Hiệu ứng người ngoài cuộc: Tại sao con người chỉ thích quay phim để đăng lên MXH chứ không hề giúp đỡ?
Quay phim và đăng tải lên mạng xã hội là một cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực cho người chứng kiến.
Tháng trước, trên Twitter tại Mỹ có một đoạn video ngắn được lan truyền rất mạnh. Nó quay lại cảnh một người đàn ông lớn tuổi đang vật lộn trong làn nước chảy xiết, dưới ga tàu điện ngầm New York. Suýt chút nữa, ông ấy đã bị cuốn vào gầm toa tàu đang chạy.
Những giây cuối cùng của video, chúng ta thấy người đàn ông quỳ gối nhìn thẳng vào camera như thể buộc tội: Tại sao không xuống giúp tôi mà lại đứng đó quay phim?
Hàng trăm người xem đoạn video trên Twitter cũng đã bình luận với những câu hỏi tương tự: "Sao không bỏ điện thoại xuống mà giúp ông ấy đi?", "Chúng ta bây giờ chỉ giỏi quay phim, chứ chẳng bao giờ giúp đỡ khi có thể".
Không khó để nhận ra, đó chính là những bản cáo trạng quen thuộc mà mọi người vẫn thấy trong thời đại truyền thông xã hội: Chúng ta có xu hướng quay lại các video để câu like trên mạng, hơn là làm một việc tốt ngoài đời thực?
Một người đàn ông lớn tuổi bị nước cuốn trong gà tàu điện ngầm New York
Hiệu ứng người ngoài cuộc
Năm 1968, hai nhà tâm lý học xã hội người Mỹ John Darley và Bibb Latane đã nghiên cứu để đưa ra một thuật ngữ mô tả hiện tượng những đám đông đứng nhìn mà không giúp đỡ người bị nạn.
Họ gọi đó là "Bystanders Effect", hay hiệu ứng người ngoài cuộc. Theo nghiên cứu của Darley và Latane, khi một tình huống khẩn cấp xảy ra, những người quan sát nhiều khả năng sẽ hành động khi chỉ có ít hoặc không có nhân chứng nào ở đó.
Ngược lại, càng có nhiều người cùng nhau quan sát tình huống, cơ hội có một người đứng ra giúp đỡ càng ít lại. Giả thuyết giải thích: Khi đứng trong một đám đông, mọi người sẽ coi bản thân mình là một phần của đám đông đó chứ không phải người có trách nhiệm với sự việc. Kết quả là không ai đứng ra chịu trách nhiệm hành động.
Một trong những ví dụ điển hình nhất được dẫn chứng cho hiệu ứng người ngoài cuộc là vụ án Kitty Genovese, một người phụ nữ 28 tuổi ở New York bị theo dõi, tấn công tình dục và giết chết bên ngoài tòa nhà chung cư của cô ấy vào năm 1964.
Vụ án được cho là xảy ra dưới sự chứng kiến của tổng cộng 38 nhân chứng, theo một bài báo đăng trên New York Times. Không ai trong số họ can thiệp để giúp đỡ nạn nhân, thậm chí không ai gọi cảnh sát.
Bài báo đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong công chúng, chính nó cũng thôi thúc Darley và Latane thực hiện nghiên cứu của mình. Nhưng sự thật là gì? New York Times đã thổi phồng sự việc.
Các nhà nghiên cứu cho thấy vụ án thực tế không có tới 38 nhân chứng, một số nhiều nhân chứng cũng chỉ nghe thấy tiếng Genovese hét lên, mà không biết đó là tiếng kêu cứu. Tên sát nhân đã kéo cô ấy vào một góc khuất, sau đó không ai có thể nhìn thấy Genovese nữa.
Quan trọng nhất, không phải tất cả các nhân chứng đều bàng quang đứng nhìn. Hai nhân chứng đã gọi cảnh sát, một người đàn ông lần theo dấu vết của tên sát nhân, chỉ tiếc là anh ta không kịp cứu Genovese hay ít nhất là can thiệp hoặc làm điều gì đó. Cuối cùng, có một người phụ nữ đã đỡ Genovese và ở bên cô ấy trong những giây phút cuối đời.
Hiệu ứng người ngoài cuộc
Vậy là thực tế, đã có những nhân chứng trông thấy vụ tấn công Genovese và lựa chọn không làm gì cả. Nhưng cũng đã có những người hành động để giúp đỡ. Đó không phải lời biện minh cho hiệu ứng người ngoài cuộc không xảy ra ở đây.
Những khi chúng ta phân tích kỹ sẽ thấy được sự phức tạp của vấn đề.
Một nghiên cứu đánh giá tổng hợp năm 2011, nghiên cứu lớn và đẩy đủ nhất về hiệu ứng người ngoài cuộc cho thấy: Trong một tình huống khẩn cấp có tính rõ ràng - chẳng hạn như khi một người phụ nữ bị cướp ngã ra đất và khóc - mọi người có xu hướng hành động ngay cả khi đã có rất nhiều nhân chứng.
Trong hầu hết các tình huống, đàn ông có nhiều khả năng giúp đỡ hơn phụ nữ, chủ yếu là nhờ sự tự tin về mặt thể chất của họ sẽ tạo ra sự khác biệt. Mọi người sẽ hành động khi thủ phạm vẫn còn ở hiện trường so với khi hắn đã trốn thoát, và người quen thì có xu hướng giúp đỡ nhiều hơn người lạ.
Các tác giả trong nghiên cứu kết luận: Mặc dù hiệu ứng người ngoài cuộc có xảy ra, nhưng nó không lớn như những gì chúng ta tưởng tượng. Trong một tình huống nguy cấp, chắc chắn mọi người vẫn có cơ hội được giúp đỡ ngay cả khi xung quanh họ là một đám đông hiếu kỳ.
Và mọi chuyện sẽ còn trở nên thú vị hơn nữa, khi tình huống đó xuất hiện thêm những ống kính máy ảnh.
Những chiếc camera nhắc nhở ý thức trách nhiệm
Linus Andersson là một giảng viên truyền thông đa phương tiện tại Đại học Halmstad ở Thụy Điển. Trong một nghiên cứu thực hiện cùng người đồng nghiệp Ebba Sundin của mình, anh đã cố gắng tìm hiểu lý do thực sự đằng sau lựa chọn quay phim thay vì giúp đỡ người bị nạn.
Mặc dù chưa thể đưa ra một câu trả lời cuối cùng, Andersson đã có một số giả thuyết giải thích hiện tượng đó.
"Quay phim dường như là một phương tiện giúp nắm bắt được sự kiện ngay lập tức", anh nói. "Nó mang lại cho bạn cảm giác đã làm việc gì đó - thay vì chỉ bị động".
"Quay phim nghĩa là bạn đã trở thành một nhân chứng tích cực", Andersson giải thích thêm. Nó cho mọi người một cái cớ khi họ cảm thấy không thể, hoặc không muốn giúp đỡ.
Quay phim cho mọi người một cái cớ khi họ cảm thấy không thể, hoặc không muốn giúp đỡ.
Trong khi chưa có nhiều nghiên cứu giải thích lý do tại sao mọi người cảm thấy bị thôi thúc phải rút điện thoại ra quay phim lại tình huống họ chứng kiến, có một số nghiên cứu lại cho thấy mọi người có nhiều khả năng sẽ giúp đỡ khi sự việc được quay phim lại.
Marco van Bommel, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Mở ở Hà Lan, đã tiến hành nghiên cứu sự hiện diện của camera ảnh hưởng thế nào đến hiệu ứng người ngoài cuộc.
Trong một nghiên cứu từ năm 2013, ông và các nghiên cứu viên của mình đã tạo ra hai tình huống. Trong tình huống thứ nhất, một người lấy trộm tiền của một người khác, dưới sự chứng kiến của một số nhân chứng. Tình huống còn lại diễn ra giống như vậy, chỉ khác là nó xảy ra ở nơi có camera an ninh.
Kết quả cho thấy sự xuất hiện của camera đã khiến cho các nhân chứng giúp đỡ nhiều hơn.
Van Bommel cũng đã tiến hành một nghiên cứu tương tự khảo sát sự sẵn sàng giúp đỡ của mọi người trên môi trường trực tuyến. Trong đó, các tình nguyện viên cùng tham gia vào một diễn đàn và được yêu cầu giúp làm một bảng khảo sát online.
Một lần nữa, kết quả chỉ ra những người có tên tài khoản được nhóm nghiên cứu cố tình làm nổi bật hơn, và những người bật webcam (hai yếu tố khiến họ có cảm giác bị theo dõi hoặc quan sát bởi người khác) là những người làm khảo sát nhiều hơn.
Một nghiên cứu gần đây tiếp tục ủng hộ những phát hiện của van Bommel. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các cảnh quay từ camera an ninh trong 219 tình huống bạo lực ở Hoa Kỳ, Hà Lan và Nam Phi. Họ thấy rằng tới 90% trường hợp, ít nhất một người đã cố gắng can thiệp.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong nghiên cứu này, đó là khi càng có nhiều nhân chứng góp mặt trong sự kiện, cơ hội có một người đứng ra giúp đỡ càng lớn. Đó là một mâu thuẫn trực tiếp với lý thuyết cũ về hiệu ứng người ngoài cuộc cho rằng mọi người ít có khả năng giúp đỡ khi họ ở trong đám đông.
Hiệu ứng người ngoài cuộc: Tại sao mọi người chỉ quay phim chứ không giúp đỡ?
Van Bommel và các nhà nghiên cứu của mình suy đoán rằng, nhìn chung, mọi người sẽ giúp đỡ nhiều hơn trong các tình huống mà họ cảm thấy như đang bị theo dõi. "Đôi khi có một cái gì đó trong môi trường trực tiếp giúp họ cảm thấy có trách nhiệm trở lại", anh nói.
Những yếu tố này được Van Bommel và các chuyên gia gọi chung là "tín hiệu trách nhiệm", bao gồm: sự hiện diện của camera, gương, bảng tên hay bất kỳ điều kiện nào khác khiến một người cảm thấy bị theo dõi hoặc nhắc nhở về quyền lực và trách nhiệm của mình.
"Chúng tôi nghĩ rằng khi mọi người cảm thấy có trách nhiệm, họ đột nhiên nghĩ nhiều hơn về thể diện của họ, về việc họ sẽ trông như thế nào khi thực hiện một hành động nào đó hoặc không hành động gì cả", anh nói. "Đối với tôi, có vẻ như camera trên điện thoại thông minh cũng có thể hoạt động như một tín hiệu trách nhiệm".
Tại sao mọi người quay phim mà không giúp đỡ?
Nói cách khác, nếu một camera an ninh hoặc webcam đã khiến người ngoài cuộc sẵn sàng nhảy vào tình huống và đưa bàn tay ra giúp đỡ, thì lý thuyết tương tự cũng có thể áp dụng khi có những chiếc camera điện thoại giơ lên.
Điều này đưa chúng ta trở lại tình huống ban đầu, về người đàn ông suýt bị cuốn trôi trong ga tàu điện ngầm New York: Tại sao video đó lại xuất hiện? Đâu là lý do khiến người quay lại video đó quyết định rút điện thoại ra, thay vì lội xuống dòng nước và giúp đỡ nạn nhân?
Cho tới hiện tại, chưa có bất kể một nghiên cứu trực tiếp nào chỉ ra được nguyên nhân khiến mọi người không giúp đỡ người bị nạn, mà lại rút điện thoại ra quay phim.
Nhưng đã có một vài giả thuyết.
Quay phim và đăng tải lên mạng xã hội là một cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực
"Tôi đã trò chuyện vài lần với một số người về vấn đề này. Trong đó, có những người nói trong vai trò cơ bản là một nhân chứng, họ cảm thấy việc quay phim rất quan trọng, ví dụ video sẽ giúp cảnh sát truy tìm tên tội phạm", Van Bommel nói.
"Còn một nguyên nhân khác có vẻ không chính đáng: Những người trải nghiệm một điều gì đó tồi tệ có thể cảm thấy bị căng thẳng hoặc sốc, v.v., và họ cần giải tỏa điều này bằng cách chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của họ với bạn bè".
Quay phim và đăng tải đoạn video lên mạng xã hội là một cách giúp họ giải tỏa những cảm xúc mà họ vừa phải chịu đựng.
Van Bommel lưu ý rằng, trừ khi bạn thực sự ở trong tình huống, trường hợp này là có mặt ở dưới ga tàu điện ngầm New York với trước mặt là một người đàn ông lớn tuổi bị nước cuốn, rất khó để biết chính xác bạn sẽ làm gì khi đó.
Trong video này, có vẻ như người đàn ông đang cần một sự giúp đỡ rõ ràng - nhưng nếu vì một lý do nào đó mà bạn không nhận ra tín hiệu cầu cứu của ông ấy, có thể là chính bạn cũng sẽ đứng nhìn.
Hơn nữa, nếu bạn cảm thấy mình không có khả năng giúp đỡ về mặt thể chất - nếu bạn còn nhỏ, là phụ nữ, hoặc bạn nghi ngờ về khả năng thể chất của mình - khả năng bạn cũng sẽ cảm thấy không đủ thoải mái khi lội xuống dòng nước chảy xiết để giúp đỡ ai đó.
Khi đó, bạn có thể cảm thấy mình sẽ có giá trị hơn khi đứng bên lề, quay lại sự kiện để cho thấy một bằng chứng rằng ga tàu điện ngầm đang có một cái bẫy nguy hiểm.
Chúng ta không hề vô tâm như cái cách nhiều người đang tưởng tượng và buộc tội.
Mặc dù vậy, có một tình huống cho thấy chắc chắn một chiếc điện thoại sẽ cản trở khả năng nạn nhân nhận được sự giúp đỡ, đó là khi nhân chứng đang bận nói chuyện điện thoại với một người khác.
Một nghiên cứu năm 2013 đã tạo ra một tình huống, trong đó một người đeo nẹp chân giả vờ đánh rơi một chồng tạp chí. Mục tiêu là đánh giá người ngoài cuộc có sẵn sàng giúp đỡ hay không. Kết quả chỉ ra những người đang nghe điện thoại thường bàng quang hơn.
Các tác giả nghiên cứu giải thích, nói chuyện trên điện thoại với một ai đó đã giúp cho bạn có cảm giác thuộc về - nghĩa là bạn đã thuộc về tình huống trong cuộc nói chuyện điện thoại, thuộc về người bạn đang nói chuyện với. Trách nhiệm với tình huống trước mặt của bạn dường như được hạ thấp xuống, ít nhất là trong cảm giác của bạn.
Vậy đó là những giả thuyết và bằng chứng cho thấy sự hiện diện của điện thoại ảnh hưởng đến hành vi của người ngoài cuộc. Liệu bản thân việc giơ một chiếc camera điện thoại lên có phải là đã giúp đỡ một ai đó, khi làm tăng cơ hội một người trong đám đông bước ra và giúp đỡ hay không?
Chúng ta sẽ cần nhiều hơn các nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi này. Nhưng trong đoạn cuối video, có vẻ như người đàn ông ở ga tàu điện ngầm cũng đã nhận được sự giúp đỡ.
Thật khó để nói rằng con người bây giờ chỉ thích giơ những chiếc điện thoại lên thay vì đưa một tay của mình ra cho người khác. Và đó là câu trả lời cho những bình luận buộc tội trên mạng xã hội: Chúng ta không hề vô tâm như cái cách mà họ tưởng tượng.
Tham khảo Medium
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming