Tôi vẫn nghĩ Microsoft đã chết từ tận đầu thập niên 2000 khi liên tiếp gây thất vọng và ngày một trì trệ hơn. Đến năm 2016, Microsoft chứng minh rằng tôi đã sai.
Vị thế của Microsoft vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 có thể coi là áp đảo hơn cả Google và Apple ngày nay cộng lại. Nhưng, ở đỉnh cao của thế giới, công ty của Bill Gates và Steve Ballmer đã quá tự kiêu và đi từ sai lầm này đến sai lầm khác: Tablet PC, smartphone Kin, Windows ME và đặc biệt là "tội đồ trình duyệt" Internet Explorer. Chuyện gì đến cũng phải đến: khi Apple và Google cùng thực hiện liên tiếp 2 cuộc cách mạng smartphone và tablet, Microsoft bị bỏ lại phía sau. Vị thế của "gã khổng lồ phần mềm" cứ mờ nhạt dần cùng số phận của chiếc PC.
Những tưởng Microsoft sẽ tiếp tục chìm khuất một cách thầm lặng như vậy, nhưng một phép màu bất ngờ đã xảy ra: kể từ khi CEO Satya Nadella lên nắm quyền, một Microsoft bảo thủ và độc quyền bỗng dưng mở rộng vòng tay đón các nhà phát triển, một Microsoft kém sáng tạo bỗng dưng vươn lên đi đầu những công nghệ cốt lõi.
Hãy cùng nghiêm túc nhìn lại vị thế của Microsoft ngày nay để nhận ra sự thật rằng vị hoàng đế của thời đại PC rất có thể sẽ trở lại thống trị kỷ nguyên điện toán mới.
Mạnh dạn từ bỏ Windows (Phone) để đẩy mạnh dịch vụ
Microsoft của thời đại cũ có nguồn sống chủ yếu là bản quyền hệ điều hành và các phần mềm khác. Thậm chí, trong thời gian đầu Microsoft còn dám thu phí bản quyền của... Windows Phone. Nhưng trong thời đại trọng tâm phần mềm đã thuộc về các ứng dụng và các dịch vụ mạng, Microsoft không còn mang chiến lược cạnh tranh hệ điều hành nữa.
Các phần mềm trọng yếu của Microsoft như Office, OneDrive, OneNote, Cortana lần lượt bước chân lên iOS và Android. Thậm chí, bộ ứng dụng Microsoft Office còn được lựa chọn làm một trong những trọng điểm của lễ ra mắt chiếc iPad Pro do Apple tổ chức vào tháng 9/2015. Trong quý một vừa qua, Office 365 đã thu được thêm tới 1,6 triệu người dùng để chạm mốc 22,2 triệu người dùng. Doanh thu từ dịch vụ có trả phí này thậm chí còn tăng 63%.
Microsoft còn mang tham vọng thâu tóm cả Android của Google khi kết hợp cùng Cyanogen Ltd. để cài đặt các dịch vụ Microsoft làm mặc định cho nền tảng "mở" Cyanogen MOD. Nền tảng này sẽ là trọng tâm của hệ điều hành Cyanogen OS được cài đặt lên các mẫu smartphone Android xuất xưởng.
Nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là quyết định phát hành miễn phí Windows 10 cho người dùng Windows 7 và Windows 8/8.1 trong năm đầu. Với quyết định này, Microsoft đã đảm bảo cho một tương lai duy nhất: người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục phụ thuộc vào Windows - đến nay, đã có 270 triệu máy tính toàn cầu cài đặt Windows 10. Trong một tương lai mà bản quyền đã nhường chỗ cho các dịch vụ trả phí, Microsoft đang chuyển mình mạnh mẽ để giữ được vị thế trước Google và Facebook.
Ngôi nhà của giới phát triển phần mềm
Các dịch vụ dành cho người tiêu dùng không phải là thứ duy nhất Microsoft mở rộng để xâm lấn. Các nhà phát triển phần mềm có lẽ đã liên tục bị "choáng" vì những bước đi của Microsoft: đưa cả đám mây Azure lẫn phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu SQL Server lên Linux, đưa ngôn ngữ lập trình C# thành mã nguồn mở, ra mắt phiên bản miễn phí không giới hạn của bộ phần mềm phát triển chất lượng cao Visual Studio.
Đặc biệt nhất, tại Build 2016, Microsoft còn mở cửa cho ứng dụng Linux lên Windows. Sự thân thiện bất ngờ của Microsoft với Linux chỉ mang một ý nghĩa duy nhất: khuyến khích cộng đồng developer vốn đã quá quen thuộc với Linux/UNIX đặt chân lên Windows. Tất cả đảm bảo cho Windows 10 trở thành "ngôi nhà của dev" như những gì Microsoft tuyên bố tại Build 2016.
Cũng tại sự kiện Build năm nay, tất cả những gì tinh túy nhất của Microsoft đã được mở ra cho các nhà phát triển vào tiếp sức và hưởng lợi. 22 API tri giác cho phép bất cứ phần mềm nào có khả năng nhận diện cảm xúc, hành động, lời nói... ở đẳng cấp Microsoft. Nền tảng chatbot cho phép tạo ra những bộ máy giao tiếp thông minh trên vô số các dịch vụ chat - nhưng trọng tâm rõ ràng là Skype của Microsoft. Cuối cùng, công nghệ Xamarin cùng UWP cho phép tạo ra thiên đường của các nhà phát triển: vừa phát triển ứng dụng desktop vừa phát triển ứng dụng di động không mấy tốn công, cùng một bộ mã nguồn trên Windows 10 có thể triển khai lên cả iOS và Android.
Tại sao Microsoft bỗng dưng lại cần phải làm như vậy? Thất bại của Windows Phone là bởi hệ điều hành này không thu hút được các nhà phát triển. Thậm chí, cộng đồng phát triển app Windows 8/Windows 10 cho Windows Store cũng chưa đạt tầm mặt bằng như cộng đồng Android và iOS. Khi một hệ điều hành, trang web và thậm chí là ứng dụng chat cũng có thể trở thành nền tảng, ông lớn nào ưu ái các nhà phát triển nhất cũng sẽ là ông lớn đi đầu. Và Microsoft đang vượt mặt cả Apple, Google lẫn Facebook trên khía cạnh "ưu ái" đó.
Khuôn mẫu phần cứng: Surface Pro, HoloLens, Surface Phone và Internet of Things
Khi đã trở lại là một công ty phần mềm, Microsoft hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng Lumia là một khối u cần cắt bỏ. Trong nhiều quý vừa qua, công ty của Satya Nadella đã liên tục cắt giảm quy mô sản xuất Lumia – doanh số mảng này đã giảm tới 3/4, chỉ còn hơn 2 triệu máy. Ngược lại, mảng Surface liên tục được đẩy mạnh với doanh thu liên tục vượt mức 1 tỷ USD trong 2 quý tài chính gần đây nhất.
Cùng lúc, Microsoft đi đầu cuộc cách mạng thực tại hỗ trợ (Augmented Reality – AR) với chiếc kính HoloLens. Trong khi các đối thủ Facebook (Oculus), HTC/Valve và Sony tập trung toàn lực vào thực tại ảo hoàn toàn (VR), cuộc đua AR đầy thú vị đang được bỏ ngỏ cho Microsoft, đặc biệt là khi Google đã "ngã dập mặt" với dự án Glass.
Nhưng ý nghĩa của Surface Pro, Surface Book và HoloLens không phải là để tạo ra các mảng phần cứng tầm cỡ iPhone hay Galaxy. Thành công của Surface đã được các nhà sản xuất hưởng ứng bằng cách liên tục tung ra các mẫu tablet lai laptop của riêng mình, qua đó đảm bảo vị thế thống trị cho Windows, đồng thời đẩy mạnh cho các phần mềm, dịch vụ Microsoft như Skype, OneDrive và Cortana trên thế giới PC.
Vị trí của HoloLens và chiếc Surface Phone cũng là như vậy: Microsoft sẽ tập trung ra các phần cứng điển hình để đối tác của mình học tập và đồng thời tiếp tục "độc quyền" thị trường phần mềm. Khi cuộc cách mạng Internet of Things bùng nổ, Windows 10 cũng sẽ là trọng tâm.
Đại địch thủ trên đám mây
Báo cáo tài chính mới nhất của Microsoft cho thấy doanh thu dự phóng thường niên của đám mây Azure đã mức 10 tỷ USD, tức là tương đương với doanh thu thực tế của Amazon Web Services. Điều này cho thấy Amazon và Microsoft đang dần hình thành cuộc đua song mã trên lĩnh vực đám mây, bỏ xa tất cả các đối thủ hùng mạnh như Google, Oracle và IBM.
Dù chưa vượt mặt Amazon nhưng Microsoft đang nắm trong tay một thế mạnh không thể chối bỏ: vị thế thống trị trên các hệ thống IT doanh nghiệp truyền thống. Khi các doanh nghiệp cũ bước chân "lên mây", khả năng tích hợp dễ dàng giữa Active Directory, Exchange, Windows Server, SQL Server... của Microsoft và Azure sẽ là chìa khóa đảm bảo cho vị thế của gã khổng lồ phần mềm trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Cùng lúc, con số 22 triệu người dùng Office 365 và "hơn nửa tỷ người dùng OneDrive" (do Satya Nadella công bố vào năm ngoái) đảm bảo cho Microsoft thống lĩnh đám mây người tiêu dùng. Từ chỗ bị chỉ trích vì không bắt kịp thời đại, Microsoft nay đã vươn lên đứng đầu một trong những trào lưu "hot" nhất và bền vững nhất - một trào lưu chắc chắn sẽ chỉ lớn mạnh thêm chứ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi bất kỳ một cuộc "nổi dậy" nào của phần cứng.
Vị vua đã thực sự trở lại
Tụt hậu và thậm chí là có nhiều bước đi xúc phạm cả người tiêu dùng lẫn các nhà phát triển trong vòng nhiều năm, Microsoft chỉ trong vòng 2 năm đã trở lại khẳng định vị thế một cách mạnh mẽ. Microsoft của ngày hôm nay có thể chưa mang nhiều ảnh hưởng như Google hay Apple nhưng lại là gã khổng lồ duy nhất đang đón đầu tất cả các cuộc cách mạng có thể thay đổi tương lai điện toán. Bạn có tin Microsoft dưới thời Satya Nadella sẽ quay lại hùng mạnh như Microsoft thời Bill Gates không?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín