Nhiều người bán hàng trên trang thương mại điện tử (TMĐT) lo “sốt vó” vì tự nhẩm tính số tiền thuế phải nộp lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, ngành thuế thu thập thông tin của 53.000 người bán hàng do 248 sàn TMĐT cung cấp. Cơ quan thuế nhận định, số giao dịch và giá trị tự kê khai chưa sát thực tế và sẽ tiếp tục có biện pháp kiểm soát thuế.
Người bán hàng “tá hoả”
Chi cục thuế các địa phương đã gửi thư mời tới người bán hàng về việc kê khai thuế do hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT. Nhiều người bán hàng lâu nay không khỏi “tá hoả” lo nộp thuế. Chị Nguyễn Vân (TPHCM) bán hàng trên sàn TMĐT Shopee cho biết, học xong cấp 3, chị đi làm công nhân một thời gian, tích cóp được số tiền làm vốn, chị Vân mua hàng về mở shop (gian hàng-PV) bán trên Shopee.
“Bán hàng trên Shopee rất khỏe, như thả cần câu cá, có cá câu lên, không có thì thôi. Chính vì tâm lý mở shop, có khách có lãi, không có khách cũng không mất gì nên tôi chọn mở gian hàng ở đây”, chị Vân nói.
Theo chị Vân, do hàng có giá trị cao nên mỗi sản phẩm giá thấp nhất cũng 400.000, doanh thu của shop lớn. Chị Vân nhẩm tính, nếu bị truy thu thuế từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền thuế chị phải nộp lên đến 345 triệu đồng, chưa kể tiền phạt.
“Trong 4 năm buôn bán, tôi để dành được 150 triệu đồng tiền lãi, không đủ nộp thuế và nộp phạt. Trước đó, tôi nộp khoản khoản phí 7% tổng trị giá đơn hàng cho sàn TMĐT nên cứ nghĩ khoản đó đã gồm tiền thuế. Sau khi đọc thông tin, cơ quan thuế truy thu, nếu ai không nộp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù, tôi mất ăn mất ngủ”, chị Vân nói.
Thậm chí, nhiều người bán hàng trên sàn thương mại điện tử đứng trước nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” khi tự đăng đơn ảo để tăng lượt tương tác. Anh Lê Đức (Hà Nội) chia sẻ, để cạnh tranh hút khách và nhận đánh giá shop nhiều sao, anh Đức từng tạo đơn ảo (tức anh tự đặt hàng, giao hàng cho mình và người thân-PV), hạ giá thấp nhất để tăng tương tác, tăng xếp hạng shop trên sàn.
“Người bán hàng trên sàn TMĐT thời gian đầu mới lập shop đều dùng cách đặt đơn ảo, hạ giá sập sàn để cạnh tranh, lấy đánh giá shop được yêu thích nên doanh thu không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, lợi nhuận thấp. Ví dụ, một số shop mỹ phẩm, quần áo chấp nhận bán rẻ hơn cửa hàng tới 40-50% để “hút khách”, bỏ ngắn nuôi dài, chịu lỗ để xây shop mạnh rồi tăng giá sau. Vì vậy, khi cơ quan thuế căn cứ trên doanh thu yêu cầu nộp thuế, người bán hàng như chúng tôi méo mặt”, anh Đức nói.
Chị Lã Oanh (ở Bình Dương) chia sẻ, sau khi cơ quan thuế yêu cầu, chị đã nộp 223 triệu đồng tiền thuế cho shop trên sàn Shopee và tiền phạt bằng 1,5 lần tiền thuế; Tổng số tiền nộp hơn 500 triệu đồng. Theo chị Oanh, cơ quan thuế thông báo yêu cầu nộp (thuế), người bán hàng không thực hiện, hồ sơ sẽ bị gửi sang cơ quan công an và khoá shop trên sàn TMĐT.
Được biết, sau hơn 2 tháng vận hành Cổng Thông tin TMĐT, đã có 258 sàn TMĐT cung cấp thông tin cho Tổng cục Thuế. Trong đó, có nhiều sàn lớn như Shopee, Lazada, Sendo... Đến cuối quý 4/2022, dữ liệu của Cổng Thông tin TMĐT cho thấy, có 14.875 tổ chức trong nước và 8 tổ chức nước ngoài đăng ký bán hàng trên sàn. Có 53.208 cá nhân trong nước đăng ký bán hàng; Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng trị giá khoảng 4.500 tỷ đồng.
Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí môn bài. Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng là 1,5% tính trên doanh thu (gồm 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân).
Tiếp tục rà soát, truy thu
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết, đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế cho thấy, thông tin về giao dịch và giá trị hàng hoá giao dịch chưa tương xứng với thực tế. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai nghiệp vụ quản lý thuế tại địa bàn đến từng tổ chức, cá nhân có liên quan, phục vụ công tác quản lý thuế.
“Trên cơ sở thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh do sàn TMĐT cung cấp, cơ quan thuế sẽ khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh. Từ đó, rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin.
Theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2023, ngành Thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, tập trung vận hành hiệu quả Cổng thông tin TMĐT kết nối với sàn TMĐT và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh khai, nộp thuế.
Để tăng cường chống thất thu thuế TMĐT, Cục Thuế TPHCM kiểm tra nhiều doanh nghiệp. Trong đó có 2 doanh nghiệp đối tác của Google, truy thu, phạt tiền nộp chậm hơn 26 tỷ đồng. Đơn vị này cũng kiểm tra 2 doanh nghiệp trung gian thanh toán, truy thu phạt hơn 9 tỷ đồng, giảm lỗ gần 194 tỷ đồng.
“Cục Thuế TPHCM đề nghị Tổng cục Thuế có văn bản gửi các ngân hàng thương mại cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân của tổ chức, cá nhân nhận thu nhập phát sinh từ TMĐT. Từ đó, chuyển cho cục thuế địa phương xử lý”, Cục Thuế TPHCM kiến nghị.
Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, năm 2023 sẽ tập trung hiện đại hóa công tác thu, nộp, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cổng thông tin TMĐT. Trong đó, thu thuế TMĐT sẽ được rà soát, kiểm tra theo chuyên đề.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming