Năm 1997, Steve Jobs đã học được điều mà HTC đang phải đối mặt: quá nhiều hàng thành phẩm tồn kho.
Đằng sau bản báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và sâu bên trong bảng cân đối kế toán, luôn có một con số có thể nói lên nhiều điều về tình hình một hãng sản xuất điện thoại di động. Trong cuộc cạnh tranh smartphone toàn cầu, các thương hiệu thường được đánh giá dựa trên thị phần, doanh thu, lợi nhuận và quảng cáo có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tới một loại mặt hàng gọi là hàng thành phẩm tồn kho, yếu tố luôn có liên quan mật thiết với lợi nhuận của công ty.
Công ty điện thoại di động gần đây nhất có sản phẩm chất đống trong nhà kho chính là HTC. Cổ phiếu của công ty Đài Loan này đã rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ vào ngày 6/5 sau khi tuyên bố ghi giảm doanh thu tới 93 triệu USD. Mặc dù công ty này đã phục hồi một phần thiệt hại nhưng sự suy giảm này có thể khiến công ty trở thành một mục tiêu "thôn tính" béo bở cho các công ty khác. Hàng tồn kho của HTC đã lên đến mức cao kỷ lục, chiếm 2,35% tổng tài sản ở cuối quý đầu năm 2015. Trong thời kỳ hoàng kim của công ty này, con số đó hiếm khi chạm mức 1%.
Nhà phân tích John Butler của Bloomberg Intelligence cho biết, “Mức gia tăng hàng tồn kho có thể là dấu hiệu cho thấy chiếc điện thoại cao cấp mới nhất HTC M9 không đạt được mức bán như mong đợi. Chiếc điện thoại này đã nhận được một số đánh giá khá tiêu cực từ các chuyên gia công nghệ và không thể cạnh tranh với các dòng điện thoại đa tính năng trên thị trường như S6 của Samsung hay iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Apple."
Biểu đồ này cho thấy hàng tồn kho thành phẩm của HTC ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng tài sản.
Hàng tồn kho thường được chia thành 3 loại: loại thô, loại sản phẩm chưa hoàn thành và loại đã hoàn thành. Sự phân biệt này rất quan trọng. Có hàng tấn vật liệu hay sản phẩm chưa hoàn thành không hẳn là vấn đề lớn. Vật liệu thô có thể dùng để chế tạo sản phẩm khác hoặc thậm chí một chiếc điện thoại hoàn chỉnh không bán được vẫn có thể dễ dàng tháo ra để lắp ráp thành sản phẩm khác.
Tuy nhiên, để hàng hóa ứ đọng không bán được lại là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Khi chiếc smartphone được lắp ráp và rời dây chuyền sản xuất, đồng hồ bắt đầu tính giờ. Trong nền kinh doanh công nghệ với nhịp độ cao như hiện nay, các thiết bị tiêu dùng rất nhanh bị lỗi thời, khiến cho cơ hội bán hàng giảm đi từng ngày vì các mặt hàng mới liên tục ra mắt thị trường.
Steve Jobs từng chia sẻ: Khi quay lại Apple vào năm 1997, ông thấy hàng tồn kho đạt mức 7,7% tổng tài sản. Đó chính là khi Apple đang đứng bên bờ vực phá sản. Steve Jobs đã thuê một chuyên gia từ IBM tên là Tim Cook (đúng vậy, đó là CEO Tim Cook ngày nay) để giải quyết vấn đề. Một năm sau, vào tháng 6 năm 1998, con số này đã giảm xuống 1,7% và chưa từng vượt qua mức 0,9% trong nhiều năm qua.
Khi Motorola gặp vấn đề tương tự vào cuối năm 2008, hàng tồn kho của hãng chạm mốc 6,1%. Cùng quý đó, họ công bố mức thiệt hại kỷ lục 3,6 tỉ USD, đột ngột sa thải nhân viên với quy mô lớn, đánh dấu chấm hết cho công ty này sau 80 năm hoạt động. Tuy nhiên, hàng tồn kho nhiều không phải lúc nào cũng là dấu hiệu xấu. Với Nokia, con số này đã lên tới 14% vào năm 1995 rồi sau đó nó mở ra một thập kỷ bùng nổ doanh số bán hàng, khiến Nokia lúc bấy giờ trở thành hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Nhưng với HTC hiện nay, rất khó để nhìn thấy tiềm năng nào cho một sự tăng trưởng bùng nổ, khiến con số hàng tồn kho của hãng trở thành một dấu hiệu nguy hiểm cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh hàng dự trữ quá nhiều, công suất sản xuất thấp cũng là một vấn đề đáng lưu ý. 3 năm trước, Qualcomm đã yêu cầu các hãng sản xuất smartphone lùi việc ra mắt các sản phẩm mới vì thiếu chip cài đặt. Lúc đó, HTC đã phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu vào năm 2011 khi công ty này đang đứng đầu về lượng tiêu thụ ở thị trường Mỹ. Vì vậy, công ty này đã ký nhiều hợp đồng cung cấp dài hạn để đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý. Oái oăm thay, ghi giảm doanh thu của hãng vào tháng 6/2015 lại chính là câu trả lời cho những hợp đồng được ký vào năm 2011. Và đương nhiên, chẳng có hợp đồng nào dành cho các sản phẩm chưa hoàn thành cả.
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android