Hãy xem chính phủ Singapore vận hành cả đất nước thông qua một ứng dụng như thế nào
Hệ thống API liên bộ ngành đầy tham vọng này hứa hẹn sẽ cách mạng toàn bộ cách quản lý nhà nước cũng như tương tác với người dân của chính phủ Singapore.
Hãy tưởng tượng khi đang ở Singapore, nếu gặp vấn đề với thú nuôi của bạn thì bạn sẽ trình báo với ai?
Việc này sẽ còn tùy thuộc xem liệu con vật đó còn sống hay đã chết, còn hoang dã hay đã được thuần hóa, là một chú chim hay một con quạ. Những đặc tính này sẽ quyết định việc bạn phải trình báo với cơ quan chức năng nào.
Những thủ tục trình báo đầy quan liêu hiện nay khiến cho nhiều người quyết định gọi bạn bè cầu cứu chứ chẳng buồn trình báo nữa.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Singapore đã giới thiệu một ứng dụng có tên OneService, giải pháp nhanh gọn cho tất cả các vấn đề cần trình báo, từ kiểm soát động vật nuôi cho tới các bức xúc về môi trường, cây cối hay các khu công trường.
Giao diện ứng dụng OneService
Các trình báo qua ứng dụng sau đó sẽ được chuyển về đúng đơn vị, cơ quan chức năng chuyên biệt để chờ giải quyết. Tất cả các quy trình giải quyết liên tục được cập nhật qua chính ứng dụng này để người trình báo tiện theo dõi.
Nếu đơn giản như vậy thì tại sao chính phủ không thực hiện việc này từ sớm hơn?
Chan Cheow Hoe, giám đốc hệ thống thông tin của chính phủ Singapore cho biết chính phủ đã nỗ lực giải quyết vấn đề này từ 2 năm trước. Tuy nhiên, bộ máy quản lý công thực sự rất phức tạp và không như bất cứ thứ gì ông từng gặp trong suốt thời gian làm việc với các hệ thống thông tin trong ngân hàng hay thương mại trước đó.
Ông chia sẻ: “Hãy lấy ví dụ như hệ thống đăng ký giấy phép. Tại sao chúng ta không xây dựng một hệ thống đăng ký online cho tất cả các cơ quan chính phủ? Tất nhiên là có thể, nhưng bạn có biết nó phức tạp đến mức nào không? Chưa hết, chúng ta không phải chỉ có 5 hay 10 cơ quan, mà là tổng cộng 85 cơ quan chức năng khác nhau. Đưa tất cả chúng vào một hệ thống duy nhất thực sự gần như là một nhiệm vụ bất khả thi.”
Chính vì vậy mà chính phủ Singapore đã thử cách khác qua một loại cấu trúc hệ thống mới. Thay vì tạo ra một hệ thống ‘quái vật’ kết nối và xử lý yêu cầu từ hàng chục cơ quan, bộ ngành lại với nhau một cách rối rắm, họ kết nối các hệ thống tách biệt của những cơ quan này vào một “tầng tương tác” (engagement layer) mà qua đó người dân có thể truy cập vào kho dữ liệu mở của bất cứ cơ quan nào.
Sơ đồ hệ thống API liên bộ ngành của chính phủ Singapore (Các mũi tên biểu thị cho các luồng thông tin, dữ liệu được chuyển giao qua lại trong hệ thống)
Kết quả là các cơ sở dữ liệu vẫn sẽ được lưu trữ tách bạch tại máy chủ từng cơ quan nhưng có thể chuyển giao qua lại giữa tầng tương tác này với các cơ quan khác trong chính phủ cũng như với người dân.
Phương án này thực sự như một mũi tên trúng hai đích: người dùng có thể tương tác với giao diện gọn gàng bên ngoài, còn các cơ quan thì không còn gặp khó khăn trong việc đồng bộ và chuyển giao dữ liệu với nhau nữa.
Chan gọi ý tưởng nằm sau tất cả những điều này là một “API liên bộ ngành” trong chính phủ (muốn biết thêm về API xin hãy đọc qua bài viết này - BBT). Hãy hình dung nó như một hệ thống đường ống giúp chuyển giao dữ liệu một cách thông suốt và dễ dàng không chỉ giữa các cơ quan chính phủ mà còn giữa chính phủ với người dân.
Yếu tố then chốt của API chính phủ này là “cổng kết nối API”, hệ thống bảo vệ và quản lý toàn bộ các luồng dữ liệu được chuyển giao qua lại trong hệ thống.
Với cổng kết nối này, chính phủ có thể chặn các đường gọi API hay các ứng dụng rác muốn thâm nhập đánh cắp dữ liệu cũng như kiểm tra lại các hoạt động kiểm toán một cách dễ dàng. Hệ thống thậm chí còn có một bảng điều khiển cho phép người quản lý có thể truy cập vào những dữ liệu nhạy cảm nhất.
Hệ thống mới này có 2 cổng kết nối API: một cổng riêng tư (Private API gateway) cho việc trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan, ban ngành của chính phủ và một cổng mở (Public API gateway) để quản lý các dữ liệu trên cổng thông tin chính phủ mà người dân có thể truy cập (tại địa chỉ data.gov.sg). Hai cổng kết nối này tách bạch riêng rẽ và không giao tiếp với nhau.
Ngoài OneService, một số ứng dụng online khác của chính phủ cũng được xây dựng và sử dụng API liên bộ ngành này, trong số đó có thể kể đến MyInfo, ứng dụng lưu trữ tất cả các thông tin cá nhân của người dùng để họ thể sử dụng chúng nhanh chóng cho các dịch vụ công khác mà không cần phải nhập lại hay Business Grant Portal, cổng thông tin cho phép các doanh nghiệp tìm kiếm và ứng tuyển xin các gói hỗ trợ từ 10 cơ quan, ban ngành khác nhau.
Những dịch vụ công online như thế này sẽ được xây dựng trên một nền tảng điện toán đám mây (Platform as a service - PaaS) có sẵn một cách nhanh chóng chứ không còn phải xây dựng lại các hệ thống mới từ đầu nữa.
Cổng thông tin Data.gov.sg mới của chính phủ Singapore sẽ được nâng cấp ra sao?
Giao diện cổng thông tin Data.gov.sg
Chính phủ Singapore đã hết sức nỗ lực nâng cấp cổng thông tin Data.gov.sg giúp người dân truy cập dữ liệu từ tất cả các bộ ngành một cách nhanh chóng.
Trước đây, cổng thông tin này rất rối rắm và nhiều lỗi với hơn 11.000 loại dữ liệu khác nhau nhưng chúng chủ yếu là các file PDF và bảng biểu Excel mà người dân phải tải xuống mới xem được, càng khó khăn hơn nếu muốn xem trên smartphone. Bên cạnh đó, chính vì các dữ liệu chỉ được lưu giữ trên Data.gov.sg, không đồng bộ tức thời với tất cả các cơ quan nên rất nhiều khi các thông tin trên trang bị lỗi thời khi các cơ quan “quên” cập nhật lên đây.
Phiên bản cổng thông tin mới lần này thực sự là một bước tiến mới trong lĩnh vực dữ liệu mở. Trong số hơn 11.000 loại dữ liệu khác nhau trên Data.gov.sg, đã có hơn 500 loại được ‘dọn dẹp’ và cập nhật lên cổng thông tin mới. Mối quan tâm hàng đầu của những người quản lý cổng thông tin này hiện giờ là chất lượng của nó cũng như khả năng cho phép người dùng dễ dàng truy cập và trích xuất dữ liệu qua API. Càng có nhiều luồng dữ liệu thì sẽ càng có nhiều API được thêm vào.
Các cơ quan chính phủ nay đã có thể đồng bộ và thông suốt dữ liệu của họ qua hệ thống Data.gov.sg, trong khi các nhà phát triển có thể truy cập vào các tài liệu hướng dẫn cách trích xuất dữ liệu.
Điều kiện phát triển
Hệ thống thông tin mới này mới chỉ đang trong giai đoạn trứng nước và có lẽ cần thêm nhiều tháng, thậm chí vài năm nữa Singapore mới thực sự được tận hưởng quả ngọt từ nó. Đó cũng là khoảng thời gian để các nhà phát triển đưa ra thêm các nâng cấp cho hệ thống.
Những nâng cấp này có thể kể đến việc liên kết và đồng bộ sâu hơn các dịch vụ với nhau. Ví dụ như SingPass, hệ thống đăng nhập cho người dân truy cập vào hàng loạt các dịch vụ chính phủ điện tử nên được đồng bộ vào MyInfo, ứng dụng lưu giữ các thông tin chi tiết về từng cá nhân đề cập ở trên. Một phương án khác là cho phép người dùng đăng nhập bằng Facebook hoặc Google để họ có thể chuyển hết thông tin cá nhân sang một cách nhanh chóng hơn.
Ông Chan cũng cho hy vọng rằng Data.gov.sg có thể khởi đầu làn sóng ứng dụng API vào nhiều việc khác nữa bởi các kho dữ liệu mở có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, khi mà mức độ truy cập vào các kho dữ liệu chính phủ của các doanh nghiệp hiện nay vẫn tương đối thấp, ngay cả khi các kênh truyền thông online và phần mềm, ứng dụng đã và đang sử dụng các dữ liệu này trên các sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, cũng cần một thời gian nhất định để tất cả mọi người ý thức và tận dụng hết được hệ thống này.
Cũng theo từ chia sẻ từ ông Chan, nếu như trước đây, việc đưa ra quyết định về giao diện website hay tất cả các tính năng khác trên một cổng thông tin dạng này đều do một người lãnh đạo quyết định thì nay người dùng mới là đối tượng trung tâm của các sản phẩm, và bất cứ sản phẩm nào cũng cần thay đổi, nâng cấp để đáp ứng đúng nhu cầu, lợi ích của người dùng.
Một lời khuyên cho các nhà phát triển, các công ty hiện nay là bạn phải bắt đầu mọi thứ từ người dùng, từ những vấn đề của họ và cách giải quyết chúng bằng công nghệ và dữ liệu. Quá trình này cũng yêu cầu một sự thay đổi lớn về nhận thức.
Tham khảo Tech In Asia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"