Hệ Mặt trời vừa có 3 cư dân mới, chờ được đặt tên

    Huỳnh Dũng,  

    Liên minh Thiên văn Quốc tế đã xác nhận sự tồn tại của 3 mặt trăng vệ tinh hiện chưa được đặt tên – một quay quanh Sao Thiên Vương và hai quay quanh Sao Hải Vương.

    Thực ra, ba mặt trăng vệ tinh đều được phát hiện cách đây vài năm, nhưng mới đây chúng mới được xác nhận bởi Trung tâm hành tinh nhỏ thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) - tổ chức chuyên chịu trách nhiệm đặt tên cho các vật thể mới của Hệ Mặt trời như mặt trăng, tiểu hành tinh và sao chổi. Bộ ba mặt trăng mới đã được đặt tên tạm thời bằng chữ cái + số, nhưng chúng sẽ có những cái tên chính thức lấy cảm hứng từ văn học và thần thoại trong những năm tới.

    Hệ Mặt trời vừa có 3 cư dân mới, chờ được đặt tên- Ảnh 1.

    3 mặt trăng vệ tinh mới được phát hiện xung quanh Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. (Ảnh: NASA/ Britannica)

    Mặt trăng vệ tinh mới của Sao Thiên Vương , ký hiệu là S/2023 U1, chỉ có bề ngang khoảng 8 km, khiến nó trở thành một trong những mặt trăng vệ tinh nhỏ nhất được biết đến tồn tại xung quanh bất kỳ hành tinh nào trong số tám hành tinh trong Hệ Mặt trời. Mặt trăng vệ tinh nhỏ này mất khoảng 680 ngày để hoàn thành quỹ đạo quay quanh Sao Thiên Vương, nâng tổng số mặt trăng của hành tinh này lên 28.

    Giống như các mặt trăng vệ tinh khác của Sao Thiên Vương, S/2023 U1 cuối cùng sẽ được đặt theo tên của một nhân vật trong vở kịch của William Shakespeare, thuận với những cái tên tương tự của các mặt trăng được phát hiện trước đó như Titania, Oberon và Puck.

    Còn hai mặt trăng vệ tinh mới của Sao Hải Vương, S/2002 N5 và S/2021 N1, lần lượt có chiều rộng khoảng 23 km và 14 km. S/2021 N1 mất khoảng 9 năm để quay quanh Sao Hải Vương, trong khi S/2002 N5 mất gần 27 năm để quay quanh hành tinh xa Mặt trời nhất.

    Sao Hải Vương hiện có 16 mặt trăng vệ tinh đã biết, và giống như các mặt trăng khác của hành tinh này, 2 thiên thể mới được công nhận sẽ được đặt theo tên của trong số 50 nữ thần biển Nereid trong thần thoại Hy Lạp.

    Scott Sheppard, nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington DC, người tham gia vào cả ba khám phá này, cho biết: “Ba mặt trăng vệ tinh mới được phát hiện là những mặt trăng mờ nhất từng được tìm thấy xung quanh hai hành tinh băng khổng lồ bằng kính viễn vọng trên mặt đất. Vì thế, phải cần đến quá trình xử lý hình ảnh đặc biệt mới có thể làm lộ ra những vật thể mờ nhạt như vậy”. Các chuyên gia thiên văn khác thì nhận định, khám phá này cũng đặt ra câu hỏi liệu còn có bao nhiêu mặt trăng vệ tinh tương tự khác có thể đang chờ được khám phá ở vùng ngoài Hệ Mặt trời.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ