Hàng triệu mạng sống có thể được cứu bởi thiết kế “tủ lạnh mini” của một sinh viên

    Lê Tuấn Anh,  

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1,5 triệu trường hợp tử vong có thể tránh được nếu tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu được cải thiện.

    Một sinh viên 22 tuổi đã phát triển hệ thống làm lạnh di động để giữ vaccine ở nhiệt độ tối ưu trong quá trình vận chuyển. Sản phẩm này là một phần trong dự án thuộc trường Đại học Loughborough (Anh) của Will Broadway, sinh viên ngành thiết kế công nghiệp và công nghệ. Thiết kế này đã giành giải thưởng James Dyson tại Vương quốc Anh, một giải thưởng cao quý về thiết kế và công nghệ. Người chiến thắng giải James Dyson ở vòng quốc tế sẽ được công bố vào ngày 27 tháng 10.

    Được đặt tên là "Isobar", sản phẩm này có thể duy trì nhiệt độ ổn định 2-8°C lên đến 30 ngày. Điều tuyệt vời nhất là Broadway hy vọng công nghệ sẽ được phổ biến rộng rãi càng tốt bằng cách không bảo hộ sáng chế thiết kế. Trả lời BBC, anh cho biết: "Tôi không nghĩ rằng nên bảo hộ sáng chế vì sẽ hạn chế sử dụng sản phẩm. Tôi làm việc mỗi ngày cho những người có tất cả mọi thứ. Tôi muốn làm một điều gì đó cho những người nghèo. Theo quan điểm của tôi, việc có được vắc-xin là một quyền con người cơ bản."

    Thiết bị này có tiềm năng tạo ra những thay đổi thực sự trong vấn đề phân phối vắc-xin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1,5 triệu trường hợp tử vong có thể tránh được nếu tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu được cải thiện.

    Will Broadway nói về cách Isobar hoạt động

    Ý tưởng của Broadway được lấy cảm hứng từ tủ lạnh hấp thu amoniac-nước 2 pha phát minh bởi Albert Einstein vào năm 1906. Cơ chế hoạt động của Isobar như sau: khi amoniac và nước nóng lên sẽ bốc hơi, tạo ra hiệu ứng thu nhiệt và do đó làm lạnh. Hiệu quả làm lạnh sẽ tiếp tục được duy trì trong một buồng riêng biệt và có một van tự động theo dõi nhiệt độ bên trong. Bộ phận làm nóng có thể được sạc trong vòng một giờ bằng cách sử dụng điện hoặc thiết bị đốt propane trong trường hợp khẩn cấp và không nguồn cung cấp điện.

    Broadway chia sẻ: "Giải pháp này xuất hiện khi tôi cắm trại ở Mexico. Bạn bè tôi đã mang 13kg đá lạnh theo và tôi nghĩ rằng phải có một hệ thống làm lạnh tốt hơn thế này. Tôi thấy chúng tôi có 4 bếp propan và tự hỏi rằng liệu có thể tạo ra một hiệu ứng làm lạnh bằng cách sử dụng nhiệt. Tôi phát hiện ra một phát minh làm lạnh đã bị lãng quên vào năm 1929 được gọi là Icyball".

    Hiện đang có các kế hoạch trình bày ý tưởng này tới Quỹ Bill & Melinda Gates hoặc Tổ chức Y tế Thế giới để thực hiện nghiên cứu thí điểm sử dụng sản phẩm này.

    Theo IFLScience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ