Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 ở Đông Nam Á, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi cho người dân

    Nhật Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội chỉ kém một chút so với Jakarta của Indonesia.

    Gần đây, tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đưa ra dữ liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) trong Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

    Theo đó, ở Đông Nam Á, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố có mức độ ô nhiễm bụi nặng nề nhất khu vực. Nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội trong năm 2018 ở mức 40,8 μg/m3, thấp hơn một chút so với Jakarta (45,3 μg/m3). Trong khi đó mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của WHO chỉ là (10 μg/m3).

    TP.HCM cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng nhưng chỉ số thấp hơn, chỉ khoảng 26,9 μg/m3.

    Xét về mặt tổng thế, Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

     Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 ở Đông Nam Á, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi cho người dân - Ảnh 1.

    Mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại các quốc gia Đông Nam Á.

    Nói về tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đến sức khỏe, đơn vị nghiên cứu cho biết việc tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí - nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 1,8 năm.

    Ví dụ, đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

    Cũng theo bản Báo cáo, biến đổi khí hậu đang làm cho tác động của ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn thông qua thay đổi điều kiện khí quyển và khuếch đại các đám cháy rừng. Ngoài ra, tác nhân chính của biến đổi khí hậu - đốt nhiên liệu hóa thạch - cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Do đó, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí của chúng ta.

    "Chính quyền địa phương và trung ương có thể giúp giải quyết các tác động của ô nhiễm không khí bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng báo cáo và giám sát đầy đủ. Đốt nhiên liệu hóa thạch - than, dầu và khí đốt được xác định là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí phổ biến trên toàn cầu. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn bởi vấn nạn chặt phá rừng. Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề sức khỏe và khí hậu bằng việc xem xét sự chuyển dịch công bằng thoát khỏi khỏi nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cho chúng ta biết rõ mức độ chất lượng không khí để có thể thực hiện các bước giải quyết khủng hoảng sức khỏe và khí hậu này", Giám đốc điều hành của Greenpeace Đông Nam Á, ông Yeb Sano, cho biết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ