Giới khoa học vừa tìm ra 6 hậu duệ còn sống của Leonardo da Vinci nhờ phân tích gen?
Đây là kết quả của một hành trình công phu, bắt đầu bằng việc rà soát kỹ lưỡng các tư liệu lưu trữ cổ, từ đó tái dựng những nhánh phả hệ từng bị thất lạc, đặc biệt là thông qua cha và người anh cùng cha khác mẹ của Leonardo da Vinci.
Leonardo da Vinci - họa sĩ, nhà phát minh, nhà giải phẫu và biểu tượng vĩ đại của thời Phục Hưng - có thể vẫn còn hậu duệ sống giữa chúng ta ngày nay. Đó là tuyên bố đáng chú ý trong cuốn sách Genìa Da Vinci. Genealogy and Genetics for Leonardo’s DNA vừa được công bố bởi hai nhà nghiên cứu Alessandro Vezzosi và Agnese Sabato thuộc Hiệp hội Di sản Leonardo da Vinci.
Dựa trên quá trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm, nhóm tác giả cho biết họ đã lần ra được phả hệ kéo dài gần 700 năm của dòng họ da Vinci, với 21 thế hệ và hơn 400 cá nhân, trong đó có ít nhất 15 người mang huyết thống nam giới còn sống đến ngày nay.

Đây là kết quả của một hành trình công phu, bắt đầu bằng việc rà soát kỹ lưỡng các tư liệu lưu trữ cổ, từ đó tái dựng những nhánh phả hệ từng bị thất lạc, đặc biệt là thông qua cha và người anh cùng cha khác mẹ của Leonardo. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu chuyển sang phân tích ADN. Giáo sư David Caramelli - trưởng dự án ADN Leonardo và Giám đốc Khoa Sinh học thuộc Đại học Florence - cùng chuyên gia nhân chủng học pháp y Elena Pilli đã tiến hành xét nghiệm vật liệu di truyền từ sáu người trong số các hậu duệ này. Cả sáu đều mang những đoạn nhiễm sắc thể Y giống nhau - loại gen chỉ di truyền theo dòng nam - cho thấy chuỗi huyết thống nam giới trong gia đình da Vinci vẫn được bảo toàn suốt ít nhất 15 thế hệ.
Tuy nhiên, những phát hiện gây tò mò này vẫn cần được xem xét một cách thận trọng. Trước hết, cuốn sách chưa phải là công trình khoa học được bình duyệt và nội dung đầy đủ của nó sẽ chỉ được công bố chính thức trong buổi ra mắt vào ngày 22/5/2025.
Quan trọng hơn, đến nay vẫn chưa có mẫu ADN nào được xác nhận chắc chắn là của chính Leonardo da Vinci. Nhóm nghiên cứu mới chỉ phân tích sơ bộ một mẫu xương được khai quật từ mộ phần trong Nhà thờ Santa Croce ở thị trấn Vinci - nơi được cho là nơi yên nghỉ của những người thân như ông nội, bác ruột và một số người anh cùng cha khác mẹ của ông. Theo giáo sư Caramelli, cần tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá độ nguyên vẹn của ADN trong các mẫu này, trước khi có thể so sánh với hậu duệ sống.
Ngay cả khi có thể xác định được dòng máu da Vinci vẫn đang tồn tại, điều đó không đồng nghĩa với việc Leonardo có hậu duệ trực hệ. Phần lớn sử gia đồng thuận rằng ông không có con và nhiều bằng chứng cho thấy Leonardo có xu hướng đồng tính - bao gồm một vụ cáo buộc “giao du đồng giới” năm 1476, khi ông mới 23 tuổi, dù vụ việc sau đó được hủy bỏ vì thiếu bằng chứng.
Tuy không thể loại trừ hoàn toàn khả năng ông từng có con, nhưng việc không có tài liệu ghi nhận nào khiến giả thuyết này trở nên khó tin. Tuy vậy, điều ít người biết là Leonardo có một gia đình mở rộng rất lớn, với tài liệu ghi nhận ông có đến 22 người anh em cùng cha khác mẹ - tạo nên nền tảng vững chắc cho việc lần tìm những người mang gen da Vinci đến tận ngày nay.
Thật trớ trêu khi Leonardo - người qua đời năm 1519, tức hơn ba thế kỷ trước khi ADN được phát hiện - lại trở thành tâm điểm của một dự án di truyền học trong thế kỷ 21. Nhưng điều này không hoàn toàn xa lạ với tinh thần của ông. Trong hàng trăm bản thảo để lại, Leonardo thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến cơ thể con người, sinh học và khả năng di truyền.
“Ông không chỉ nghiên cứu sự sống qua lăng kính sinh học, mà còn xem việc thụ thai là một quá trình nơi tự nhiên, cảm xúc và định mệnh hòa quyện - một tư duy gần gũi với những khái niệm hiện đại như di truyền học và biểu sinh học,” nhà nghiên cứu Agnese Sabato nhận định.
“Mục tiêu của chúng tôi là tái dựng và bảo tồn phả hệ gia đình da Vinci đến ngày nay, đồng thời khôi phục và bảo vệ những địa danh gắn liền với cuộc đời Leonardo - qua đó tạo nền tảng cho nghiên cứu khoa học về ADN của ông,” Alessandro Vezzosi cho biết. “Nếu có thể phục dựng ADN của Leonardo, chúng tôi hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc sinh học đứng sau thị lực siêu việt, trí tưởng tượng phi thường, thậm chí cả những yếu tố liên quan đến sức khỏe và nguyên nhân cái chết của ông.”
Nếu Leonardo da Vinci còn sống hôm nay, có lẽ chính ông sẽ là người đầu tiên tham gia vào cuộc nghiên cứu này - với niềm đam mê không chỉ dành cho nghệ thuật, mà còn cho bí ẩn sâu thẳm bên trong cơ thể và trí óc con người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Khi nhân dân theo cách mạng, ắt có vũ khí - với chúng ta hôm nay, đó là AI”
Trong kỷ nguyên công nghệ, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu không còn là khái niệm kỹ thuật đơn thuần, mà trở thành công cụ chiến lược của mỗi quốc gia. Việt Nam cần một tư duy mới để làm chủ và tận dụng sức mạnh này.
Người dùng biến Nintendo Switch trở thành chiếc iPhone chậm nhất thế giới