Đã từ lâu, Google luôn biết cách mở rộng tầm phủ sóng của mình lên nhiều lĩnh vực. Xuyên suốt bề dày phát triển của hãng, “gã khổng lồ” đã tự tạo ra cho mình không biết bao nhiêu kẻ thù cũng như nhiều bước chuyển mình đáng kể.
Goole được cho là đã “dụ dỗ” Motorola ngửng sử dụng dịch vụ dò tìm địa điểm của đối thủ cạnh tranh Skyhook. Ngay sau đó, hãng đã bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất điện thoại già nua này, nhảy vào thị trường và trở thành đối thủ trực tiếp của những đối tác như Samsung và LG.
Cách đây không quá lâu, Google còn thay đổi thuật toán tìm kiếm mà không hề có bất kỳ sự thông báo nào, khiến rất nhiều doanh nghiệp bị trượt hạng trên bảng xếp hạng website.
Hay mới đây nhất, với sự ra mắt Google đình đám, họ đã chính thức trở thành đối thủ của Facebook trong lĩnh vực mạng xã hội. Để đối phó với Zuckerberg, Google đã sử dụng những chiến thuật như tăng % lợi nhuận cho các nhà phát triển game để họ quay sang làm việc cho Google.
Càng ngày, Google càng trở nên giống Microsoft trong thời hưng thịnh cùng Bill Gates xưa kia.
Google ngày càng trở nên "xấu xa" hơn?
Mỗi khi Google có một sự thay đổi, thật không khó để người ta chỉ tay và cười (mỉa mai?) vào câu slogan nổi tiếng của “gã khổng lồ” với nội dung: “Don’t be evil” (tạm dịch: “Đừng xấu tính”). Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu về máy tính kiêm nhà hoạt động xã hội Aaron Swartz, Google có một định nghĩa rất riêng của mình dành cho từ “evil – xấu tính”. Theo định nghĩa đó, họ không hề cố ý trong việc xâm chiếm thị trường của các đồng minh hay chèn ép những công ty yếu hơn, tất cả chỉ vì lợi ích cho người dùng.
Để bảo vệ cho “định nghĩa” này, Google đưa ra ba ví dụ: Chỉ hiện quảng cáo hợp lý, có liên quan, không bao giờ dùng pop-up hoặc các hình thức tương tự để quảng bá, cũng như không bao giờ bán kết quả tìm kiếm. Nói cách khác, Google sẽ không bao giờ khiến cho người dùng cảm thấy khó chịu về một sản phẩm chỉ để kiếm “vài đồng bạc lẻ”.
Chúng ta có thể nhìn sơ lược lại những gì mà Google đã làm trong năm qua để thấy được họ đã thực hiện tiêu chí mình đề ra như thế nào:
- Thắt chặt những quy định cũng như việc đưa ra mã nguồn của Android, đồng thời mua lại một công ty sản xuất phần cứng (ở đây chỉ điện thoại) nhằm tạo ra những chiếc điện thoại “thuần chủng”, không chứa những ứng dụng đính kèm trong quá trình sử dụng, tạo ra một Android tốt hơn vì người dùng.
- Thay đổi thuật toán tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không có giá trị vì một Google tốt hơn.
- Ra mắt một mạng xã hội của riêng mình sẽ tạo cơ hội cho Google thâm nhập vào những dữ liệu người dùng chia sẻ trên mạng, tạo nền tảng cho kết quả tìm kiếm của Google chuẩn xác hơn. Hơn thế nữa, họ còn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các nhà phát triển game trên nền Google, tất cả vì người dùng.
Google: Thiên thần hay ác quỷ?
Tất nhiên, đôi khi, ranh giới của việc “vì người dùng” và “chén ép đối thủ” cũng không rõ ràng, chẳng hạn như việc Google mua lại ITA – nhà cung cấp thông tin du lịch. Người ta tự hỏi rằng Google có cần thiết phải làm thế để cải thiện chất lượng cho kết quả tìm kiếm về du lịch, hay họ đang cố tình chèn ép Bing của Microsoft, đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm.
Kỹ sư anti-spam của Google là Matt Cutts cũng từng nói rằng giữa slogan “Don’t be evil” và “do no evil” (một phiên bản khác được biết đến của câu slogan trên) có một sự khác biệt rất lớn. Khi biên tập viên trích dẫn sai thành “do no evil” (chẳng làm gì sai trái cả), nó đã làm nổ ra cuộc tranh cãi dài ngày. Xét cho cùng, nếu việc “không xấu tính” đồng nghĩa với sự hài lòng của khách hàng thì đó thật sự là một chiến lược kinh doanh hết sức thông minh. Đó cũng là lý do vì sao Google thường là người chiến thắng.