Hàn Quốc là cửa tử cho nhiều hãng công nghệ nước ngoài

    PV,  

    Người dùng có tiêu chuẩn địa phương riêng.

    Người dân Hàn Quốc thường lựa chọn nhãn hàng công nghệ nội địa, gây khó cho các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh.


    Hàn Quốc là cửa tử cho nhiều hãng công nghệ nước ngoài 1


    Theo Justin Lee, Giám đốc quản lí hãng nghiên cứu và tư vấn Sprie, sức mạnh và sự tinh xảo của doanh nghiệp nội địa so với nhiều gã “nhà giàu” ngoại quốc đến từ sự thấu hiểu, khả năng liên kết với người tiêu dùng.


    Sức mạnh của doanh nghiệp nội


    Park Jiyoung – nhà phân tích chiến lược của hãng nghiên cứu Solidiance nhận định: Các công ty toàn cầu thường áp đặt quy tắc cho tất cả các quốc gia họ có mặt và không thay đổi đối với từng khu vực khác nhau. Mặt khác, người dùng Hàn Quốc lại muốn dùng các dịch vụ phù hợp với thói quen, phong cách... địa phương. Do đó, các công ty nội nhanh chóng nắm bắt nhu cầu khách hàng và cung cấp những gì họ muốn.


    "Ví dụ, khi người Hàn Quốc mua điện thoại, thông thường họ muốn có thêm dây sạc nối với máy tính bên cạnh bộ sạc thông thường. Samsung sẽ bán cả gói phụ kiện này cho người dùng, song Motorola (Mỹ) hay HTC (Đài Loan) thì không", Lee Youngmi – Giám đốc kế toán tại hãng Millward Brown tiết lộ. Người tiêu dùng Hàn Quốc ngày nay cũng rất hiểu biết và thận trọng khi mua sắm thiết bị điện tử hay sử dụng dịch vụ CNTT. Họ muốn sản phẩm, dịch vụ “tốt nhất của tốt nhất”.


    Trao đổi với ZDNet, sinh viên Cho Inkyu cho biết cô thích dùng công cụ tìm kiếm Sky View của hãng Daum (Hàn Quốc) vì nó cung cấp hình ảnh chi tiết, chính xác hơn khi tìm kiếm địa điểm. Bình luận của sinh viên Cho xuất hiện ngay sau khi Yahoo! (Mỹ) rút khỏi thị trường Hàn Quốc hồi cuối năm 2012. Năm 2011, Motorola Mobility cũng “tháo chạy” khỏi quốc gia châu Á này trong nỗ lực tái cơ cấu công ty do công ty mẹ Google đề ra. Hãng sản xuất điện thoại HTC đóng cửa tại Hàn Quốc vào tháng 7/2012 để cải thiện hiệu quả kinh doanh toàn công ty.


    Tại thời điểm hiện tại, Samsung và LG đang thống trị thị trường CNTT Hàn Quốc nhờ mật độ quảng bá và nhận diện thương hiệu dầy đặc cũng như khả năng cộng tác với những người chơi khác trên thị trường như nhà mạng, trang web Internet, hãng bán lẻ. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nước ngoài nào cũng lâm phải “thảm cảnh” như Yahoo hay HTC tại đây. Minji Kim – chuyên gia phân tích của hãng Euromonitor lưu ý Apple (Mỹ) hay Canon (Nhật) vẫn có được thị phần không nhỏ trên thị trường smartphone và máy ảnh số trong năm 2012.


    “Tên tuổi của Apple và hệ sinh thái iPhone thu hút được người dùng trung thành giữa một “biển” smartphone Android khác, trong khi Canon đủ năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà của Samsung nhờ dải máy rộng, từ máy ảnh du lịch tới máy ảnh chuyên nghiệp từ năm 2008”, Kim nói thêm.


    Hiểu khách hàng để cạnh tranh


    Nếu doanh nghiệp nước ngoài muốn sống sót trên thị trường CNTT Hàn Quốc, họ cần phải hiểu hơn về nhu cầu, thị hiếu, xu hướng của người tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn để đáp ứng được tiêu chuẩn cao hơn.


    Hàn Quốc là cửa tử cho nhiều hãng công nghệ nước ngoài 2


    Ví dụ, Yahoo! có tiêu chuẩn toàn cầu song lại không tùy biến theo quốc gia. Hãng lẽ ra phải tìm ra nhu cầu của người tiêu dùng Hàn Quốc, cách họ tìm kiếm thông tin, mang lại giao diện thân thiện, song Yahoo! thất bại vì không hiểu được khách hàng và không thể cạnh tranh với đối thủ nội. Mặt khác, Apple, Twitter, Facebook lại được người dân Hàn Quốc sử dụng rộng rãi dù không tốn quá nhiều công sức tiếp thị do chất lượng và dịch vụ đủ tốt để đáp ứng yêu cầu.


    Thị trường Nhật Bản, Trung Quốc cũng tương tự


    Nhật Bản “khét tiếng” với số lượng công ty nước ngoài du nhập và thất bại. Minji Kim chỉ ra dù Sharp có thể suy yếu trên toàn cầu, họ vẫn là thế lực mạnh mẽ trên thị trường tivi LCD Nhật. Samsung của Hàn Quốc cũng không “liều mình” dấn sâu vào thị trường Nhật mà chỉ cung cấp các mẫu máy tốt nhất như Galaxy S III hay Galaxy Note II thông qua vài nhà mạng như NTT DoCoMo.


    Dù người dùng khá ưa chuộng sản phẩm của Apple, thị trường Trung Quốc nhìn chung vẫn bị các công ty nội địa thống trị. Ví dụ, nhãn hiệu tivi LCD hàng đầu tại Trung Quốc là TCL và Skyworth, trong khi “kẻ ngoại quốc” như Samsung và LG vẫn vất vả tìm đường vào.


    Giá bán cũng là trở ngại lớn của các công ty nước ngoài để cạnh tranh với nhà sản xuất nội, do Chính phủ Trung Quốc đang dự định tăng thuế nhập khẩu đối với màn hình LCD. Điều này gây ảnh hưởng tới cả Samsung và LG.


    Theo ICTnews/ZDnet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày