Gojek chính thức sáp nhập với Tokopedia

    Vân Đàm, Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    Gojek và Tokopedia chính thức sáp nhập, tạo ra siêu kỳ lân Indonesia.

    Gã khổng lồ thanh toán và gọi xe Gojek đã đồng ý sáp nhập với đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử là Tokopedia để tạo ra công ty Internet lớn nhất Indonesia – quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

    Công ty sau sáp nhập sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn tại Indonesia, trải rộng kinh doanh từ gọi xe, công nghệ tài chính tới mua sắm online và giao hàng. Trong tuyên bố vào ngày thứ 2, 2 công ty nói họ sẽ hình thành nên công ty cổ phần có tên gọi GoTo thông qua một thỏa thuận được hỗ trợ bởi các cổ đông gồm cả Google, Alibaba.

    Gojek chính thức sáp nhập với Tokopedia - Ảnh 1.

    Cả 2 bên đều đang đặt cược rằng một doanh nghiệp quy mô lớn hơn sẽ giúp họ tăng cường khả năng cạnh tranh nhằm đối đầu những đối thủ như Sea và Grab. Công ty mới sau sáp nhập sẽ được định giá khoảng 18 tỷ USD với cổ đông của Gojek nhận 58% cổ phần của công ty mới, phần còn lại thuộc về Tokopedia.

    Trong dài hạn, công ty sau sáp nhập có thể sẽ IPO. 2 công ty nói họ đang thảo luận rất nhiều lựa chọn với khả năng IPO ở cả Jakarta và Mỹ. Giá trị nhắm tới trên thị trường đại chúng ở mức 35 – 40 tỷ USD.

    Đồng CEO Gojek là Andre Soelistyo, 37 tuổi sẽ là người đứng đầu công ty sau sáp nhập. Patrick Cao – chủ tịch Tokopedia sẽ vẫn giữ nguyên chức vụ Chủ tịch ở công ty mới. William Tanuwijaya, CEO Tokopedia sẽ tiếp tục đứng đầu mảng mua sắm online trong khi đồng CEO Gojek là Kevin Aluwi sẽ tiếp tục điều hành mảng gọi xe và giao hàng. CEO Soelistyo cũng sẽ dẫn đầu mảng dịch vụ thanh toán và tài chính GoTo Financial.

    Gojek và Tokopedia đã thảo luận về khả năng sáp nhập kể từ cuối tháng 12 sau khi những thỏa thuận giữa Gojek và Grab thất bại. Tháng trước, Grab đã đồng ý IPO tại Mỹ thông qua một công ty SPAC.

    "Hôm nay là một ngày lịch sử khi chúng tôi đánh dấu sự khởi đầu của GoTo và chương tiếp theo đối với sự phát triển của Gojek, Tokopedia và GoTo Financial", Soelistyo nói trong tuyên bố. "Lái xe Gojek sẽ vận chuyển nhiều kiện hàng của Tokopedia hơn, các đối tác bán hàng bất kể lớn nhỏ sẽ hưởng lợi từ những giải pháp kinh doanh được củng cố mạnh mẽ của chúng tôi và chúng tôi sẽ sử dụng quy mô sau khi kết hợp để tăng cường hòa nhập trong một khu vực đang phát triển mạnh với rất nhiều tiềm năng tăng trưởng không chưa tiếp cận đến".

    Gojek bắt đầu hoạt động vào năm 2010 như một tổng đài xe ôm (trong tiếng Indonesia là ojek) với chỉ 20 tài xế. Tình hình kinh doanh của Gojek không khởi sắc cho tới tận năm 2014 khi Uber và Grab (lúc đó gọi là GrabTaxi) giới thiệu dịch vụ gọi xe theo yêu cầu cho người dùng ở Indonesia.

    Nhìn thấy tiềm năng lớn ở Gojek, nhiều nhà đầu đã gõ cửa người đồng sáng lập Nadiem Makarim và ngỏ lời đầu tư. Cuối năm 2014, Gojek nhận 2 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn Series A. Đây là bàn đạp để Gojek có thể ra mắt ứng dụng vào năm 2015.

    Trong giai đoạn đầu tiên, Gojek chỉ có 4 dịch vụ: Dịch vụ gọi xe GoRide, dịch vụ giao đồ GoSend, dịch vụ giao đồ tươi sống GoMart và dịch vụ giao đồ ăn GoFood. Khác với Uber và GrabTaxi với mô hình kinh doanh chủ yếu xoay quanh mảng vận tải, ngay từ đầu, Gojek xử lý nhiều dịch vụ chỉ trong một ứng dụng. Chiến lược của Gojek đối mặt với sự hoài nghi của nhiều người.

    Dù vậy, Gojek tiếp tục bổ sung thêm nhiều dịch vụ vào ứng dụng của họ. Năm 2016, Gojek ra mắt ví điện tử GoPay để tận dụng thị trường dịch vụ tài chính rất phân mảnh ở Indonesia.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ