Giữa làn sóng thất nghiệp, sinh viên ngành này vẫn 'đắt như tôm tươi', doanh nghiệp xếp hàng dài chờ xin tuyển dụng

    Bảo Nam,  

    Trong khi các bạn đồng trang lứa phải đối mặt với tương lai mờ mịt, thứ chờ đón những sinh viên mới tốt nghiệp ngành này ở Trung Quốc lại là các lời đề nghị và ưu đãi vô cùng hấp dẫn.

    Mặc dù phải thực hiện nhiều lần xét nghiệm Covid-19, Wang Min, giám đốc của một nhà sản xuất chip ô tô có trụ sở tại Quảng Châu, vẫn lên tàu đến Vũ Hán vào tháng trước, với hy vọng thuê được một vài sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc cho công ty của mình.

    Nhưng Wang đã đến muộn và phải trở về tay không. “Những sinh viên sẽ tốt nghiệp từ trường vào tháng Bảy đã được mời hết", Wang nói. “Chúng tôi dự định tiến hành các cuộc săn tìm nhân tài vào tháng 8 hoặc tháng 9 cho những sinh viên sẽ tốt nghiệp vào... năm sau”.

    Giai thoại tưởng như đùa này lại đang đi ngược lại một xu hướng, vì hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp tại Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm được việc làm. Do bối cảnh kinh tế bị gián đoạn bởi tình hình chung, khoảng 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tại nước này sẽ cạnh tranh trên thị trường việc làm đang có rất ít vị trí và cơ hội mới. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của lao động từ 16 đến 24 tuổi của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 18,2% vào tháng Tư.

    Tuy nhiên, riêng các sinh viên sau đại học có chuyên môn về chất bán dẫn và vi điện tử lại đang được săn lùng, bởi các công ty thiết kế chip, công ty xe năng lượng mới và dịch vụ internet đều đang tranh giành họ bằng cách đưa ra hết gói ưu đãi này tới mức lương thưởng cao khác.

    Giữa làn sóng thất nghiệp, sinh viên ngành này vẫn 'đắt như tôm tươi', doanh nghiệp xếp hàng dài chờ xin tuyển dụng - Ảnh 1.

    Một báo cáo từ hai hiệp hội công nghiệp bán dẫn dự đoán Trung Quốc sẽ thiếu 200.000 nhân viên trong ngành này vào năm 2022-2023. Ảnh: Getty Images

    Các sinh viên sau đại học chuyên ngành mạch tích hợp, vi điện tử hoặc khoa học máy tính từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, đôi khi có thể giành được bốn hoặc năm lời mời làm việc trước khi tốt nghiệp, theo chia sẻ từ các công ty săn đầu người trong ngành. Và những sinh viên tốt nghiệp này cũng đang nhận được các gói thu nhập trước thuế hàng năm lên đến 75.000 USD, cùng với các đặc quyền khác như quyền chọn mua cổ phiếu.

    Công ty của Wang nằm trong số 3.000 công ty thiết kế bán dẫn của Trung Quốc đang rất cần nhân sự để mở rộng hoạt động. Theo Fuxing Tech, một nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trường học liên kết với Hiệp hội Nguồn nhân lực Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải, thì vào vào năm 2021, khoảng 70% công ty bán dẫn Trung Quốc đã cố gắng tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Con số này tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Hiệp hội vẫn đang khảo sát tình hình của năm 2022, nhưng rõ ràng tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhân tài vẫn còn.

    Xu Haiyan, cựu giám đốc tuyển dụng của Intel và là tổng thư ký của hiệp hội cho biết: “Tổng quy mô tuyển dụng từ các trường hiện vượt quá 50.000 người, nhưng các trường đại học chỉ có thể cung cấp khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp đủ tiêu chuẩn hàng năm."

    Chẳng hạn Yangtze Memory Technology, một nhà sản xuất chip nhớ lớn của Trung Quốc ở Vũ Hán, đã bắt đầu tuyển dụng sinh viên đại học, sau đại học và tiến sĩ sẽ tốt nghiệp vào năm tới. Công ty này đã mở hơn 40 vị trí việc làm mới ở Vũ Hán, Thượng Hải và Bắc Kinh cho sinh viên mới tốt nghiệp nộp đơn và sẽ thuê “một số người” cho mỗi chức danh, có nghĩa là tổng số nhân viên mới có thể lên đến con số hàng trăm.

    Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc - bao gồm thiết kế, đúc, thử nghiệm và đóng gói - đã sử dụng tổng cộng 540.000 người tính đến tháng 10/2021, theo dữ liệu từ Báo cáo Phát triển Nhân tài Công nghiệp Vi mạch Trung Quốc. Được tổng hợp bởi Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc và Hiệp hội Nhân sự của Ngành Công nghiệp Bán dẫn, báo cáo này dự đoán Trung Quốc sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài lên tới 200.000 người trong giai đoạn 2022-2023, vì nhu cầu nhân tài trong toàn ngành sẽ tăng lên 760.000 người.

    Giữa làn sóng thất nghiệp, sinh viên ngành này vẫn 'đắt như tôm tươi', doanh nghiệp xếp hàng dài chờ xin tuyển dụng - Ảnh 2.

    Công nhân chế tạo chip xuất khẩu tại một công ty điện tử ở Sihong, tỉnh Giang Tô ngày 23/2/2022. Ảnh: Tân Hoa xã

    Horace Sun, người sáng lập tại công ty tư vấn bán dẫn Ontop Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ của mình chủ yếu cho các công ty bán dẫn nước ngoài ở Trung Quốc từ năm 2012. Hiện ông đã chuyển sang tập trung vào khách hàng Trung Quốc. “Mức lương hàng năm từ 60.000 USD đến 70.000 USD đã trở thành mức bình thường đối với sinh viên sau đại học được thuê bởi các công ty thiết kế bán dẫn Trung Quốc”, Sun nói.

    Trên thực tế, mức lương cho cả sinh viên mới tốt nghiệp và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, ông nói.

    “Mặc dù được coi là một ngành công nghệ cao, gói lương trung bình 10 năm trước vẫn thấp hơn nhiều so với lĩnh vực bất động sản và tại các công ty internet của Trung Quốc,” Sun nói. “Đó là một công việc khó khăn, phải làm nhiều giờ và lương thấp. Không ai thực sự muốn làm việc trong ngành công nghiệp chip ngoại trừ những người học chuyên ngành vi điện tử. Hầu hết sinh viên có nền tảng khoa học và kỹ thuật sẽ chọn làm việc cho các công ty internet.”

    Nhưng tình hình đã dần thay đổi trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ xoay quanh các con chip nhỏ. Nó đã khiến mức lương tại các công ty bán dẫn đã trở nên hấp dẫn hơn khi ngành này nhận được nguồn tiền đầu tư từ cả nhà nước và tư nhân.

    Chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố một chính sách khuyến khích lớn, được gọi là Thông tư số 8, để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước vào năm 2020. Nó khuyến khích các quỹ tư nhân hợp tác với các trường đại học để mở rộng nguồn nhân tài của Trung Quốc.

    Giữa làn sóng thất nghiệp, sinh viên ngành này vẫn 'đắt như tôm tươi', doanh nghiệp xếp hàng dài chờ xin tuyển dụng - Ảnh 3.

    Công nhân trong phòng sạch của một nhà máy bán dẫn wafer fab ở Thượng Hải, ngày 10 tháng 2 năm 2020. Ảnh: Tân Hoa xã

    “Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc cho biết họ bắt đầu xem xét ngành công nghiệp chip sau năm 2018”, ôngXu, thành viên của Hiệp hội Nguồn nhân lực Bán dẫn cho biết. “Những nhà đầu tư mạo hiểm này từng chỉ biết chúi mũi vào các công ty internet.”

    Ngày nay, ngay cả những công ty internet cũng đang tăng gấp đôi số chip AI được thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp đám mây độc quyền của họ. Alibaba và Tencent, các công ty internet hàng đầu của Trung Quốc, đã thành lập các đơn vị thiết kế chip nội bộ của riêng mình.

    Trong số 15 ngành khát nhân tài hàng đầu của Trung Quốc, chất bán dẫn và phần mềm máy tính xếp thứ 1 và thứ 2 về nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp vào năm 2022. Và cả hai ngành đều tăng nhu cầu về tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp trong ba năm liên tiếp, theo một báo cáo từ 51job, một trong những nền tảng việc làm lớn nhất ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết sinh viên tốt nghiệp trình độ thạc sĩ từ các trường đại học hàng đầu nhận được trung bình 4,2 lời mời làm việc.

    “Có rất nhiều sinh viên đã nhận được từ năm đến sáu lời đề nghị", ông Xu nói.

    Tuy nhiên, vấn đề là chỉ có khoảng 15% sinh viên tốt nghiệp có kiến thức nền tảng về mạch tích hợp thực sự bước vào ngành công nghiệp chip. Bởi họ cũng bị thu hút bởi các công ty trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác.

    Trong ba năm qua, sự cạnh tranh đối với những người lao động có kinh nghiệm ngày càng gay gắt. Điều đó dẫn đến việc các công ty tranh nhau thu hút sinh viên sau đại học từ các trường đại học ưu tú. Nó gay gắt đến mức các công ty săn đầu người hàng đầu hiện phải cân nhắc tới các sinh viên từ những trường kém danh tiếng hơn.

    Đồng thời, các trường ở Trung Quốc cũng đang gấp rút mở rộng ngành đào tạo kỹ sư bán dẫn. Ít nhất một chục trường đại học tại nước này, bao gồm cả Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, đã thành lập các trường cao đẳng mạch tích hợp độc lập.

    Tham khảo SCMP


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ