Các chuyên gia mới phát hiện ra tế bào ung thư đang lây lan trong các loài sinh vật biển như sò, ngao, hến, hàu... Nhưng liệu điều này có gây ảnh hưởng đến loài người?
Từ trước đến nay, việc bị lây nhiễm ung thư là tương đối hiếm, đặc biệt là giữa những cá thể khác loài. Nguyên nhân xuất phát từ việc các loài đều có hệ miễn dịch riêng, có thể tấn công tế bào lạ xâm nhập cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature, tế bào ung thư đang lây truyền trong các loài sinh vật biển. Cụ thể hơn, đó là các mẫu ngao, sò, trai... tại Canada và Tây Ban Nha: tất cả đều mang tế bào ung thư có nguồn gốc từ cá thể khác.
Theo giáo sư Stephen Goff thuộc Trung tâm y tế ĐH Columbia (Mỹ): "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng việc tế bào ung thư lây lan đang là một hiện tượng đáng lo ngại đối với môi trường biển. Các trường hợp ung thư lây lan hiện còn nhiều hơn trường hợp ung thư do đột biến, ít nhất là trong những loài đang xét nghiệm".
Thông thường, ung thư xuất hiện là do tế bào cơ thể bị đột biến do đó mà nó nguy hiểm, vì hệ miễn dịch không thể phản ứng kịp thời. Chính vì thế, việc tế bào ung thư từ cơ thể khác lây lan sang là chuyện rất hiếm, do hệ miễn dịch cơ thể sẽ ngay lập tức đào thải nó. Duy có các loài động vật thân mềm - những sinh vật có hệ miễn dịch sơ khởi - mới dễ bị lây nhiễm ung thư.
Thế nhưng, các chuyên gia cũng cho biết rằng bình thường ung thư nếu có lây nhiễm sẽ chỉ trong các cá thể cùng loài. Còn nghiên cứu lại chỉ ra những trường hợp lây nhiễm chéo khác loài, chứng tỏ tế bào ung thư có thể tự thích nghi nhằm tăng khả năng lan truyền.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng giấc mơ chén ngập mồm sò huyết, sò điệp của chúng ta đã kết thúc. Giáo sư Goff nhấn mạnh rằng: "Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy ung thư có thể lây lan ra các sinh vật không phải loài thân mềm. Ở người, chúng ta vẫn có thể ăn thoải mái, vì hệ miễn dịch của người hoạt động rất tốt".
Giáo sư Mel Greaves - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ung thư thuộc Viện Ung thư London (Anh) cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu không có nghĩa rằng con người sẽ mắc ung thư chỉ vì tắm biển.
Greaves cho biết, các trường hợp lây nhiễm ung thư có thể xảy ra nếu như khối u có sẵn mạch máu, đồng thời hệ miễn dịch bỗng nhiên buông tha cho tế bào ung thư. Nhưng nguy cơ xảy ra là vô cùng nhỏ. Do đó, chúng ta cũng không việc gì phải ngần ngại mà tiếp tục thưởng thức hải sản cả.
Có điều, các chuyên gia đang buộc phải nghiên cứu sâu hơn về cơ chế di truyền của ung thư cho phép chúng lây nhiễm là như thế nào, nhằm xác định xem liệu ung thư có thể lây lan giữa con người hay không. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra một phương pháp điều trị ung thư mới trong tương lai.
Theo Kênh 14 / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android