Tham vọng của Google đã lộ rõ, đó chính là trở thành một nhà sản xuất phần cứng thực sự.
HTC là tên thương hiệu điện thoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) và cũng không quá lạ lẫm với người dùng Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Còn nhớ những năm 2012 - 2013, HTC đã tạo được dấu ấn của riêng mình với những chiếc smartphone được đánh giá rất cao như One X hay One M7.
Đặc biệt, HTC One M7 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của HTC khi nâng tầm thiết kế cao cấp với vỏ kim loại, mang đậm chất riêng, được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất bấy giờ như camera Ultra Pixel, màn hình FullHD, loa kép BoomSound.
HTC đã từng là cái tên được nhắc đến như kẻ thách thức Apple.
Chiếc smartphone này đã khiến cả thế giới phải nhắc đến HTC, như một kẻ thách thức các gã khổng lồ Apple và Samsung. Thế nhưng đây là một cuộc chiến dai dẳng, và chỉ một sản phẩm tốt là chưa đủ để HTC có được những thành công như kỳ vọng.
Thật đáng tiếc, sau thành công của One M7, HTC như trượt dốc trong nhiều năm trở lại đây. Những chiếc smartphone flagship của HTC không còn được đánh giá cao, không có nhiều đột phá mới.
One M7 là chiếc smartphone ấn tượng nhất của HTC.
Nhiều người cho rằng mảng smartphone của HTC gần giống với Sony, cố chấp và không chịu đổi mới. Thế nhưng Sony còn có các mảng kinh doanh khác để bù đắp và chấp nhận cắt giảm tối đa chi phí hoạt động cho mảng smartphone để không còn bị lỗ. Trong khi đó, HTC không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy sự hồi phục sau khi rơi xuống vực thẳm.
Trong khi những tia sáng hy vọng đang vụt tắt, Goolge xuất hiện như một kẻ cứu rỗi với lời đề nghị mua lại mảng smartphone của HTC. Quả thực trong lúc vô vàn khó khăn này, bán mình là biện pháp dễ dàng nhất và nhanh nhất giúp HTC thoát khỏi đống bùn lầy của chính mình.
HTC và Google cũng đã từng là đối tác trong nhiều dự án trước đây, như Nexus One năm 2010, Nexus 9 năm 2014 và cả Pixel vừa ra mắt năm ngoái. Vì vậy việc Google giang tay cứu vớt HTC trong lúc khó khăn hiện nay cũng là điều dễ hiểu.
Motorola là con cưng của Google, còn HTC chỉ là công cụ thực hiện tham vọng.
Nhưng hãy khoan, bởi việc Google mua lại HTC (nếu xảy ra) sẽ không đơn giản như vậy. Nó không hề giống với thương vụ Google thâu tóm hãng điện thoại Motorola cách đây 6 năm. Google của hiện tại tham vọng hơn thế.
Quay ngược thời gian lại năm 2011, Google mua lại hãng điện thoại Motorola với cái giá 12,5 tỷ USD. Đây là một thương vụ khá bất ngờ, tốn khá nhiều giấy mức và nước bọt tranh luận. Mà đa số cho rằng mua lại Motorola là thương vụ lỗ nặng của Google, khi mà phải bán lại cho Lenovo với cái giá rẻ mạt 2,9 tỷ USD.
Thế nhưng liệu Google có quan tâm đến điều đó? Khi Google quyết định mua lại Motorola, đó là quyết định cứu sống một tượng đài smartphone Android của thế giới. Chính Motorola đã giúp đặt nền móng Android trên bản đồ smartphone thế giới. Vì vậy, Google không thể để Motorola biến mất. Đơn giản là vậy.
Google lộ rõ tham vọng trở thành một nhà sản xuất phần cứng thực sự.
Google mua lại Motorola, nhưng vẫn để Motorola hoạt động như một công ty độc lập. Thương hiệu Motorola vẫn còn đó, vẫn cho ra những chiếc smartphone Android đậm chất riêng. Sau đó, Google bán lại Motorola cho Lenovo vào năm 2014 với cái giá như cho không. Nhưng có lẽ lúc đó, gã khổng lồ tìm kiếm không nghĩ rằng mình sẽ nhảy vào cuộc chiến của các nhà sản xuất smartphone.
Google của năm 2017 đã hoàn toàn khác, tham vọng hơn khi muốn tìm kiếm một sân chơi mới. Chính vì vậy mà HTC sẽ chỉ là bàn đạp để thực hiện tham vọng đó. HTC sẽ chỉ là một tài sản sở hữu, thương hiệu này có thể biến mất sau khi thương vụ thâu tóm được Google hoàn tất.
Google của năm 2017 muốn cạnh tranh với Apple, muốn sản xuất smartphone của riêng mình và biến Android trở thành một hệ sinh thái có thể đấu đá với iOS. Pixel chính là bằng chứng cho thấy tham vọng đó của Google, tuy nhiên chiếc smartphone này vẫn không phải do chính tay Google sản xuất.
Google muốn trở thành Apple thứ 2?
Chính vì vậy mà Google chưa thể thỏa mãn tham vọng của mình. Thế giới công nghệ vẫn chưa đặt Google ngang hàng với Apple hay Samsung, mặc dù Pixel và Pixel XL được đánh giá khá cao.
Quyết tâm để trở thành một nhà sản xuất smartphone, đồng thời sở hữu cả một hệ điều hành giống với Apple, có lẽ đã thúc đẩy Google phải thâu tóm HTC. Nếu thương vụ này thành công, Google sẽ có được tất cả những gì còn thiếu, đó là dây chuyền sản xuất, bằng sáng chế, công nghệ, các kỹ sư phần cứng và phần mềm tài năng.
Thậm chí có báo cáo Google đầu tư 1 tỷ USD cho LG Display để sở hữu dây chuyền sản xuất màn hình OLED tùy chỉnh của riêng mình, nhằm trang bị cho Pixel 2. Ngay cả Apple cũng không có một dây chuyền sản xuất màn hình OLED riêng và phải phụ thuộc vào Samsung.
Cũng có báo cáo về việc Google đang bí mật tiến hành dự án chip xử lý di động của riêng mình. Mà một trong những nhân sự quan trọng của dự án này là cựu kỹ sư của Apple. Google đã không còn giấu tham vọng của mình nữa, rõ ràng gã khổng lồ tìm kiếm đang muốn trở thành một nhà sản xuất phần cứng thực sự.
Nếu Google có thể thâu tóm mảng smartphone của HTC như mong đợi, cuộc chiến này sẽ ngày càng trở nên thú vị.
Tham khảo: technobuffalo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming