Thiếu khả năng cài đặt các ứng dụng hiện đại, BlackBerry đang được giới trẻ Trung Quốc xem như "thiết bị trốn khỏi internet" và lùng mua để tập trung cho việc học.
Giới trẻ thường là những người đầu tiên chấp nhận các thiết bị mới nhất. Nhưng ở Trung Quốc, một số người lại đang lựa chọn các thiết bị công nghệ cũ kỹ mà có thể chính bạn đã lãng quên từ lâu: điện thoại BlackBerry.
Thương hiệu điện thoại từng được yêu thích từ những năm 2000 lại đang bất ngờ trỗi dậy ở Trung Quốc khi nó giúp người dùng tránh được các cạm bẫy do sử dụng internet quá nhiều. Theo một hãng truyền thông địa phương, BlackBerry đã trở nên đặc biệt phổ biến với sinh viên – những người lựa chọn các điện thoại cũ này để tập trung vào việc học.
Những chiếc BlackBerry cũ kỹ này lại đang được giới trẻ tìm mua tại Trung Quốc.
Được tìm mua vì quá lỗi thời
"Chiếc điện thoại này trông đáng yêu quá. Và thoát khỏi internet cũng rất hữu ích." Một người viết đánh giá như vậy cho một chiếc BlackBerry đời 2013 trên trang Taobao. Các bình luận khác không nhiều nhiệt tình đến như vậy.
Anh Leo Lee tại Hong Kong, một người đang vận hành nhiều fan pages dành về BlackBerry, cho biết người dùng vẫn mua BlackBerry vì những tính năng bảo mật, ngoại hình đặc biệt và bàn phím cứng QWERTY đặc trưng của nó. Những người muốn trốn tránh các kết nối trực tuyến thường lựa chọn những thiết bị chạy hệ điều hành BlackBerry OS cũ, do không hỗ trợ nhiều ứng dụng mới hiện nay. Anh Lee cho rằng, điều này giúp các sinh viên tập trung vào việc học.
Một số thương gia cũng đang tập trung vào nhu cầu đặc biệt này. Những người bán BlackBerry trực tuyến cũng tân trang lại ngoại hình cho những thiết bị này, trong số đó có hàng chục các lớp vỏ mang thiết kế manga dễ thương.
Những chiếc BlackBerry Q10 được tân trang lại bằng các bộ vỏ mang thiết kế manga dễ thương.
Tất nhiên, nếu bạn đã từng dùng qua nhiều loại smartphone khác nhau hẳn sẽ thắc mắc, loại BlackBerry đang được lùng mua đó là loại nào vậy?
Thương hiệu điện thoại của Canada này từng nổi danh với các smartphone chạy hệ điều hành BlackBerry OS từ những năm 2000. Cho đến năm 2009, khoảng 20% smartphone toàn cầu đang chạy trên hệ điều hành này. Tuy nhiên, đến năm 2017 – 10 năm sau khi iPhone ra mắt – thị phần BlackBerry tụt gần như xuống 0 khi bị các đối thủ cạnh tranh chạy Android và iPhone vượt mặt.
Cuối cùng công ty từ bỏ các hệ điều hành do mình tự xây dựng (bao gồm cả BlackBerry OS và BlackBerry 10) để chuyển sang tập trung vào các thiết bị chạy Android từ năm 2015. Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan hơn khiến công ty cũng từ bỏ việc thiết kế điện thoại và nhượng quyền thương hiệu cho TCL, công ty điện tử Trung Quốc từng sản xuất điện thoại cho Alcatel.
Giá rẻ và ít ứng dụng
Dễ hiểu tại sao những chiếc BlackBerry lại được mệnh danh là "những điện thoại trốn khỏi internet". Các thiết bị chạy BlackBerry OS vốn giới hạn nhiều chức năng hơn so với iPhone và các thiết bị Android. Ngay cả khi bạn có thể cài đặt side-load một số ứng dụng Android lên đó, điều này vẫn không được cải thiện mấy.
Những chiếc BlackBerry này vẫn được nhiều fan trung thành tìm mua vì sở thích.
Theo các diễn đàn trực tuyến, chiếc BlackBerry Q10 vốn rất phổ biến vào năm 2013, cũng có thể cài đặt các file APK của Android lên đó, thậm chí cả Google Play Store. Điều này giúp người dùng cài được một số phiên bản của các ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc, như QQ Music và WeChat, nhưng với nhiều ứng dụng mới hơn thì không. Điều này giúp mọi người không bị lãng phí hàng giờ vào các ứng dụng mới hơn, nhưng không được hỗ trợ như TikTok hay trò chơi điện tử.
Một đặc điểm hấp dẫn khác đối với các thiết bị này là giá rẻ. Trong khi những máy BlackBerry mới nhất có giá đến 500 USD hoặc hơn nữa, những máy cũ này chỉ có giá khoảng 90 USD.
Không chỉ có các sinh viên mới là những người duy nhất đang tìm mua các điện thoại BlackBerry. Thương hiệu này vẫn còn một số fan cứng trung thành với thiết bị của họ. Các fan page mà anh Lee vận hành ở Hong Kong và Trung Quốc hiện đang có khoảng 250.000 người ủng hộ. "Thật khó đếm được bao nhiêu fan BlackBerry ở Hong Kong và Đại lục."
BlackBerry Key2 LE (trái) và BlackBerry Key2 - hai điện thoại mới ra mắt gần đây của thương hiệu này.
Nhưng cũng không còn quá nhiều người hào hứng với các điện thoại BlackBerry nữa. Năm 2017, công ty chỉ xuất xưởng được 850.000 thiết bị, thấp hơn nhiều so với con số 14,6 triệu sản phẩm vào quý 4 năm 2010.
BlackBerry vẫn thường xuyên ra mắt các thiết bị mới. Gần đây nhất là Key2 LE, ra mắt vào tháng 8 năm 2018. Cũng có một số tin đồn về Key3 nhưng không có thông báo chính thức nào được đưa ra.
Giờ đây khi không còn là một nhà sản xuất smartphone lớn nữa, BlackBerry đang chuyển hướng sang tập trung vào các giải pháp liên lạc bảo mật. Dù không còn sản xuất điện thoại nữa, có lẽ BlackBerry sẽ cảm thấy ấm lòng khi biết vẫn còn nhiều người đang nhớ đến quá khứ huy hoàng của họ.
Tham khảo AbacusNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI