Hết “đất” để cầy xới, các hãng smartphone Trung Quốc đua nhau sang thị trường Châu Âu để lập nghiệp

    Thiên Long,  

    Khi thị trường nội địa ngày càng đông đúc và không còn dinh dưỡng để nuôi sống, các hãng smartphone Trung Quốc đang táo bạo chuyển hướng sang thị trường Châu Âu như một cách để tồn tại và phát triển.

    Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vốn bó hẹp tại thị trường nội địa bấy lâu nay đang dần chuyển hướng sang nhiều thị trường khác do nhận thấy tiềm năng khai thác và do sự cạnh tranh gay gắt tại quê nhà.

    Hết “đất” để cầy xới, các hãng smartphone Trung Quốc đua nhau sang thị trường Châu Âu để lập nghiệp - Ảnh 1.

    Theo nhà phân tích Roberta Cozza từ hãng Gartner, thị trường Trung Quốc sắp đạt tới điểm bão hòa. Do đó việc cố gắng níu giữ thị phần và chiến đấu tại đây không hẳn là một chiến lược thông minh.

    Một trong những thị trường được các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc hướng tới trong thời điểm này là Tây Âu. Các hãng như Xiaomi hay Huawei đem tới cho người dùng sự lựa chọn hấp dẫn với cấu hình cao và mức giá rẻ.

    Các mẫu smartphone cao cấp từ các hãng Trung Quốc thường có mức giá thấp hơn phân nửa so với các đối thủ như Mỹ và Hàn Quốc. Không chỉ có mức giá rẻ hơn, điều được người tiêu dùng tại thị trường Tây Âu đánh giá cao ở các sản phẩm đến từ Trung Quốc là khả năng nắm bắt xu hướng nhanh nhạy. Sản phẩm không chỉ rẻ mà còn đẹp, tiện dụng và thời thượng.

    Việc vươn ra biển lớn của các công ty Trung Quốc là cần thiết. Đó là cách để các công ty này “trưởng thành” hơn trong cuộc chiến smartphone toàn cầu.

    Khi thoát khỏi Trung Quốc, họ sẽ phải học cách đối chọi với Apple, Samsung tại những thị trường mà họ hầu như không có kinh nghiệm tiếp cận.

    Sớm hiểu được điều này, Huawei là một trong những ông lớn Trung Quốc đầu tiên liều lĩnh khai phá thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ. Từ những kinh nghiệm chinh chiến tại phương Tây, kết hợp với chiến lược thông minh, Huawei đã nhanh chóng có trong tay tới 3/4 thị phần tại Tây Âu tính tới nay.

    Những thị trường Tây Âu mà Xiaomi, OnePlus hay Huawei hướng tới hiện nay là Tây Ban Nha, Ý và Pháp, sau đó sẽ dần mở rộng ra tất cả Châu Âu.

    Học theo Huawei, Xiaomi hay OnePlus hãy cứ chậm rãi bước đi thôi

    Kể từ những ngày đầu chập chững bước vào thị trường Châu Âu cách đây vài năm, Huawei không nghĩ, các sản phẩm của hãng lại được đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Từng có lúc, Huawei đã lọt vào top 3 các nhà sản xuất smartphone lớn tại Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Thụy Sỹ,…

    Thành công của Huawei tại thị trường phương Tây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, chiến lược tiếp cận bằng các sản phẩm tầm trung của hãng đã thành công. Khi thương hiệu Huawei ngày càng được biết đến nhiều hơn, đồng thời khẳng định được danh tiếng là một trong ba nhà sản xuất smartphone lớn nhất, hãng càng có lợi thế để “đào sâu” hơn tiềm tăng từ các thị trường như Châu Âu.

    Hết “đất” để cầy xới, các hãng smartphone Trung Quốc đua nhau sang thị trường Châu Âu để lập nghiệp - Ảnh 2.

    Còn với Xiaomi hay OnePlus, hai start-up có tiếng của Trung Quốc và hiện đang cho thấy những thành công bước đầu sau nhiều năm khởi nghiệp. Thành lập hồi năm 2010 tới nay, Xiaomi đã có lúc đứng tới vị trí thứ 4 thế giới, chỉ sau Huawei.

    Trong khi đó với OnePlus, start-up này hiện cũng đang nắm giữ hơn 1/2 thị phần tại thị trường Ấn Độ. Đó chính là những điều kiện cơ bản và tốt nhất mà các hãng smartphone Trung Quốc mới chập chững xuất ngoại có thể lấy đó làm sự tự tin.

    Chưa kể, các thị trường như Châu Âu vốn nổi tiếng có độ cởi mở cao hơn rất nhiều so với Mỹ. Họ sẵn sàng thay đổi quan niệm về các sản phẩm smartphone Trung Quốc miễn là nó đem lại sự tiện dụng và mức giá phải chăng.

    Chia sẻ với tờ AFP, Judy Grayland, chủ sở hữu của chiếc Redmi 4X cho biết: “Tôi đã mua nhiều điện thoại đắt tiền hơn thế và thấy rằng, đáng lẽ ra mình chẳng cần chi nhiều tiền đến vậy cho một chiếc điện thoại. Tôi thực sự hài lòng với chiếc Redmi 4X. Nó dùng khá tốt mà lại đẹp nữa”.

    Hết “đất” để cầy xới, các hãng smartphone Trung Quốc đua nhau sang thị trường Châu Âu để lập nghiệp - Ảnh 3.

    Xiaomi Mi Mix 2s

    Mới đây, Xiaomi đã chính thức mở cửa hàng Mi Store đầu tiên tại Pháp và Ý. Động thái mới nhất có thể coi là cách Xiaomi tiếp cận và thăm dò thị hiếu của người Châu Âu trước khi có những bước đi quyết liệt hơn. Chiến lược này tỏ ra khá giống với Huawei trước đây, đó là chậm mà chắc.

    Phó chủ tịch Xiaomi Xiang Wang chia sẻ: “Chúng ta phải đi từng bước một. Xiaomi đã có mặt tại Tây Ban Nha, Ý và chúng tôi đang tìm hiểu dần các thị trường Châu Âu khác”.

    Thông qua việc mở rộng tầm ảnh hưởng tới Châu Âu, Xiaomi cũng muốn tái khẳng định rằng “không phải cứ giá thấp là đồng nghĩa với chất lượng thấp”.

    Hay như với OnePlus 5T, chiếc smartphone được người dùng ở Châu Âu đánh giá cao nhờ chất lượng hoàn thiện tốt, cấu hình cao và giá bán hấp dẫn. Tuy nhiên, những bước đi hiện tại của OnePlus mới chỉ thông qua các đối tác bán lẻ ở Châu Âu.

    Kể cả vào được Châu Âu, Xiaomi hay OnePlus vẫn phải cố gắng nhiều hơn

    Nhà phân tích Dexter Thillien đến từ hãng BMI Research nhận định, lợi thế của thị trường Châu Âu là mức độ chịu chi với số tiền cao hơn Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao các hãng sản xuất Trung Quốc lại để ý tới thị trường này.

    Hết “đất” để cầy xới, các hãng smartphone Trung Quốc đua nhau sang thị trường Châu Âu để lập nghiệp - Ảnh 4.

    Nhưng ngay cả khi bon chen được vào Tây Âu, Xiaomi hay OnePlus sẽ phải cố gắng nhiều hơn bởi các đối thủ cạnh tranh không chỉ có Samsung hay Apple, mà còn có rất nhiều các hãng tên tuổi khác như Sony, LG, Nokia hay Motorola,…

    Tuy nhiên Thillien cho rằng, các hãng sản xuất như OnePlus hay Xiaomi hoàn toàn có thể áp dụng chiêu bài smartphone cao cấp với mức giá hấp dẫn nhất để thu hút khách hàng Châu Âu. Ngay cả khi thương hiệu của họ chưa đủ mạnh để khiến người tiêu dùng chú ý đến nhưng nếu họ có một sản phẩm cao cấp, sở hữu mức giá phải chăng, họ sẽ có cơ hội để cạnh tranh “sòng phẳng” hơn ngay cả với các ông lớn như Apple hay Samsung.

    Thillien đặc biệt nhấm mạnh sự tương đồng giữa người tiêu dùng Châu Âu và các nền kinh tế mới nổi, đó là ưu tiên các sản phẩm có cấu hình cao cấp và mức giá hấp dẫn. Và cần phải nhắc lại rằng, ưu điểm nổi bật hơn cả của thị trường Châu Âu chính là sự cởi mở và dễ dàng tiếp cận hơn so với thị trường Mỹ.

    Tham khảo Malaymail

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ