiệm đột phá – nó đã mang đến rất nhiều thứ mà các phiên bản Android hiện đại vẫn sử dụng cho đến ngày nay, đồng thời khoác một lớp áo mới lên giao diện người dùng, biến toàn bộ hệ thống trở nên hiệu quả hơn.

    Được giới thiệu vào cuối năm 2010, Gingerbread tăng trưởng nhanh chóng, trở thành phiên bản Android phổ biến nhất chỉ trong chưa đầy 1 năm và chiếm lấy 50% thị phần vào tháng 12/2011. Google đã ngừng cập nhật biểu đồ phân phối hệ điều hành vào năm ngoái, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy phiên bản Android 2.3 này vẫn "mò mẫm dọc những hành lang tối tăm" và thỉnh thoảng lại "nhảy xổ" ra khiến không ít các nhà phát triển đang trầy trật làm mọi cách để đảm bảo ứng dụng của họ đạt tính tương thích cao nhất với toàn thị trường phải khiếp sợ.

    Người tiền nhiệm của Gingerbread, Android 2.2 Froyo, được giới thiệu vài tháng trước đó và phải đến tận tháng 1/2017 mới chịu chết. Tại thời điểm đó, Gingerbread vẫn đang bám lấy 1% thị phần. Những phiên bản Android cũ kỹ này thực sự sống quá dai, vượt quá mọi sự kỳ vọng lẫn chào đón của mọi người.

    Điều gì đã giúp Gingerbread có được sức mạnh để trường thọ ngang ngửa Windows XP như vậy? Giống như XP, đây là phiên bản Android đầu tiên "thực sự" tuyệt vời. Bạn chắc chắn sẽ không muốn sử dụng Gingerbread trong năm 2020, nhưng vẫn có thể dùng được – còn những phiên bản trước đó? Một cơn ác mộng, bởi chúng thiếu vắng quá nhiều tính năng.

    Đúng vậy. Trước Android 2.3, các ứng dụng bên thứ ba thậm chí chẳng thể truy xuất được camera selfie. Gingerbread cho phép các ứng dụng này sử dụng bao nhiêu camera ở bất kỳ vị trí nào tùy thích – những chiếc điện thoại Android ngày nay, với 3, 4, 5, hay 6 camera sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không có nền tảng từ Gingerbread.

    Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

    Một điều nữa sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nếu không có Gingerbread: các màn hình ngoại cỡ, hay "xlarge" (extra large) theo cách miêu tả của hệ thống, với kích thước từ 7 – 10 inch. Đây là sự chuẩn bị cho các tablet Android vốn sẽ được Google chính thức hỗ trợ từ Android 3.0 Honeycomb trở đi (nhưng đó là một câu chuyện khác mà chúng ta sẽ thảo luận sau).

    Một tính năng nền tảng khác được kích hoạt cùng 2.3 là NFC. Ban đầu được sử dụng cho các loại thẻ (tag), một thứ gần như đã biến mất ở thời điểm hiện tại, NFC (Giao tiếp Trường gần) là một tính năng cực kỳ quan trọng trong các hệ thống thanh toán di động ngày nay.

    Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết - Ảnh 2.

    Ngay cả những thứ cơ bản như copy và paste cũng được cải thiện trên Gingerbread, cho phép bạn nhấn giữ một từ để chọn và mở ra menu copy/paste. Bàn phím ảo tốt hơn trong việc đề xuất từ, bố cục các phím được tinh chỉnh để gõ dễ hơn, và khả năng đọc chính tả chính xác hơn.

    Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết - Ảnh 3.

    Các công cụ đa phương tiện mới cũng góp phần nâng cấp cải thiện sử dụng. Các ứng dụng này có thể kích hoạt tính năng ảo hóa headphone và tăng bass, bộ codec mới cho phép chơi âm thanh AAC và AMR, cũng như video VP8 và WebM.

    Gingerbread giới thiệu một màn hình quản lý năng lượng mới, cung cấp thông tin chi tiết về việc sử dụng pin. Nó còn hiển thị các ứng dụng chạy dưới nền và tính toán cả mức điện năng lẫn sử dụng CPU. Đây là hệ điều hành đầu tiên mang lại cho người dùng những công cụ mạnh mẽ nhưng vẫn dễ sử dụng để quản lý thời lượng pin của họ.

    Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết - Ảnh 4.
    Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết - Ảnh 5.

    Hiệu năng hệ thống được cải thiện mạnh mẽ, với khả năng phân phối sự kiện nhanh hơn – các sự kiện bàn phím và cảm ứng được xử lý với độ trễ và tải CPU thấp hơn, rất thuận lợi cho các game và các ứng dụng khác đòi hỏi giao diện linh hoạt.

    Google còn phát triển một "bộ máy" thu gom rác hệ thống hoạt động liên tục. Chúng ta sẽ không đi sâu vào cách hoạt động của Dalvik, nhưng điểm quan trọng ở đây là các ứng dụng không còn bị khựng nữa nhờ vào tác vụ bảo trì hệ thống chạy dưới nền này.

    Không phải mọi thứ đều chạy trên Dalvik – để tận dụng được hiệu năng tối đa của chipset, các nhà phát triển cần chạy native code. Gingerbread biến việc này trở nên dễ dàng hơn nhiều, cung cấp một native API có thể sử dụng trực tiếp OpenGL ES cho các tác vụ đồ họa, nạp tài nguyên, xử lý nhập liệu và các sự kiện cảm biến, và chơi nhạc. Driver OpenGL cũng được cập nhật để mang lại hiệu năng 3D nhanh hơn.

    Gingerbread, phiên bản Android “không chịu chết”, có nhiều điểm thú vị không phải ai cũng biết - Ảnh 6.

    Có nhiều thứ nhỏ nhặt khác mà bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chúng chưa hề xuất hiện trước Android 2.3, ví dụ như trình quản lý tải về. Trước đây, bạn phải tự theo dõi mọi thứ mình lưu từ trên internet thông qua giao diện trình duyệt.

    Dù ký ức của bạn về Android 2.3 Gingerbread có lẽ đã dần phai nhạt, nhưng phiên bản hệ điều hành này xứng đáng nhận được sự tôn trọng – nó là một trong những bản Android có tầm ảnh hưởng nhất từ trước đến nay, giúp biến nó thành hệ điều hành thống trị toàn cầu.

    Tham khảo: GSMArena

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ