"Gloomy Sunday" - Bản nhạc bị trúng lời nguyền khiến hàng loạt người nghe xong liền đi tự tử, chính tác giả cũng không thoát khỏi số phận thảm thương

    Thái Anh, Theo Pháp luật & Bạn đọc 

    Tác giả của Gloomy Sunday, Reszõ Seress, cũng đã tự kết liễu đời mình sau vài thập kỷ viết ra bản nhạc bị gọi là "ca khúc tự tử".

    Nhắc đến những ca khúc "bị trúng lời nguyền" thì không thể không kể đến Gloomy Sunday, tác phẩm kinh điển được sáng tác bởi nghệ sĩ dương cầm người Hungary, Reszõ Seress, trong bối cảnh của cuộc Đại suy thoái và ảnh hưởng ngày càng tăng của phát xít ở Hungary vào năm 1933. 2 năm sau, người đầu tiên tiến hành thu âm ca khúc này là Pál Kalmár. Không lâu sau khi được phát hành, Gloomy Sunday trở thành một bản hit toàn cầu nhưng phiên bản do Billie Holiday trình bày lại nổi tiếng hơn hẳn.

    Gloomy Sunday - Bản nhạc bị trúng lời nguyền khiến hàng loạt người nghe xong liền đi tự tử, chính tác giả cũng không thoát khỏi số phận thảm thương - Ảnh 1.

    Phần ca từ có phần đen tối, ví dụ như: "Đồng cỏ phủ màu đỏ của máu. Người chết nằm la liệt giữa lòng đường" nhưng thực tế, ít ai biết hoàn cảnh ra đời của Gloomy Sunday cực kỳ đơn giản, tác giả Seress đã viết ra nó sau khi ông kết thúc một mối tình sâu đậm với một người phụ nữ. Đó là tình yêu mà Seress hết mực tôn thờ nên khi bị đối phương cự tuyệt, ông đã rơi vào tuyệt vọng. Từ đó, người đàn ông thất tình này cùng với một người bạn đã chấp bút viết nên Gloomy Sunday.

    Thế rồi sau đó, không hiểu bằng một cách nào đó, nó luôn xuất hiện trong câu chuyện của những người tự kết liễu đời mình:

    - Một thợ đóng giày đã trích dẫn lời bài hát Gloomy Sunday trong bức thư tuyệt mệnh.

    - Tại Budapest, một người đàn ông ngồi thưởng thức cà phê vừa yêu cầu nhạc công chơi bản Gloomy Sunday đã tự bắn chết mình sau khi lên xe taxi rời đi.

    - Một cô gái Vienna chết đuối trong khi tay cầm chặt tờ giấy in bản nhạc của ca khúc này.

    Gloomy Sunday - Bản nhạc bị trúng lời nguyền khiến hàng loạt người nghe xong liền đi tự tử, chính tác giả cũng không thoát khỏi số phận thảm thương - Ảnh 2.

    Ảnh minh họa.

    - Một người đàn ông tự bắn chết mình sau khi nói với những người mình yêu thương rằng ca khúc này cứ lởn vởn trong đầu ông.

    - Một người phụ nữ London, Anh, chết vì sốc thuốc trong lúc thưởng thức Gloomy Sunday.

    - Tại New York, một cô gái trẻ tự tử bằng hơi gas trong căn hộ chung cư để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ mong muốn được chơi bản nhạc Gloomy Sunday trong đám tang của mình.

    ...

    Cứ thế xuyên suốt 1 thế kỷ sau khi ra đời, Gloomy Sunday luôn được nhắc đến trong những cái chết lạ lùng để rồi nó được gọi là "bản nhạc tự tử của Hungary". Điều đáng nói là tác giả Seress cũng không tránh khỏi số phận thảm thương. Nhiều nguồn tin cho rằng ông đã tự tử vào năm 1968 bằng cách nhảy lầu tại một tòa nhà cao tầng ở Budapest và mọi người đổ lỗi cho ca khúc đình đám nhất đời người nghệ sĩ này là một trong những nguyên nhân chính gây ra cái chết cho "cha đẻ" của nó. Chưa dừng lại ở đó, bạn gái cũ của tác giả Seress cũng bị cho là đã tự đầu độc chính mình đến chết.

    Từng có lần, tác giả Seress đã nói về đứa con tinh thần nổi tiếng của mình như sau: "Tôi đứng giữa thành công chết chóc này với tư cách là một người đàn ông bị buộc tội. Sự nổi tiếng này làm tôi đau đớn. Tôi đã khóc với tất cả những thất vọng của trái tim, và dường như nhiều người cũng đã tìm thấy sự tổn thương của chính mình trong ca khúc này".

    Gloomy Sunday - Bản nhạc bị trúng lời nguyền khiến hàng loạt người nghe xong liền đi tự tử, chính tác giả cũng không thoát khỏi số phận thảm thương - Ảnh 3.

    Ảnh minh họa.

    Tin đồn lan xa khiến Gloomy Sunday nhanh chóng bị cho vào danh sách cấm của một vài quốc gia. Tại Anh, người ta chỉ cho phép phát phiên bản không lời của Gloomy Sunday vì cho rằng ca khúc hoàn chỉnh quá đau buồn đối với thính giả. Thời gian trôi qua, nhiều cái chết liên quan được ghi nhận liên tục thì càng nhiều quốc gia đưa ra lệnh cấm lưu hành. Thế nhưng, tất cả đều chỉ giúp bài hát càng trở nên nổi tiếng hơn mà thôi. Sự tò mò thôi thúc nhiều người cho rằng tất cả chỉ là sự trùng hợp mua ca khúc về để nghe thử để rồi cái chết đến với một vài người trong số họ một cách khó hiểu.

    Gloomy Sunday - Bản nhạc bị trúng lời nguyền khiến hàng loạt người nghe xong liền đi tự tử, chính tác giả cũng không thoát khỏi số phận thảm thương - Ảnh 4.

    Ảnh minh họa.

    Năm 1984, Gloomy Sunday lại được nhắc đến trên các mặt báo khi một cặp vợ chồng kiện ra tòa vì con trai tuổi teen của họ đã tự bắn chết mình trong lúc nghe ca khúc rock Suicide Solution. Thế rồi cái chết của một người phụ nữ Anh khi đang thưởng thức Gloomy Sunday lại dấy lên làn sóng lo sợ về ca khúc này.

    Tuy nhiên, sau này, các nhà nghiên cứu đã giải thích nguyên do của những cái chết này một cách khoa học nhằm đẩy lùi sự lo lắng của mọi người. Họ cho rằng các yếu tố ngoại cảnh như âm nhạc, trò chơi điện tử, phim ảnh... có thể tác động tới tâm lý của con người nhưng không mang tính quyết định.

    Như đã nói ở trên, bối cảnh ra đời của Gloomy Sunday là vào thời kỳ Đại suy thoái, nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, thất nghiệp gia tăng... khiến cuộc sống con người lầm than. Từ đó, con người trở nên dễ tổn thương về mặt tâm lý, dễ rơi vào trầm cảm. Có trách thì chỉ trách Gloomy Sunday ra đời không chọn thời điểm, nó gây ra tác động mạnh mẽ đến với tâm lý con người, dễ đẩy họ xuống vực thẳm với giai điệu ảm đạm, tràn ngập nỗi buồn.

    Thời gian trôi qua, người ta đã có cái nhìn lạc quan hơn đối với Gloomy Sunday và cũng chẳng có ai nhắc đến nó mỗi khi có người tự tử nữa. Khắp nơi trên thế giới cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm lưu hành và hiện tại, mọi người có thể tìm được bản nhạc này trên các phương tiện truyền thông, khép lại câu chuyện về bản nhạc tự tử nổi tiếng nhất.

    (Nguồn: Tổng hợp)


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ