Giới trẻ Việt khởi nghiệp: Chưa lo nổi bữa ăn, 8h sáng mẹ đến tận giường gọi dậy, nhưng vẫn mơ trở thành Mark Zuckerberg!
‘Một em sinh viên ĐH Ngoại thương đến nói với tôi rằng em muốn khởi nghiệp và trở thành Mark Zuckerberg. Tôi hỏi em đã làm gì để thành Zuckerberg? Rất nhiều bạn chưa tự nuôi sống được bản thân, 8h sáng mẹ vẫn đến tận giường gọi dậy thì cần suy nghĩ nhiều về chuyện làm Startup thế nào cho nghiêm túc’.
Đây là những lời chia sẻ tự đáy lòng của chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý và đồng sáng lập KisStartup – trong một hội thảo khởi nghiệp mới đây.
Khi bắt đầu câu chuyện, chị đã cười vì KisStartup là một tổ chức hỗ trợ Startup, và giờ thì chị đang khuyên các bạn trẻ không khởi nghiệp.
Tâm sự với phóng viên, anh Hùng Trần - CEO kiêm Founder GotIt! – chia sẻ giờ khởi nghiệp tại Việt Nam giống như một phong trào. Các thông tin, các hội thảo luôn hô hào “Khởi nghiệp đi”, và giờ người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp.
Và khi khởi nghiệp không có gì trong tay, khởi nghiệp do được truyền cảm hứng từ những hội thảo, những chia sẻ hào nhoáng, những diễn giả thú vị, nói hay… các bạn trẻ chẳng khác gì đang “đâm đầu vào đá”.
“Một em sinh viên ĐH Ngoại thương đến nói với tôi rằng em muốn khởi nghiệp và trở thành Mark Zuckerberg. Tôi hỏi em đã làm gì để thành Zuckerberg? Rất nhiều bạn chưa tự nuôi sống được bản thân, 8h sáng mẹ vẫn đến tận giường gọi dậy thì cần suy nghĩ nhiều về chuyện làm Startup thế nào cho nghiêm túc”, chị Minh tâm sự.
“Khi các em chưa tự nuôi sống được bản thân, ngày ngày vẫn lấy tiền của cha mẹ thì Startup để làm gì? Sai lầm hiện nay là chúng ta cứ khuyến khích Startup mà chưa khuyến khích các em học thái độ tự lập, nuôi sống bản thân đã, trước khi nghĩ đến một cái gì vĩ đại và phức tạp hơn rất nhiều”.
Các khóa học khởi nghiệp thành công đua nhau ra đời, sinh viên nuôi mộng bỏ học để Startup!
“Em vừa bỏ học ở Học viện Tài chính và thích khởi nghiệp lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ cho ô tô. Nhưng làm lĩnh vực này cần tới 300 tỷ đồng vốn pháp định. Em muốn bằng được trong năm nay phải có…” – một bạn sinh viên tâm sự trong một hội thảo khởi nghiệp.
Chia sẻ lý do bỏ học, em kể: Trước khi vào đại học, em luôn mơ về một môi trường học thực tiễn hơn. Nhưng… Việc nghỉ học và ra ngoài làm việc sẽ cho em trải nghiệm thực tế và phát triển bản thân hơn 4 năm ngồi trên giảng đường đại học.
Nắm bắt được đam mê khởi nghiệp của giới trẻ, nhiều khóa học làm giàu , khởi nghiệp thành công liên tiếp được mở ra, thậm chí có những người tự phong “chuyên gia khởi nghiệp” đi diễn thuyết các nơi để bán sách.
“Có hiện tượng một số tổ chức, công ty nắm bắt tâm lý muốn khởi nghiệp bằng mọi giá (hay dùng cụm từ "khởi nghiệp thành công”) để lôi kéo học viên chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên muốn kiếm tiền nhanh, tư duy ăn xổi.... Các bạn sinh viên hoặc mất tiền để tham gia các khóa học, có bạn trở thành thành công cụ cho những tổ chức/cá nhân đó kiếm tiền: như bán hàng, lên kế hoạch dự án… mà không được trả lương”, anh Nguyễn Lê Đình Quý - Quản lý, nhóm Omega - Cộng đồng đọc sách tinh hoa của Alphabooks, người có dành nhiều thời gian tìm hiểu về Startup, chia sẻ.
Anh Quý cho biết ở Đà Nẵng - một thành phố không năng động bằng Hà Nội và TPHCM, cũng đã xuất hiện một vài dạng công ty lợi dụng các khóa học kỹ năng sống rồi đến khóa học làm giàu, khởi nghiệp thành công… để trục lợi.
Chia sẻ lời khuyên tới các bạn trẻ, chị Minh cũng nhắn nhủ: “Chừng nào các bạn chưa học hết đừng làm!”
“Nếu không hình dung hết bức tranh thì khi khó khăn sau này sẽ lấy mất của bạn đi rất nhiều. Giờ Startup không chỉ thất bại nhanh (Fail fast), mà phải thất bại thông minh (Fail smart). Tôi làm Mentor cho 4 bạn sinh viên Việt Nam từ Mỹ về. Sản phẩm rất tốt nhưng các bạn chỉ làm part-time, không rời bỏ công ty đang làm thuê vì các bạn vẫn nhìn ra nhiều thứ để học từ công việc này”.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?