Hãng pin xe điện lớn nhất Châu Âu phá sản vì Trung Quốc: Giấc mơ hồi sinh vị thế ngành ô tô của Phương Tây liệu có sụp đổ?
Đầu năm nay, Northvolt đã nhận được 5 tỷ USD tài trợ từ Châu Âu, khoản vay lớn nhất cho ngành công nghiệp công nghệ xanh, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
- 2,5 triệu người khẳng định sẽ mua điện thoại mới của Huawei dù chưa biết giá, tính năng: Đòn đánh chí mạng có thể khiến Apple gục ngã ở xử tỷ dân
- Kinh ngạc, sinh viên chế tên lửa phá vỡ nhiều kỷ lục
- Bất ngờ với thân thế của người bị Đàm Vĩnh Hưng đòi bồi thường 15 triệu USD: Có liên quan tới Apple
- Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
- ChatGPT làm thế giới mạng phát cuồng vì cứu sống một người: Sự thật là gì?
Tờ New York Times (NYT) cho hay hãng pin Thụy Điển Northvolt từng được coi là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất trước những đối thủ Trung Quốc tại châu Âu. Thế nhưng giờ đây niềm hy vọng hồi sinh vị thế ngành ô tô của Châu Âu này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
Trên thực tế, Northvolt đã gặp khó khăn về tài chính trong nhiều tháng, qua đó phải cắt giảm việc làm và tái cấu trúc hoạt động. Bởi vậy việc nộp đơn xin phá sản tại Mỹ sẽ giúp công ty tái cấu trúc nợ, mở rộng quy mô kinh doanh phù hợp với nhu cầu hiện tại của khách hàng và đảm bảo nền tảng bền vững để tiếp tục hoạt động.
Hàng loạt biến cố
Theo NYT, hãng Northvolt đã phải đối mặt với một loạt thách thức trong năm nay, bắt đầu bằng các vụ tai nạn tại một nhà máy ở Thụy Điển và việc mất hợp đồng với BMW trị giá 2 tỷ Euro, tương đương 2,15 tỷ USD vào tháng 6/2024.
Vào tháng 9, Northvolt đã công bố kế hoạch tạm dừng sản xuất vật liệu Cathode, vốn là một thành phần chính của pin xe điện, tại một nhà máy ở Skelleftea, Thụy Điển.
Dù nộp đơn phá sản nhưng các nhà máy của Northvolt tại Thụy Điển sẽ vẫn mở cửa và tiếp tục giao hàng cũng như trả tiền cho các nhà cung cấp và nhân viên.
Northvolt cho biết họ sẽ tiếp cận được các nguồn tài trợ mới thông qua quá trình tái cấu trúc nhờ nộp đơn phá sản theo Chương 11 của bộ luật này tại Mỹ, bao gồm khoản hỗ trợ 145 triệu USD.
Ngoài ra, công ty cho biết một trong những khách hàng của họ đã cam kết cung cấp khoản vay 100 triệu USD cho Northvolt.
Năm 2023, Northvolt lỗ đến 1,2 tỷ USD, cao hơn nhiều mức lỗ 285 triệu USD của năm 2022.
Tuy nhiên vào tháng 1/2024, Northvolt đã được Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ đến 5 tỷ USD, khoản vay lớn nhất từ khối này nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ xanh.
Tuy nhiên tờ NYT cho rằng những khó khăn của Northvolt là triệu chứng của tình trạng bất ổn diện rộng trong ngành sản xuất pin cho xe điện, một điềm báo không lành cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu khi đang cố gắng bắt kịp các đối thủ từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất pin Trung Quốc như CATL và BYD đã phát triển mạnh mẽ trong khi các đối thủ cạnh tranh ở Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đối thủ từ Trung Quốc đang hưởng lợi nhờ doanh số bán xe điện tăng vọt trong nước, nơi công nghệ này chiếm một nửa doanh số bán ô tô mới thì điều đó lại không diễn ra ở Châu Âu.
Nhờ lợi thế thị trường nội địa này mà các nhà sản xuất pin Trung Quốc có lợi thế rõ ràng so với các đối thủ cạnh tranh như Northvolt, SK, LG Energy Solution, Samsung SDI và Panasonic, những công ty phụ thuộc nhiều hơn vào châu Âu và Mỹ, nơi doanh số bán xe điện vẫn ảm đạm.
Ảm đạm
Tại EU, nhu cầu về xe chạy bằng pin ở châu Âu đã trì trệ trong năm nay khi chỉ tăng 1,3% trong nửa đầu năm 2024, thấp hơn so với mức 14,6% của năm trước.
Sự suy giảm doanh số xe điện đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất pin, qua đó nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng từ dòng lũ xe điện giá rẻ Trung Quốc đã định hình cho ngành sản xuất xe điện như thế nào.
Thậm chí ngay cả trong mảng pin xe điện, hãng CATL của Trung Quốc hiện là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới.
Bởi vậy một số người trong ngành pin cho rằng việc cố gắng cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc là một sai lầm vì sự chênh lệch về lợi thế quá lớn. Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đã quyết định tập trung vào xe điện, nhờ đó có một khoảng thời gian dài trợ cấp cho các nhà sản xuất pin trong nước.
Mặc dù vậy, Cựu CEO Celina Mikolajczak của Tesla, hiện là giám đốc công nghệ pin tại Lyten, một công ty ở Thung lũng Silicon đang phát triển pin được sản xuất bằng lưu huỳnh giá rẻ thay vì các kim loại đắt tiền như nickel và cobalt, lại có ý kiến khác.
"Nếu bạn định tham gia vào ngành pin xe điện, bạn phải mang đến điều gì đó tạo nên sự khác biệt cho mình", bà Mikolajczak nói khi cho rằng các nhà đầu tư và chính phủ nên đầu tư tiền của họ vào các công nghệ pin mới thì mới có thể cạnh tranh nổi Trung Quốc.
Xin được nhắc rằng việc sản xuất pin cực kỳ khó khăn. Sản phẩm này phải được sản xuất trên dây chuyền lắp ráp tự động trong môi trường không bụi bằng kim loại và hóa chất được xử lý kỹ lưỡng.
Chỉ một chút tạp chất nhỏ cũng có thể làm hỏng các lô pin, khiến các công ty thiệt hại hàng triệu USD.
Đó là chưa kể đến việc các nhà máy sản xuất pin cần tốn hàng tỷ USD để xây dựng, đi kèm với đó là hiện trạng thiếu các lao động có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết.
"Thế giới đã đánh giá quá thấp mức độ khó khăn trong việc sản xuất pin", giám đốc điều hành Gene Berdichevsky của Sila, một công ty sản xuất vật liệu pin tiên tiến, cho biết.
Quay trở lại với Northvolt, hãng này cho biết sẽ đóng cửa một trung tâm nghiên cứu và phát triển gần San Francisco và hợp nhất việc phát triển pin thế hệ tiếp theo tại Thụy Điển.
Thậm chí giám đốc chiến lược Patrik Andreasson tại Northvolt còn cảnh báo rằng Châu Âu và Mỹ có nguy cơ tụt hậu về công nghệ xe điện.
*Nguồn: NYT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nóng: CEO Jensen Huang trở lại Việt Nam sau 1 năm, Nvidia 'giữ lời hứa' mở trung tâm nghiên cứu và dữ liệu AI
Chính phủ Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO Nvidia Jensen Huang.
Mở hộp MacBook Pro 16 inch M4 Pro chính hãng tại Việt Nam trị giá hơn 100 triệu đồng: Nhanh, mạnh, màn hình Nano-texture dùng rất thích