Google sẽ đóng cửa dịch vụ Google News tại châu Âu nếu EU thông qua bộ luật internet mới
Nếu bộ luật mới về internet của EU được chấp thuận, với điều khoản buộc các trang thu thập tin tức như Google News phải trả tiền cho nhà xuất bản, nó có thể là dấu chấm hết cho dịch vụ này ở châu Âu.
Giám đốc cao cấp bộ phận tin tức của Google cho biết, công ty đã chuẩn bị cho tình huống phải đóng cửa dịch vụ Google News của mình ở châu Âu nếu nó bị cấm đoán bởi các quy định mới của EU.
Richard Gingras, phó chủ tịch Google về mảng tin tức, nói với trang The Guardian rằng, ông sẽ không loại trừ khả năng phải đóng cửa bộ phận tin tức của mình để đáp lại đề xuất khắc nghiệt của EU về việc vi phạm bản quyền trực tuyến, hay còn được xem như "link tax" (thuế liên kết).
"Link tax" này liên quan Điều 11 (Article 11), một phần trong bộ luật mới do EU ủng hộ đề ra vào tháng Chín, có đề cập đến việc buộc các công ty như Google phải có giấy phép để kết nối với các nhà xuất bản.
Bộ luật này được đề xuất vào tháng Bảy vừa qua, nhưng sau đó bị bác bỏ với những lời chỉ trích rằng nó quá chung chung. Điều 11 đã được chỉnh sửa lại để các siêu liên kết (các hyperlink) tới những bài viết thông qua lời mô tả bằng một "từ ngữ riêng lẻ" sẽ không bị phạt, và các phóng viên sẽ được những nhà xuất bản trả thù lao nếu bài viết của họ được các trang tổng hợp tin tức sử dụng. Bộ luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào đầu 2019.
Gingras cho biết tương lai của Google News tại châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc liệu EU có sẵn sàng thay đổi ngôn ngữ trong Điều 11 hay không. "Chúng tôi không thể ra quyết định cho đến khi chúng tôi thấy cách diễn đạt cuối cùng."
Google còn bổ sung thêm rằng, cho dù họ "không muốn phải đóng cửa dịch vụ", nhưng công ty vẫn băn khoăn về các đề xuất của EU ở thời điểm hiện tại. Ông cũng chỉ ra rằng, đây không phải lần đầu Google đóng cửa dịch vụ của mình.
Ông Richard Gringas, người đứng đầu mảng Google News.
Năm 2014, chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra bộ luật tương tự khi buộc các trang thu thập tin tức phải trả tiền cho các liên kết tới những bài viết tin tức, và Google đáp lại bằng cách đóng cửa dịch vụ tin tức của mình tại Tây Ban Nha. Ông Gringas nói với trang The Guardian rằng, điều này sau đó đã dẫn tới việc sụt giảm truy cập tới các trang tin ở Tây Ban Nha.
"Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra ở châu Âu." Ông Gingras cho biết. "Hiện tại những gì chúng tôi muốn là làm việc với các bên liên quan."
Ông nhấn mạnh rằng Google News không phải là một bộ phận sinh lợi lớn trong hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng nó là một công cụ xã hội rất giá trị với người dùng.
"Không có quảng cáo trong Google News. Nó không phải là một sản phẩm tạo ra doanh thu của Google. Chúng tôi nghĩ giá trị của nó như một dịch vụ cho xã hội. Chúng tôi tự hào vì nó là một phần cho sự ổn định của tài sản mà mọi người có." Ông Gringas cho biết.
Đây không phải lần đầu Google phản đối bộ luật bản quyền mới của EU. Bên cạnh Điều 11, EU còn đưa ra Điều 13, trong đó yêu cầu các công ty như Reddit, Facebook và YouTube phải giám sát và loại bỏ các nội dung vi phạm bản quyền trên nền tảng của mình.
Trên mục Op-Ed của tờ Financial Times vào tuần trước, CEO YouTube, bà Susan Wojcicki đã phản đối Điều 13 này, khi cho rằng các công dân EU sẽ có nguy cơ bị "cắt đứt" các đoạn video trên trang web của họ.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín