Hành trình 10 năm “thay da đổi thịt” vùng sâu vùng xa bằng mô hình du lịch “lạ” của nữ CEO 8x: Đi cùng cộng đồng địa phương từ con số 0 đến lúc họ có đủ năng lực tự làm giàu
Nhiều người hỏi CEO Nguyễn Huyền Phương tại sao không làm những mô hình kinh doanh “ra tiền” hơn, đỡ thách thức hơn. Chị Phương chỉ trả lời nếu mọi người có thể giống như chị, nhìn được những giá trị được tạo ra từ sản phẩm này chắc chắn sẽ hiều vì sao chị quyết tâm và say mê với nó đến vậy.
Với chị Nguyễn Huyền Phương - CEO Tổ chức tình nguyện vì giáo dục (VEO - Volunteer for Education), xây dựng và phát triển VEO là cách chị thoát ra khỏi vùng an toàn, thử thách các khía cạnh mới mà bản thân chưa từng khám phá trước đó. Sau 10 năm, với sự góp sức của chị Phương, các co-founder và mạng lưới tình nguyện viên trên toàn quốc, VEO đã trở thành cái tên nổi bật khi nhắc đến mô hình du lịch tình nguyện (voluntourism) ở Việt Nam.
Mô hình du lịch tình nguyện mà VEO đang khai thác hướng đến kết hợp 50% thời gian dành cho du lịch trải nghiệm cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa bản sắc địa phương và 50% hoạt động là các công việc tình nguyện hỗ trợ cộng đồng. Khách du lịch cũng chính là những tình nguyện viên, mỗi chuyến đi sẽ được chia thành nhiều nhóm với nhiệm vụ riêng: từ dạy tiếng Anh, dạy kỹ năng sống cho trẻ em vùng cao, cùng người dân xây dựng homestay đến hỗ trợ hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm)…
Để phát triển mạng lưới gần 15 điểm dự án từ Bắc vào Nam như hiện nay, đội ngũ của VEO đã đến những địa điểm khó khăn và có tiềm năng du lịch nhưng người dân chưa biết cách làm hoặc gặp nhiều khó khăn để đẩy mạnh kinh tế địa phương. Theo CEO Nguyễn Huyền Phương, thuyết phục bà con dân tộc thiểu số đầu tư một khoản tiền để sửa lại nhà cửa, mua thêm vật dụng làm homestay hay tham gia cung cấp dịch vụ du lịch không quá khó vì hầu hết mọi người đều có quyết tâm thoát nghèo.
Thử thách là việc cần kiên trì xây dựng lộ trình dài hơi, “không chỉ cho con cá mà còn cho cần câu” để người dân có thể thành thục và tự kiếm tiền từ một nghề mới. Bởi dù được đào tạo kỹ càng thì bà con không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ và cả lỗi sai khi mới làm. Khi đó, VEO vẫn đóng vai trò người đồng hành cùng họ phát triển các sản phẩm du lịch và đưa khách du lịch tới cho người dân để họ tin rằng nghề này có tiềm năng và nếu làm dịch vụ tốt hơn thì thu nhập sẽ cao hơn.
Du lịch kết hợp hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của VEO
Chị Huyền Phương cho biết, sẽ phải mất ít nhất 1 năm để người dân địa phương có thể thành thục các kỹ năng cần thiết để cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch. “Điều quan trọng của du lịch cộng đồng, đặc biệt là những điểm du lịch mới, là ai sẽ sẵn sàng làm khách hàng thử nghiệm dịch vụ. VEO đã thuyết phục được những khách hàng hay tình nguyện viên của mình trở thành những khách hàng thử nghiệm này, thuyết phục rằng trải nghiệm và ý kiến phản hồi mang tính xây dựng của họ sẽ có tác động đến công việc mới của bà con ra sao.
Vậy nên những khách hàng mà VEO mang đến cho địa phương sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ đang trong quá trình thành hình, có thể chưa hoàn thiện để đưa đến những phản hồi tích cực cho người dân địa phương, xây dựng cùng địa phương những sản phẩm dịch vụ tốt hơn chứ không ‘đánh giá 1 sao’ và bỏ đi lựa chọn nơi khác ”, CEO 8x chia sẻ.
Xuất phát điểm là người làm việc trong lĩnh vực tài chính, chị Phương tự đánh giá mô hình của VEO có nhiều thách thức. Mức phí của mỗi chuyến đi không thể cao do đối tượng khách VEO hướng đến là các bạn trẻ, sinh viên chưa có điều kiện tài chính dư dả. Trong khi đó, doanh nghiệp cần gánh nhiều chi phí hơn do cần thêm nhân sự điều phối, hướng dẫn người dân địa phương.
“Ít đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành sẽ chọn mô hình như VEO, sẵn sàng hợp tác với bà con khi họ còn yếu và cần đối tác nhất. Vì VEO muốn là người đồng hành phát triển năng lực của địa phương chứ không đơn giản đến khai thác trên nền tảng dịch vụ đã tốt rồi. Có thể nói chúng tôi đang đi một con đường hơi kỳ lạ nhưng thực tế đã cho thấy đời sống của người dân tại các điểm dự án đều đi lên, khách hàng cũng hiểu giá trị mỗi chuyến đi mang lại”, chị Huyền Phương chia sẻ.
Mỗi điểm dự án có một kiểu khó khăn khác nhau nhưng nơi CEO Huyền Phương cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt nhất từ khi VEO đến chính là ngôi làng Lô Lô Chải ở tỉnh Hà Giang. Ngôi làng này sát điểm cực Bắc nơi địa đầu Tổ quốc, dưới chân cột cờ Lũng Cú nên thời điểm năm 2016 VEO đặt chân đến Lô Lô Chải, nơi đây vô cùng heo hút, điều kiện sống khó khăn và để phát triển du lịch thì đúng là vô cùng thách thức.
Lô Lô Chải cũng là điểm dự án đầu tiên mà VEO trở thành một đơn vị đầu tư homestay cùng bà con vì không nhà đầu tư nào sẵn sàng mạo hiểm đầu tư tại đây ở thời điểm đấy. Chị Phương kể lại, khi tìm hộ dân đầu tiên để đầu tư thí điểm, chị đã chọn một hộ dân gần như nghèo nhất thôn, căn nhà xập xệ nằm ở sâu cuối làng khiến ai cũng bất ngờ. Chủ nhà là bạn thanh niên tên Cáng còn rất trẻ đã phải sang Trung Quốc làm thợ nề, thợ xây dựng kiếm tiền phụ giúp gia đình.
“Tôi thuyết phục bạn Cáng là cô thuê nhà cháu làm homestay, hướng dẫn cháu cách làm du lịch, cháu đừng đi Trung Quốc nữa. Đến giờ Cáng đã trở thành một thanh niên điển hình của địa phương, khách đến homestay tên Homie nhà bạn đều rất khen ngợi. Từ một người gần như không có sự lựa chọn, Cáng đã có thể tự mình kiếm sống nhờ năng lực của bản thân, mới đây còn mở được một nhà hàng ở Lũng Cú”, chị Huyền Phương chia sẻ.
Du khách và cũng là tình nguyện viên của VEO tham gia xây dựng Homie homestay ở Lô Lô Chải, Hà Giang
Cáng là một trong rất nhiều người dân tộc tại Lô Lô Chải và cả những điểm dự án khác của VEO đã “chuyển mình” mạnh mẽ nhờ biết làm du lịch đúng cách. Đến nay, Lô Lô Chải trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng, cả làng đều muốn làm du lịch và phát triển theo con đường bền vững nên cuộc sống của bà con người dân tộc đã khác xưa rất nhiều.
Tại các điểm dự án, VEO còn thực hiện các hoạt động đào tạo phi chính thống cho trẻ em vùng cao, dạy các em học tiếng Anh và kĩ năng sống. Điều khiến chị Huyền Phương hạnh phúc là những người dân ở các bản làng coi đội ngũ của VEO như người nhà. Đến ngày có đoàn của VEO tới là bố mẹ chở con đem cặp lồng cơm đến lớp để con có thể học ở đó cả ngày. Thậm chí có địa phương không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng muốn học tiếng Anh để tự mình giao tiếp và đón khách nước ngoài.
Chị Huyền Phương cho biết những tác động tích cực của VEO đến người dân ở các điểm dự án phải sau ít nhất 1-2 năm mới có thể thấy rõ. Nhưng với những vị khách trẻ, họ có thể thay đổi góc nhìn cuộc sống chỉ sau một chuyến đi ngắn ngày. Nhiều tình nguyện viên chia sẻ rằng cảm thấy mình may mắn hơn khi được tận mắt chứng kiến điều kiện thiếu thốn của người dân trên các điểm dự án và khi trở về mong muốn đóng góp cho xã hội nhiều hơn thông qua các hoạt động cộng đồng.
“Có những bạn học sinh lớp 11, 12 trước đây không biết mình muốn trở thành ai, muốn làm gì. Nhưng sau những chuyến đi với VEO, nhìn ánh mắt lấp lánh và hành trang đi học chỉ có túi ni lông cơm của trẻ em vùng cao, nhiều bạn đã nộp đơn thi vào trường Sư phạm để trở thành cô giáo. Khách hàng nhận được giá trị vượt qua kỳ vọng là kết quả tôi tự hào nhất trong hành trình đồng hành cùng VEO”, chị Huyền Phương chia sẻ.
Hồi tưởng lại những ngày đầu mới hoạt đồng, chị Huyền Phương cho biết VEO thường xuyên nhận được câu hỏi “tại sao đi tình nguyện lại cần đóng tiền” vì mô hình này quá mới mẻ tại Việt Nam. Cơ hội xuất hiện trên Shark Tank mùa 1 là “cú hích” đưa thuật ngữ du lịch tình nguyện đến gần với công chúng, để mọi người hiểu giá trị mỗi chuyến đi VEO mang lại cho cộng đồng và cũng từ đây, đội ngũ của VEO ít nhận được thắc mắc như vậy nữa.
Với CEO 8x, VEO là mô hình kinh doanh tạo ra giá trị hữu hình và cả giá trị vô hình, không chỉ cho đội ngũ co-founder mà có thể nhìn thấy rõ từ góc độ của bà con dân tộc thiểu số làm du lịch cùng VEO và khách hàng. Đó cũng là động lực để VEO đi qua được qua 2 năm dịch Covid-19 căng thẳng và trở lại mạnh mẽ hơn.
“Nhiều người nhìn vào giá trị tài chính thôi thì sẽ hỏi tại sao không làm cái khác ra tiền hơn nhưng tôi tin rằng nếu mọi người có được trải nghiệm giống tôi thì sẽ nhận ra nhiều giá trị vô hình, và cũng sẽ “yêu” mô hình kinh doanh vì xã hội như thế”, chị Phương nói.
10 năm kể từ ngày thành lập, VEO đã đón 50.000+ khách hàng và cũng là các tình nguyện viên đến 15 điểm dự án trên khắp cả nước. Đi qua cột mốc đặc biệt này, CEO Nguyễn Huyền Phương mong muốn VEO có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hỗ trợ và trao quyền cho các bạn trẻ thực hiện nhiều hơn các hoạt động vì cộng đồng. Như vậy, giá trị tốt đẹp mà VEO hướng tới sẽ lan tỏa và luôn còn mãi.
"Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming