GrabPay vung tiền "trợ giá" tiền điện cho người dùng: Phải chăng ví điện tử chính là cuộc chơi "đốt tiền" đến chết hoặc đối thủ chết?

    Nhật Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Tương tự như chiến trường thương mại điện tử, cuộc chiến của các thương hiệu ví điện tử như Momo, Zalo Pay, hay gần đây là sự góp mặt của GrabPay và Viettel Pay, cũng là cuộc đua hao tiền tốn của.

    Dù là tay chơi mới gia nhập nhưng GrabPay by Moca, ví điện tử của Grab, vừa chứng tỏ mình "không phải dạng vừa" khi tung khuyến mãi hấp dẫn chưa từng có từ trước đến nay.

    Theo đó trong giai đoạn từ ngày 9/5 – 9/6, với khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước hay điện thoại trả sau, cứ mỗi hóa đơn 500.000 đồng, khi nộp qua Grabpay by Moca khách hàng chỉ mất 400.000 đồng, 100.000 đồng được hoàn lại vào ví. Ưu đãi này cho phép người dùng được nhận 2 lần hoàn tiền với tổng giá trị hoàn tiền tối đa 400.000 đồng.

    Trên thực tế, cách làm của GrabPay cũng chính là cách làm chung của các doanh nghiệp ví điện tử hiện nay: "Đốt tiền" để thu hút người dùng thông qua các chương trình khuyến mãi hoặc các trò game nhận thưởng.

    Dịp Tết nguyên đán vừa qua, Zalo Pay đã chi tổng giải thưởng lên tới 10 tỷ đồng cho chương trình "Săn heo chiêu tài" kéo dài trong 1 tháng của mình. Momo, ví điện tử có lượng người dùng lớn nhất hiện nay, thậm chí còn mạnh tay hơn với 100 tỷ đồng cho chương trình "Lắc heo vàng, nhận lì xì" cũng diễn ra vào dịp Tết.

    Theo báo cáo "Số hóa tiền mặt ở ASEAN" được ngân hàng Standard Chartered công bố gần đây, các giao dịch tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo tại Việt Nam. Cụ thể, hơn 90% giao dịch mua hàng trực tuyến tại Việt Nam thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD). Điều này đồng nghĩa với việc phương thức thanh toán qua ví điện tử vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

    Trong khi đó, tính đến tháng 1/2019, thị trường ví điện tử Việt Nam có tới 29 đơn vị cùng tồn tại. Thị trường đang bị phân mảnh, chưa có nhiều doanh nghiệp dẫn đầu cũng là lý do để các bên cùng đẩy mạnh khuyến mãi để đánh chiếm thị phần.

    Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận xét trong 1 video của VTV phát sóng cách đây không lâu như sau: "Cuộc chơi này giống với cuộc chơi của Grab và Uber trước đây: Anh phải dành được thị phần. Và như vậy rất nhiều công ty ví điện tử đang cạnh tranh rất khốc liệt".

    Ông Nguyễn Bá Điệp, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần di động trực tuyến Momo thì cho biết: "Khuyến mãi là một trong những biện pháp, còn tất nhiên, bên cạnh đó, phải có nhiều biện pháp khác như làm thế nào để có sản phẩm tốt, phải trải nghiệm khách hàng tốt, đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng…"

    Dù các bên đều không công khai số liệu tài chính cụ thể nhưng rõ ràng với các chương trình khuyến mại "khủng" như trên, mức lỗ họ phải chịu là không nhỏ.

    Tính đến cuối năm 2017, MoMo đã lỗ lũy kế 566 tỷ đồng - tương đương mức lỗ của trang thương mại điện tử TiKi và gần bằng Shopee. Khoản lỗ này dự đoán còn lớn hơn nữa khi trong 2018, Momo liên tục bắt tay với 28 đối tác tiêu dùng khác nhau để cho phép người dùng mua sản phẩm, dịch vụ với giá chỉ từ 1 đồng và gần đây nhất là chương trình lắc xì vào dịp Tết nguyên đán vừa qua với chi phí 100 tỷ đồng.

    GrabPay vung tiền trợ giá tiền điện cho người dùng: Phải chăng ví điện tử chính là cuộc chơi đốt tiền đến chết hoặc đối thủ chết? - Ảnh 1.

    Mức lỗ cụ thể của Momo qua mỗi năm.

    Theo giới phân tích, các ví điện tử đổ tiền mở rộng điểm thanh toán cũng như triển khai chương trình khuyến mãi không chỉ nhằm thu hút khách hàng mà còn vì mục tiêu lớn hơn: Thay đổi thói quen tiêu dùng chủ yếu bằng tiền mặt.

    Khi thị trường còn nhiều người chơi và đầy tiềm năng như hiện nay, giai đoạn "đốt tiền" để cạnh tranh mới chỉ bắt đầu. Sau đó, thị trường sẽ tiến đến giai đoạn điều chỉnh, loại bỏ những đơn vị không đủ sức, từ gần 30 cái tên, sẽ chỉ còn vài tên tuổi trụ lại và chiếm thị phần lớn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ