Google đang đi vào vết xe đổ của Kodak: Sợ hãi đổi thay để rồi có nguy cơ sụp đổ trên đỉnh vinh quang

    Băng Băng, Nhịp sống thị trường 

    Google đang đầy bất ổn với doanh thu quảng cáo giảm, nhưng CEO Sundar Pichai thì vẫn đòi thưởng hơn 200 triệu USD không thiếu một xu.

    Google đang đi vào vết xe đổ của Kodak: Sợ hãi đổi thay để rồi có nguy cơ sụp đổ trên đỉnh vinh quang - Ảnh 1.

    Theo hãng tin CNBC, Google đang bị đánh giá là bước vào vết xe đổ của Kodak trong mảng trí thông minh nhân tạo (AI) khi cạnh tranh với Microsoft.

    Cụ thể, chuyên gia Cyrus Mewawalla của Global Data nhận định AI sẽ là điểm nhấn của công nghệ năm 2023 và Microsoft đã lấy mất vị trí dẫn đầu của Google trong mảng này với sự đầu tư vào OpenAI và màn ra mắt ChatGPT.

    Thực tế là Microsoft đang chiến thắng trong cuộc đua AI...Google đã dẫm vào vết xe đổ của Kodak khi họ dẫn đầu về công nghệ AI trước nhưng lại để nó sang một bên vì sợ rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh chính. Giờ đây thì mảng kinh doanh chính này lại đang bị đe dọa bởi chính công nghệ đó”, ông Mewawalla nói với hãng tin CNBC.

    Google đang đi vào vết xe đổ của Kodak: Sợ hãi đổi thay để rồi có nguy cơ sụp đổ trên đỉnh vinh quang - Ảnh 2.

    Sụp đổ trên đỉnh vinh quang

    Cách đây cả một thế hệ, những tấm ảnh phim Kodak được coi là các tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng hiện nay dù chúng vẫn được coi trọng trong làng nhiếp ảnh nhưng cái tên Kodak đã gắn liền với bài học cảnh báo không chịu thay đổi và sụp đổ.

    Nổi tiếng với máy ảnh phim nhưng Kodak lại hãng phát minh ra nguyên mẫu của máy ảnh kỹ thuật số sau này. Tuy nhiên Kodak lại lo ngại công nghệ mới sẽ ảnh hưởng đến mảng kinh doanh chính là máy phim nên bỏ nó sang một bên, hy vọng hãng sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị.

    Thế rồi máy ảnh kỹ thuật số bùng nổ, rồi mọi người dần chuyển sang cả máy ảnh không gương lật (Mirrorless) hay tích hợp ảnh trên smartphone, biến những cuộn phim của Kodak thành đồ cổ.

    Xin được nhắc là vào giữa những năm 1970, Kodak nắm giữ 95% thị phần thị trường phim và 85% thị phần thị trường máy ảnh tại Mỹ. Thời điểm những năm 1980, Kodak có tới 150.000 nhân viên, nằm trong top 50 công ty trong danh sách Fortune 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ.

    Khi đó, Kodak không chỉ kinh doanh máy ảnh và phim. Với những hóa chất sử dụng trong sản xuất phim, họ cũng phát triển máy phân tích máu, máy chụp x-quang, dược phẩm và máy photocopy.

    Thế rồi khi nhận ra mình bị chậm chân bởi chính công nghệ do hãng phát minh, Kodak bắt đầu chuyển hướng tổng lực sang máy ảnh kỹ thuật số vào thập niên 1990 nhưng đã quá muộn.

    Kodak đã từng nộp đơn xin bảo hộ phá sản năm 2012, bán lại các bằng sáng chế máy ảnh để lấy vốn sinh tồn và chia tách thành một công ty nhỏ hơn vào năm 2013.

    Thương hiệu này sống lay lắt đến tận năm 2020 rồi bất chợt nhận được khoản vay trị giá 765 triệu USD từ chính phủ Mỹ để bắt đầu sản xuất nguyên liệu dùng trong thuốc gốc, giúp Mỹ chống lại đại dịch Covid-19. Nhờ đó công ty đã có bước chuyển mình từ ông trùm máy ảnh thành đại gia ngành thuốc.

    Google đang đi vào vết xe đổ của Kodak: Sợ hãi đổi thay để rồi có nguy cơ sụp đổ trên đỉnh vinh quang - Ảnh 3.

    Bài học Kodak thì vẫn còn đó nhưng CEO Sundar Pichai của Alphabet (Google) có lẽ không thích chơi ảnh cho lắm để học thuộc lòng thất bại này.

    Lịch sử lặp lại

    Quay trở lại câu chuyện chính, sau thành công của ChatGPT, Microsoft dự định tích hợp AI cho hầu hết các sản phẩm của mình.

    Điều trớ trêu là Alphabet (Google) mới là ông lớn đầu tư cho AI trong hàng năm trời với nhiều bước tiến đột phá. Hãng đã mua lại startup Deepmind vào năm 2014 với nỗ lực phát triển công nghệ này.

    Thế nhưng phải đến tuần trước, sau thành công rực rỡ của ChatGPT nhà Microsoft, phía Google mới quyết định sáp nhập đội nghiên cứu công cụ tìm kiếm Brain với DeepMind để tập trung phát triển AI.

    Theo Mewawalla, bước đi này của Google là quá muộn màng chẳng khác gì Kodak thập niên 1990 khi vội vàng chuyển hướng kinh doanh máy ảnh kỹ thuật số.

    Google dù nhận ra AI là công nghệ tuyệt vời nhưng lo sợ nó ảnh hưởng đến mảng công cụ tìm kiếm, cho ra nội dung xấu ảnh hưởng đến uy tín nên để kỹ thuật này sang một bên cho đến khi bị Microsoft vượt mặt trong năm 2022.

    Trong khi Microsoft tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm Bing của mình thì Google cũng đáp trả bằng chatbot Bard nhưng nó gặp phải vô số chỉ trích vì quá nhiều lỗi và là “kẻ đến sau” so với ChatGPT.

    Google đang đi vào vết xe đổ của Kodak: Sợ hãi đổi thay để rồi có nguy cơ sụp đổ trên đỉnh vinh quang - Ảnh 4.

    Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Richard Krammer của Arete Research nhận định Google có công nghệ AI rất mạnh nhưng họ không ứng dụng chúng nhanh chóng vào sản phẩm và để Microsoft vượt mặt.

    Không thiếu một xu

    Liệu Google có rơi vào cảnh tương tự như Kodak khi sụp đổ trên đỉnh vinh quang, phải nộp đơn phá sản và chuyển hướng đi bán thuốc hay không thì chưa rõ nhưng hậu quả của sự chậm chạp này đã hiển lộ.

    Báo cáo kết quả kinh doanh của Google cho thấy doanh thu quảng cáo quý I/2023 của hãng đã giảm quý thứ 2 liên tiếp, một điều hiếm khi xảy ra cho công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới.

    Cụ thể Alphabet có 54,5 tỷ doanh thu quảng cáo trong quý I/2023, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm trước và cũng thấp hơn so với dự đoán của nhà đầu tư Phố Wall. Đây là đợt giảm doanh thu quảng cáo lần thứ 3 kể từ khi hãng niêm yết cổ phiếu ra công chúng vào năm 2004.

    Trước đó vào quý IV/2022, doanh thu quảng cáo của Google đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ngay cả Youtube, thương hiệu nổi tiếng của Google cũng chứng kiến sự sụt giảm doanh thu quảng cáo quý thứ 3 liên tiếp. Báo cáo cho thấy nền tảng này chỉ thu về 6,7 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong quý I/2023, giảm 2,6% so với quý trước đó.

    Vào tháng 1/2023, Google đã phải sa thải 12.000 lao động, tương đương 6% nhân lực để tiết kiệm chi phí. Hãng cũng thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm, từ ghép bàn làm việc, thu hồi dập ghim cho đến siết chặt việc phát máy tính cá nhân cho nhân viên.

    Khó khăn là vậy nên CEO Sundar Pichai đã cam kết giảm mức thưởng của đội ngũ lãnh đạo cấp cao để cùng đồng cam cộng khổ với mọi người.

    Google đang đi vào vết xe đổ của Kodak: Sợ hãi đổi thay để rồi có nguy cơ sụp đổ trên đỉnh vinh quang - Ảnh 5.

    Trớ trêu thay, báo cáo mới đây cho thấy CEO Sundar Pichai vẫn nhận 226 triệu USD thu nhập, bao gồm 218 triệu USD cổ phiếu thưởng. Ngoài ra, vị lãnh đạo này còn nhận được 2 triệu USD tiền lương mỗi năm trong khoảng 2020-2022, đi kèm với đó là 6 triệu USD chi phí cho đội an ninh bảo vệ cá nhân trong năm ngoái.

    Những giám đốc cấp cao khác của Alphabet cũng nhận được từ 22 triệu USD đến 35 triệu USD cổ phiếu thưởng.

    Con số 226 triệu USD trên vẫn chưa là gì so với 281 triệu USD thu nhập mà CEO Sundar Pichai nhận vào năm 2019 và vị giám đốc này được hãng tin CNBC nhận định là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương thưởng cao nhất thế giới.

    Rất rõ ràng, có dẫm vào vết xe đổ của Kodak hay Nokia đi chăng nữa thì cũng không được trả thiếu các vị lãnh đạo của Google một xu nào cả.

    *Nguồn: CNBC, WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ