Gục ngã trước 'khẩu trang siêu rẻ' Trung Quốc, hàng loạt công ty Mỹ viết tâm thư nhờ chính quyền mua hộ hàng tồn
Các doanh nghiệp nhỏ này thậm chí đã viện dẫn tới lý do "an ninh quốc gia" để cầu xin sự viện trợ từ chính quyền liên bang.
Nhà sản xuất khẩu trang Mỹ Premium-PPE đã chứng kiến sản lượng bán ra hàng tháng của mình giảm gần 90% so với mức đỉnh vào năm ngoái, chỉ còn 4 đến 5 triệu đơn vị.
Các thiết bị không hoạt động và hàng đống hàng hóa không bán được chất đầy nhà xưởng của công ty ở thành phố Virginia Beach, bang Virginia. Lực lượng lao động của nó, từng có tới 280 người, nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50 người. Và công ty này đổ lỗi cho các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến vận may của mình bị đảo ngược.
Brent Dillie, giám đốc doanh thu của công ty cho biết: "Chúng tôi không thể bán khẩu trang với giá ít hơn một cent (khoảng 230 đồng)".
Khẩu trang được sản xuất tại một nhà máy ở La Verne, California, Mỹ. Nhiều nhà sản xuất khẩu trang của Mỹ đang vật lộn để tồn tại khi nhu cầu giảm và các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc đang cung cấp các lựa chọn thay thế rẻ hơn.
Premium-PPE nằm trong số các nhà sản xuất khẩu trang của Mỹ đang chịu thua "sấp mặt" trước các đối thủ Trung Quốc, những công ty mà Dillie và các đồng nghiệp của ông cáo buộc đã chiếm trọn thị trường với các sản phẩm có giá bán thấp hơn cả giá thành nguyên liệu. Họ xem đây là một vấn đề liên quan đến các cuộc tranh luận về "an ninh quốc gia" và chi phí tự cung tự cấp.
Trước khi sản xuất và bán khẩu trang dùng một lần, Premium-PPE đã bán thuốc lá điện tử. Nhưng vào tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 lan tràn ở Mỹ và các nhân viên y tế phải tái sử dụng khẩu trang trong tình trạng khan hiếm hàng nghiêm trọng, các sản phẩm của họ đã nhanh chóng bay khỏi kệ.
Các hộp khẩu trang của công ty được in nhãn "Made in USA" với phông chữ lớn, như một dấu hiệu đảm bảo về chất lượng. Nhu cầu sử dụng khẩu trang hiện nay vẫn chưa biến mất, ngay cả khi việc tiêm chủng ở Mỹ đã đạt được những sự tiến bộ đáng kể. Nhưng rất ít người tiêu dùng sẵn sàng chi số tiền cao gấp 10 lần cho một loại khẩu trang của Mỹ thay vì mua khẩu trang do Trung Quốc sản xuất.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất khẩu trang Mỹ, một tổ chức bao gồm các công ty vừa và nhỏ, Mỹ có gần 300 triệu khẩu trang chưa được sử dụng đang nằm trong các kho hàng và trên dây chuyền của các nhà sản xuất. Nhóm do Dillie làm chủ tịch, đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 5 để yêu cầu chính phủ mua hết số hàng tồn kho này, cùng việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ khác.
Trong bức thư viết rằng việc duy trì sản xuất khẩu trang ở Mỹ để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai là "vấn đề an ninh quốc gia". Nhóm cũng cho biết các khẩu trang phẫu thuật nhập khẩu của Trung Quốc hiện được bán với giá trung bình 1 cent mỗi chiếc.
Nhà máy tại Virginia Beach của Premium-PPE: Công ty đã sản xuất hàng chục triệu chiếc khẩu trang mỗi tháng vào thời kỳ đỉnh cao
Mỹ đã đặt sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc đối với nhiều sản phẩm y tế, điều khiến các quan chức và các nhà lập pháp đều lo ngại.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho biết Mỹ đã nhập khẩu 72% khẩu trang từ Trung Quốc vào năm 2019. Báo cáo của viện chính phủ cũng cho thấy tỷ lệ nhập khẩu lớn từ quốc gia châu Á cho một loạt các nguồn cung sản phẩm y tế. Trung Quốc dường như vẫn là "công xưởng của thế giới" đối với nhiều sản phẩm rẻ và khó có thể thay đổi điều này.
Nhưng giờ đây, khi điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng dường như đã qua và nguồn cung không còn eo hẹp nữa, việc thúc đẩy bản thân để trở nên tự cung tự cấp hơn đối với các sản phẩm y tế đã bị mất đi nhiều động lực, so với một năm trước. Chính quyền Washington có thể đáp trả việc bán phá giá hàng hóa được định giá thấp bằng các hạn chế hoặc luật nhập khẩu, nhưng các công ty Mỹ có thể đã không còn đủ thời gian và cơ hội để tồn tại lâu tới như vậy.
"Tôi nghĩ sản xuất các sản phẩm cấp thấp ở Mỹ sẽ không chỉ là một sự lãng phí lớn về tài nguyên mà còn có thể dẫn đến việc thu hẹp đầu tư vào những thứ tốt hơn", Scott Lincicome, một thành viên cấp cao tại Viện Cato cho biết.
Các câu hỏi về những gì cần được sản xuất ở Mỹ và những gì thuộc phạm vi "an ninh quốc gia" vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Tham khảo Nikkei
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"