Hai số phận của Tesla và SpaceX: Khi làm ô tô chạy điện còn khó hơn cả tên lửa vũ trụ tái sử dụng

    Nguyễn Hải,  

    Có lẽ giờ này ông Elon Musk đang ước giá như Tesla có thể sản xuất 1.000 chiếc ô tô điện dễ như SpaceX phóng tên lửa lên quỹ đạo trái đất thì họ đã không phải khó khăn như thế này.

    Các công ty thành công nhất của Elon Musk, Tesla và SpaceX, lại đang có những cung bậc trạng thái rất khác nhau trong năm 2018.

    Trong khi SpaceX ra mắt một tên lửa mạnh mẽ mới, Falcon Heavy, và đã phóng thành công 7 nhiệm vụ lên quỹ đạo, Tesla lại phải vật lộn để sản xuất mẫu sedan chạy điện Model 3 theo đúng tiến độ đã hứa, làm gia tăng nghi vấn về dòng tiền của công ty và kích thích các nhà đầu cơ bán xuống. Vào ngày 23 tháng Ba, một tài xế đã thiệt mạng sau khi hệ thống Autopilot trên chiếc Tesla của ông đã đưa chiếc ô tô đâm thẳng vào barrier, cho dù hệ thống này không được sử dụng mà không có tay của lái xe đặt trên tay lái.

    Hai số phận của Tesla và SpaceX: Khi làm ô tô chạy điện còn khó hơn cả tên lửa vũ trụ tái sử dụng - Ảnh 1.

    Các nhà phân tích của cả hai công ty có xu hướng tập trung vào sự tự tin thái quá và các phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội của Elon Musk, nhưng cả hai thực ra đều được điều hành bởi các nhóm chuyên nghiệp và thành công của họ được xác định thông qua thương hiệu của Musk trong chiến lược đánh giá rủi ro dựa trên các yếu tố thị trường và các xu thế toàn cầu.

    Quả thật, khó khăn ngày càng lớn mà Tesla phải đối mặt có liên quan đến một thực tế đơn giản: họ đang phải cố gắng làm một việc khó hơn nhiều so với SpaceX.

    Sự phức tạp của ngành công nghiệp tên lửa

    Thành công của SpaceX dựa trên khả năng thực hiện các vụ phóng và thu hồi các tên lửa có thể tái sử dụng. Trong năm ngoái, họ đã tái sử dụng nhiều tên lửa hơn số tên lửa được phóng đi bởi đối thủ sừng sỏ của mình tại Mỹ, công ty United Launch Alliance. Ngay cả khi không tái sử dụng được, các tên lửa của họ vẫn rẻ hơn nhiều so với các phương tiện khác có thể phóng lên quỹ đạo.

    Hai số phận của Tesla và SpaceX: Khi làm ô tô chạy điện còn khó hơn cả tên lửa vũ trụ tái sử dụng - Ảnh 2.

    Vũ khí bí mật của hãng rất đơn giản: cố gắng làm nên một tên lửa rẻ hơn. Các đối thủ cạnh tranh chính của SpaceX là các công ty được chính phủ trợ cấp, do vậy không có nhiều động lực để đổi mới. Bằng cách áp dụng chiến lược khá đơn giản, như sử dụng các bộ phận có sẵn trên thị trường, tập trung vào các hệ thống đơn giản, đáng tin cậy và lên kế hoạch bay với tần suất cao, công ty có thể cạnh tranh với các đối thủ hiện tại.

    Công nghệ tên lửa tái sử dụng có thể cất hạ cánh thẳng đứng trên thực tế đã được kỹ sư McDonnell Douglas và NASA chứng minh tính khả thi và trình diễn vào những năm 1990. Tuy nhiên, các hãng chế tạo tên lửa, dù biết rằng khả năng tái sử dụng là có thể, vẫn không đủ tự tin rằng mình có thể phóng đủ số tên lửa để thu hồi chi phí. Chỉ có SpaceX sẵn sàng chấp nhận rủi ro để biến công nghệ này thành hiện thực.

    Có lẽ điều đáng chú ý nhất là các đối thủ của SpaceX lại không đủ nhanh để bắt kịp họ. Đối thủ chính của họ trong công nghệ này là một startup khác, Blue Origin của Jeff Bezos, vẫn chưa thể phóng tên lửa tới quỹ đạo. Các nhà chế tạo tên lửa khác như Arianespace của châu Âu và United Launch Alliance giờ mới đang phát triển các hệ thống tái sử dụng. Và một đối thủ tiềm năng khác, chương trình vũ trụ của Trung Quốc, phần lớn lại nằm ngoài tầm với của nhiều nhà khai thác vệ tinh vì các quy tắc an ninh quốc gia.

    Không nghi ngờ gì khi việc lập nên một công ty tên lửa là rất khó khăn – lịch sử đã chứng kiến nhiều doanh nhân khác phải phá sản khi bước chân vào lĩnh vực này, và SpaceX cũng có lúc gần như vậy trước khi các tên lửa của họ cất cánh. Nhưng SpaceX đã hưởng lợi từ việc là một người chơi tích cực trên một sân chơi trì trệ.

    Cỗ máy của ngành ô tô toàn cầu

    Thế giới chế tạo rất ít tên lửa nhưng lại làm ra rất nhiều ô tô. Năm 2017, có 90 lần phóng tên lửa lên quỹ đạo trên thế giới, trong đó SpaceX có 18 lần. Cùng năm đó, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu làm ra 73 triệu chiếc ô tô, Tesla làm được khoảng 100.000 chiếc trong số đó.

    Hai số phận của Tesla và SpaceX: Khi làm ô tô chạy điện còn khó hơn cả tên lửa vũ trụ tái sử dụng - Ảnh 3.

    Thay vì gia nhập vào một sân chơi trì trệ như trên, Tesla lại chọn một trong những nơi cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới, phải đối mặt với không chỉ các đối thủ trong nước như Ford và GM, mà còn các người khổng lồ toàn cầu như Volkswagen, Toyota và Hyundai, những người đã dành nhiều thập kỷ phát triển nên các nhà máy siêu hiệu quả có thể tạo ra đến 5.000 chiếc ô tô hoặc hơn thế nữa, trong mỗi tuần.

    Thách thức ngày càng tăng với Tesla nằm ở việc bắt kịp với các hệ thống sản xuất tự động hàng loạt này. Hiện tại Tesla đang xuất xưởng 2.200 chiếc sedan Model 3 mỗi tuần với một lượng đơn hàng khủng khiếp đang chờ lấp đầy. Ngược lại, trong ngành công nghiệp vũ trụ, việc sản xuất hàng loạt rất hiếm hoi, và phần lớn các bộ phận được lắp bằng tay. SpaceX đã chú ý tìm cách bổ sung khả năng tự động hóa vào trong quá trình sản xuất, một phần bởi vì những bài học mà Musk học được từ Tesla.

    Và Tesla cũng không chỉ cố gắng làm ra một chiếc xe giá rẻ. Họ đang cố gắng làm nên chiếc xe thông dụng chạy điện hoàn toàn đầu tiên. Điều này đòi hỏi phải đưa công nghệ pin hiện tại tới giới hạn và dường như sẽ cần các tiến bộ mới trước khi xe điện vượt qua được phạm vi hiện tại chỉ vài trăm kilomet sau mỗi lần sạc.

    Nó cũng có nghĩa là việc cạnh tranh về sở thích và trải nghiệm người dùng cũng nhiều như về giá và năng lực sản xuất. Đó là một lý do khiến công ty chọn bắt đầu với dòng xe cao cấp và giờ mới ra mắt chiếc Model 3, một dòng sedan tầm trung giá cả hợp lý hơn.

    Không giống như ngành công nghiệp vũ trụ, ngành công nghiệp ô tô không khoanh tay đứng nhìn trước thách thức từ Tesla. Việc ra mắt thành công chiếc Tesla Roadster và Model S đã thể hiện sức hấp dẫn từ những chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện. GM cũng đã ra mắt chiếc Chevy Bolt chạy điện hoàn toàn vào năm 2015, và doanh số của nó tăng cao nhanh chóng. Volkswagen cho biết họ sẽ mang một phiên bản chạy điện hoàn toàn cho tất cả 300 mẫu xe của mình vào năm 2030.

    Một thách thức khác do Tesla khởi xướng là tạo nên những chiếc xe tự lái, một lĩnh vực không chỉ mới mẻ mà còn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, từ cả các công ty ô tô truyền thống cũng như các startup như Waymo và Uber.

    Hai số phận của Tesla và SpaceX: Khi làm ô tô chạy điện còn khó hơn cả tên lửa vũ trụ tái sử dụng - Ảnh 4.

    Ưu thế của những khách hàng lắm tiền

    Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng SpaceX đòi hỏi nguồn tiền tài trợ từ bên ngoài ít hơn nhiều so với Tesla (chỉ khoảng 1,7 tỷ USD vốn cổ phần so với 12,5 tỷ USD cả vốn cổ phần và nợ).

    Một phần của việc này nằm ở khách hàng mỗi công ty. Chỉ có vài chục tổ chức mua các vụ phóng tên lửa, và chúng được sử dụng để dành cho các khoản đặt cọc hàng triệu USD. Khách hàng phóng tên lửa quan trọng nhất là chính phủ Mỹ. NASA cấp ngân sách hàng tỷ USD cho SpaceX để phát triển các công cụ chở hàng hóa và phi hành gia lên trạm Vụ trụ Quốc tế ISS. Điều đó cho phép công ty có thể tự duy trì được hoạt động của mình nhờ doanh thu phóng tên lửa thay vì các vòng gây quỹ tài trợ.

    Mặt khác, Tesla phải tiếp cận tới hàng triệu khách hàng, và cho dù họ cũng nhận được đặt cọc từ khách hàng, nhưng họ vẫn được hoàn lại tiền. Tiếp cận và phục vụ tất cả các khách hàng đó đòi hỏi phải thiết lập tới hơn 200 cửa hàng trên toàn cầu – một chi phí vốn không hề nhỏ bên cạnh chi phí thiết kế, kỹ thuật và sản xuất.

    Tất cả những điều này đòi hỏi không chỉ các khoản đầu tư cá nhân, mà còn một đợt bán cổ phiếu IPO, và một khoản nợ đáng kể khác. Tiến hành IPO, cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với sự giám sát của công chúng, một vấn đề mà SpaceX không gặp phải. Elon Musk cho biết, ông sẽ không đưa công ty niêm yết công khai cho đến khi nó thực hiện các chuyến bay thường xuyên tới sao Hỏa.

    Ông Musk nói với các nhà đầu tư trong buổi báo cáo thu nhập sau khi SpaceX phóng thành công tên lửa mới Falcon Heavy cùng một chiếc Roadster vào hệ mặt trời: “Tôi hy vọng mọi người nghĩ rằng nếu chúng tôi có thể gửi một chiếc Roadster tới vành đai tiểu hành tinh, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề sản xuất chiếc Model 3.” Có lẽ thay vì thế, ông nên nhấn mạnh rằng, nếu sản xuất một nghìn chiếc xe điện mỗi ngày dễ như phóng tên lửa vào tầng quỹ đạo, thì Tesla đã thành công rồi.

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ