Google đã “giết chết” Windows?

    PV,  

    Windows là một phần mềm độc quyền được gắn vào một phần cứng ... cũng độc quyền.

    Google đã “giết chết” Windows?
     

    Windows đã từng thống trị thế giới. Tuy nhiên, giờ đây thời kỳ ấy đã kết thúc. Windows bị “giết chết” bởi liên minh ít ai ngờ tới nhất: những đối thủ của tập đoàn này trong nhiều thập kỷ qua: Steve Jobs, Linus Torvalds, và đặc biệt là hai cái tên Larry và Sergey.

    Ngày 3/9, không có gì đáng ngạc nhiên, Microsoft thông báo kế hoạch mua lại bộ phận kinh doanh điện thoại di động của Nokia với giá 7,2 tỷ USD. Hiện nay, Nokia là hãng sản xuất điện thoại lớn nhất trên thế giới sử dụng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. Microsoft mua Nokia để kiểm soát cả phần cứng và phần mềm của các thiết bị di động. Microsoft hứa hẹn rằng chính tay họ sẽ cải thiện chất lượng điện thoại và khiến chúng được bán ra dễ dàng hơn.

    Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là nghịch lý trong chiến lược phát triển Windows của Microsoft. Mặc dù Microsoft khẳng định khi thương vụ hoàn tất, sản phẩm có tên gọi Windows sẽ không còn là thứ mà người ta thường thấy. Windows không còn là phần mềm được cài đặt ở hệ thống máy tính của hầu hết các công ty. Thay vào đó, Windows sẽ có nhiều đặc điểm giống với hệ điều hành iOS và Mac OS của Apple. Windows là một phần mềm độc quyền được gắn vào một phần cứng cũng độc quyền.

    Phần cứng và phần mềm

    Trong một tài liệu viết về thương vụ này, Microsoft đã tạo nên một ví dụ điển hình cho mô hình sáp nhập theo chiều dọc: công ty mới sản xuất cả phần cứng và phần mềm. Bằng cách mua lại Nokia, Microsoft khẳng định hãng có thể sản xuất ra những chiếc điện thoại tốt hơn bằng cách giảm bớt những va chạm giữa đội ngũ phần mềm và phần cứng hiện đang hoạt động ở hai công ty biệt lập. Sự kết hợp giữa Microsoft và Apple cũng sẽ giúp cải thiện hiệu quả cũng như tính minh bạch của hoạt động marketing. Microsoft có thể bán một thiết bị duy nhất tích hợp đầy đủ những tiện ích tốt nhất của cả hai công ty (bao gồm Skype, Office và hệ thống bản đồ của Nokia).

    Cuối cùng, sáp nhập theo chiều dọc là có ích đối với kết quả kinh doanh sau thuế của Microsoft. Giờ đây, với mỗi chiếc điện thoại Windows Phone mà Nokia bán ra, Microsoft nhận được gần 10 USD tiền phí bản quyền phần mềm. Tương tự, ở mảng phần cứng, thay vì kiếm được chưa đến 10 USD trên mỗi chiếc điện thoại, Microsoft thu được 40 USD.

    Từ lâu nay, Steve Jobs luôn chỉ trích ý tưởng của Bill Gates - người cho rằng phần cứng và phần mềm nên được sản xuất bởi các hãng khác nhau. Quay trở lại kỷ nguyên của máy tính để bàn (PC), nhận định của Gates là đúng. Ông đã nhận ra rằng hầu hết người sử dụng máy tính không hiểu gì về phần cứng. Do đó, phần cứng được cho là một ngành không có nhiều tiềm năng với thương hiệu được ít người biết đến, cuộc chiến khốc liệt về giá và lợi nhuận ngày càng sụt giảm.

    Trong khi đó, Gates nhìn thấy một câu chuyện hoàn toàn khác ở phần mềm. Phần mềm có "khuôn mặt" và tự lưu lại dấu ấn trong tâm trí người sử dụng. Khi đã biết sử dụng Windows ở một máy tính, bạn có thể hiểu được tất cả các máy tính khác sử dụng Windows. Không giống như phần cứng, phần mềm tạo ra hiệu ứng theo mạng lưới: càng có nhiều người sử dụng Windows, các lập trình viên càng bị thu hút và điều đó đồng nghĩa với nhiều ứng dụng hơn. Cuối cùng, phần mềm mang lại lợi nhuận khổng lồ. Đoạn code có thể được sao chép lại vô số lần và hãng thu được tiền từ những bản copy.

    "Gió đã đảo chiều" vì thiết bị di động!

    Tuy nhiên, các thiết bị di động đã khiến tính toán bị sai lệch. Ngày nay, phần cứng tạo nên sự khác biệt. Thiết kế ảnh hưởng đến mức độ hữu ích của thiết bị. Những nhân tố như trọng lượng của điện thoại hay cảm giác của bạn khi cầm trong tay chiếc tablet đóng vai trò quan trọng khi người dùng đưa ra quyết định mua hàng. Chắc chắn bạn sẽ không chọn điện thoại chỉ dựa vào phần mềm. Thậm chí, người dùng sẵn sàng trả thêm chi phí để có được chiếc điện thoại có thiết kế đẹp.

    Bạn có thể lập luận rằng khi thiết kế cơ bản của một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng trở nên nổi tiếng, nó sẽ bị sao chép bởi nhiều công ty khác. Khi đó, phần cứng lại trở thành một thứ hàng hóa. Đây cũng là làn sóng mà Apple đang phải chống lại.

    Đến thời điểm nào đó, các linh kiện sẽ trở nên đủ tốt và đủ rẻ để một chiếc điện thoại giá 50 USD có đầy đủ chức năng như một chiếc điện thoại có giá 100 - 200 USD. Khi điều này xảy ra, người tiêu dùng sẽ lấy giá cả làm yếu tố hàng đầu để lựa chọn, và lợi nhuận từ mảng phân cứng sụt giảm mạnh. Và, giống như những gì đã xảy ra với PC, phần mềm (chứ không phải với phần cứng) mới là thế lực thống trị thị trường.

    Tất cả những giả thiết trên có thể xảy ra. Giá cổ phiếu Apple lao dốc trong thời gian gần đây một phần cũng là do nỗi lo sợ về tương lai của phần cứng. Tuy nhiên, nếu phần cứng điện thoại di động trở thành một loại hàng hóa và phần mềm một lần nữa trở thành yếu tố quyết định lựa chọn của người dùng, rõ ràng là Microsoft không thể thu được lợi nhuận. Trong 5 năm gần đây, một thế lực mới "có sức phá hủy lợi nhuận tàn bạo" đã nổi lên trong giới công nghệ: Android.

    Sức mạnh của Android

    Hệ điều hành của Google (được xây dựng dựa trên Linux - hệ điều hành mã nguồn mở được các fan hâm mộ kỳ vọng sẽ phá hủy Windows) hoàn toàn miễn phí. Bất kỳ nhà sản xuất điện thoại di động nào cũng có thể sử dụng Android và thậm chí là thay đổi theo ý thích. Theo thống kê của IDC, thị phần của Android lên tới 80%. Thị phần lớn lại giúp Android hưởng lợi ích từ hiệu ứng lan tỏa - điều đã từng là "vũ khí lợi hại" của Microsoft trong quá khứ.

    Nokia đang trả cho Microsoft 10 USD trên mỗi chiếc điện thoại được bán ra nhưng những gì họ nhận được chỉ là một hệ điều hành thậm chí còn không chạy được ứng dụng Instagram. Microsoft muốn giữ bản quyền Windows Phone cho các nhà sản xuất kể cả khi Nokia đã bị họ mua lại. Tuy nhiên, điều này là không cần thiết bởi các nhà sản xuất điện thoại luôn luôn có thể chọn Android (có thể tích hợp Instagram và nhiều ứng dụng khác).

    Đây chính là điểm mấu chốt giải thích tại sao thương vụ mua lại Nokia của Microsoft báo hiệu dấu chấm hết cho Windows. Hiện nay, chỉ có hai cách để bán phần mềm. Giống như Apple, bạn có thể tích hợp cả phần cứng và phần mềm, bán sản phẩm có lợi nhuận thặng dư cao. Hoặc, giống như Google, bạn có thể làm phần mềm và sau đó tạo dựng hệ sinh thái khổng lồ để kiếm tiền theo nhiều cách (ví dụ, thông qua quảng cáo như Google).

    Điều đáng buồn là cả hai cách trên đều không khả thi đối với Windows. Bạn không thể kiếm lời từ phần mềm nếu như phần cứng là hàng hóa của các công ty khác. "Nhờ" Android, giờ đây code là một loại hàng hóa và Windows đã chết!

    Theo Thu Hương
    Business Insider/CafeF

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ