Hết nhận dạng khuôn mặt gà, Trung Quốc lại tạo ứng dụng nhận dạng khuôn mặt gấu trúc
Ứng dụng sẽ trích dữ liệu từ hơn 120.000 bức ảnh và 10.000 video về loài gấu trúc khổng lồ để phục vụ việc nhận dạng.
Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc khổng lồ Trung Quốc vừa phát triển một ứng dụng có thể nhận dạng những chú gấu trúc thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Ứng dụng sẽ trích dữ liệu từ hơn 120.000 bức ảnh và 10.000 video về loài gấu trúc khổng lồ để phục vụ việc nhận dạng.
Theo một cuộc điều tra tiến hành vào năm 2014 bởi chính phủ Trung Quốc, chỉ còn dưới 2.000 chú gấu trúc đang sống trong tự nhiên, và chúng xuất hiện ở 3 tỉnh miền tây Trung Quốc. Quốc gia này đã và đang đóng vai trò chủ động trong các nỗ lực bảo tồn loài vật này. Năm ngoái, Trung Quốc công bố sẽ xây dựng một khu bảo tồn gấu trúc rộng 10.476 dặm vuông mang tên "Công viên quốc gia Gấu trúc khổng lồ" với kinh phí ít nhất 1,45 tỷ USD.
Được biết, nhận dạng từng cá thể động vật sẽ giúp các nhà bảo tồn theo dõi có bao nhiêu con gấu trúc còn sót lại, và để tìm hiểu xem liệu những nỗ lực khuyến khích gây giống của họ có thành công hay không. Chen Peng, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc khổng lồ Trung Quốc, cho biết: "Ứng dụng và cơ sở dữ liệu sẽ giúp chúng tôi thu thập thêm nhiều dữ liệu quý giá và toàn diện về dân số, phân bố, độ tuổi, tỉ lệ giới tính, số sinh và tử của loài gấu trúc hoang dã, vốn sống sâu trong những dãy núi và rất khó để theo dõi".
Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ nhận dạng khuôn mặt được ứng dụng lên các loài động vật. Các công ty Mỹ và Italia từng phát triển các phần mềm có thể ghép khớp hình ảnh của những con thú cưng bị thất lạc với những con đang ở trong trại cứu hộ thú cưng, hoặc phân biệt giữa những con mèo tương tự nhau. Nhưng vấn đề này lại khá nhạy cảm ở Trung Quốc, quốc gia đi đầu thế giới về nhận dạng khuôn mặt, nơi chính phủ từng sử dụng công nghệ này để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và giám sát những người dân của chính quốc gia mình.
Tham khảo: Quartz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"