Google ra mắt tính năng Live Caption trên Android Q: Tự động thêm phụ đề thời gian thực vào video hoặc nhạc phát trên smartphone
Thậm chí tính năng này còn hoạt động cả khi bạn chat video.
Google đã chờ tới tận I/O 2019 mới trình diễn tính năng ấn tượng nhất của Android Q. Tính năng mang tên Live Caption này khi được kích hoạt sẽ tự động dịch và thêm phụ đề vào bất cứ video hoặc âm nhạc nào chạy trên smartphone của bạn với độ chính xác cực kỳ cao. Live Caption sẽ phủ trên bất kỳ ứng dụng nào mà bạn đang sử dụng, có thể là YouTube, Instagram, Pocket Casts... và nó còn hỗ trợ cả các cuộc gọi video qua Skype và Google Duo. Thậm chí, nó còn hoạt động với cả video hoặc file âm thanh mà bạn tự quay/ghi lại.
"Với 466 triệu người khiếm thính và người mắc hội chứng khó nghe trên toàn cầu, phụ đề là một tính năng trên cả tiện lợi - chúng làm cho nội dung trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người khiếm thính để phát triển tính năng giúp cải thiện khả năng tận hưởng nội dung đa phương tiện kỹ thuật số này", Google viết trên blog của công ty.
LIve Caption được tạo ra bằng machine learning trên thiết bị nên có thể hoạt động mà không cần kết nối mạng và cũng không cần gửi bất kỳ dữ liệu hoạt động nào của bạn về máy chủ điện toán đám mây. Các dòng phụ đề xuất hiện trong một khung đen và bạn có thể di chuyển khung này trên khắp màn hình và đặt ở bất cứ nơi nào bạn cảm thấy thuận tiện nhất. Thậm chí, tính năng này hoạt động ngay cả khi âm lượng của máy bị giảm hoặc tắt hẳn. Tuy nhiên, phụ đề không thể lưu lại được đề xem lại. Chúng xuất hiện khi nội dung được phát và biến mất ngay sau khi phát xong.
Đây là một bổ sung cực lớn về các sáng kiến liên quan tới khả năng trợ năng của Google nhưng cũng cực kỳ hữu ích cho mọi người dùng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh hỗ trợ người khiếm thính, Live Caption giúp bạn xem video trong yên lặng, không làm phiền người khác mà vẫn hiểu nội dung.
Live Caption có thể được truy cập bằng một trong 2 nút âm lượng trên smartphone của bạn: nó xuất hiện dưới dạng biểu tượng phần mềm khi giao diện chỉnh âm lượng được bật lên. Nhưng theo mặc định trong Android Q, tính năng hữu ích này sẽ bị tắt và để biểu tượng hiển thị người dùng cần phải bật nó trong menu cài đặt trợ năng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android