Hạ cấp iOS: Cánh cửa hẹp luôn đóng
Hiện tại, người dùng gần như không thể hạ cấp từ iOS 7 về iOS 6.
Hệ điều hành iOS 7 được coi là một bước tiến mang tính cách mạng của Apple, giúp làm thỏa lòng rất nhiều tín đồ táo khuyết vốn mong chờ một cuộc lột xác thật sự cả về tính năng lẫn giao diện người dùng. Tuy nhiên, ngay trong tuần đầu tiên Apple cho phép các khách hàng cập nhật lên phiên bản mới, đã có khá nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một số khách hàng tỏ ra không mấy hài lòng với iOS 7 có thể do các nguyên nhân về mặt thị giác hay tính năng không phù hợp với họ hoặc nhận được thông tin còn rất lâu nữa mới có thể jailbreak iOS 7 được. Chính vì vậy, đã có không ít người muốn quay về hệ điều hành cũ hơn là iOS 6. Tuy nhiên, sự thật là hầu hết những người đã lên iOS 7 hiện giờ sẽ bị “mắc kẹt” với nó và chưa có cách gì để quay về iOS 6.
Mọi chuyện đã khác nếu họ nắm bắt thông tin nhanh hơn. Bởi cách đây vài ngày, các máy đã lên iOS 7 vẫn có thể quay trở lại hệ điều hành iOS 6.1.3 bằng cách sử dụng iTunes và tải về bản firmware iOS 6.1.3 (có đuôi .ispw) do Apple chưa khóa "signing" (một dạng xác thực khi nâng cấp hoặc cài đặt lại hệ điều hành). Song, cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có iPhone 4 đã lưu SHSH là vẫn có khả năng đưa về một phiên bản iOS thấp hơn. Đối với các iDevice chạy chip A5 SoC hoặc mới hơn (iPhone 4S, iPhone 5, 5s, 5c, iPad 2 trở lên, iPad mini và iPod Touch thế hệ thứ năm), bạn không thể hạ xuống và nhiều khả năng sẽ không bao giờ có thể làm được điều này, trừ khi các nhóm hacker như iPhone Dev Team và Evad3rs có thể tìm thấy một phương pháp jailbreak thực sự ở cấp độ thấp.
Bất cứ khi nào Apple tung ra một phiên bản mới của hệ điều hành iOS, hãng sẽ dành ra một thời gian ân hạn, thường là một vài ngày để bạn có thể quay trở lại các phiên bản trước nếu bản mới không đáp ứng được các nhu cầu của mình. Nhưng một khi thời gian ân hạn đã hết, gần như cánh của đã đóng lại. Vậy tại sao Apple lại làm khó người dùng như vậy?
Về cơ bản, sau khi bạn cài đặt một phiên bản iOS mới thông qua giao thức OTA hoặc qua một tập tin .ispw trên iTunes, chiếc điện thoại iPhone của bạn sẽ được liên kết với máy chủ của Apple. Sau đó, Apple sẽ tiến hành kiểm tra đối chiếu phiên bản iOS mới được cài đặt trên thiết bị của người dùng để xem chúng có phù hợp với bản phê duyệt trên máy chủ của hãng hay không. Việc làm này sẽ có 3 mục đích chính: Thứ nhất, nó đảm bảo rằng không tập tin nào của bạn bị hỏng hoặc bị nhiễm phần mềm độc hại. Thứ hai , nó đảm bảo rằng bạn chỉ có thể chạy một phiên bản hệ điều hành sạch đã được kiểm duyệt. Cuối cùng, thứ ba là nhằm hạn chế sự phân mảnh, đây là một trong những yêu cầu hàng đầu nhằm củng cố khả năng hoạt động nhất quán cho toàn bộ hệ sinh thái di động của Apple sao cho mọi thiết bị sẽ đều phải chạy một phiên bản hệ điều hành tương tự nhau. Nếu người sử dụng có thể hạ cấp tự do, câu chuyện sẽ diễn biến sang một khía cạnh không có lợi cho Apple. Bởi trong một vài năm qua, hãng đang ra sức chĩa mũi công kích vào sự phân mảnh hiện hữu trên nền tảng Android, đối thủ chính của iOS.
Trong thời gian ân hạn, các máy chủ của Apple vẫn chấp nhận các phiên bản iOS cũ (trong trường hợp này là iOS 6.1.3 và 6.1.4), sau đó, khi thời gian này kết thúc, chỉ có phiên bản mới nhất được chấp nhận (ở đây là iOS 7). Nếu phiên bản hệ điều hành của bạn không phù hợp với danh sách đã được phê duyệt của Apple, điện thoại sẽ từ chối hoạt động cho đến khi bạn cài đặt một phiên bản đã được phê duyệt (trong trường hợp này là iOS 7). Do đó, nếu bạn đang sử dụng iPhone 4S hoặc iPhone 5 chạy iOS 6 thì hãy cân nhắc thật kỹ để quyết định xem có nên lên iOS 7 hay không.
Song chúng ta sẽ đi ngược lại vấn đề một chút, đồng ý rằng iOS 7 đã mang lại rất nhiều cải tiến cho người dùng của Apple, nhưng đâu là nguyên nhân khiến một bộ phận khách hàng muốn trở lại dùng iOS 6. Quả thực đúng là có rất ít lý do chính đáng để hạ cấp về iOS 6, đồng thời những lý do này cũng không đủ thuyết phục như khi Apple giới thiệu ứng dụng bản đồ Apple Maps với vô số lỗi vào năm ngoái.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có những người thực sự không thể làm quen với giao diện phẳng có phần màu mè của iOS 7. Bên cạnh đó, rất nhiều người dùng hệ điều hành iOS 7 vừa phát hành của Apple đã phàn nàn rằng sau một thời gian ngắn làm quen với giao diện mới, họ cảm thấy rất khó chịu, chóng mặt, nôn nao giống như đang say tàu xe vậy, đây được gọi là hội chứng “motion sickness”. Nguyên nhân được xác nhận có thể là do những hiệu ứng mới trên giao diện của iOS 7 như hiệu ứng nổi 3D parallax (các biểu tượng ứng dụng có vẻ như đang chuyển động, "rung rinh" trên màn hình theo nhiều hướng khác nhau) hay hiệu ứng zoom khi truy cập vào ứng dụng.
Lúc này, một là họ sẽ phải chịu đựng và chấp nhận nó đồng thời hy vọng vào những sự điều chỉnh trong iOS 7.1, còn hai là đi tìm một cách thức để quay trở về iOS 6. Tuy nhiên, hiện tại cánh cửa về lại iOS 6 gần như đã đóng, một giải pháp đơn giản hơn là người dùng có thể đổi hoặc mua một chiếc iPhone/iPad khác vẫn đang chạy phiên bản hệ điều hành cũ để có thể tiếp tục sử dụng hợp với nhu cầu và sở thích của mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android