Chỉ trong một ngày, LeEco, cái tên còn khá xa lạ này đã làm thế giới công nghệ phải kinh ngạc, đến hai lần.
Chỉ trong một ngày, thế giới công nghệ đã hai lần chấn động bởi LeEco khi hãng này liên tiếp giới thiệu smartphone không chân cắm tai nghe 3,5mm và xe điện tự lái. Nếu như chiếc iPhone 7 không bỏ jack cắm tai nghe 3,5mm mới chỉ là tin đồn, thì LeEco đã vượt mặt Apple để lần đầu tiên ra mắt một chiếc smartphone như vậy.
Trong khi đó, chỉ 3 tuần sau khi chiếc Model 3 của Tesla ra mắt, chiếc xe điện LeSEE của LeEco đã cho thấy khả năng lái tự động và điều khiển đỗ xe bằng giọng nói thông qua ứng dụng trên điện thoại. Một câu hỏi đặt ra lúc này là LeEco là ai?
Chủ tịch của LeEco, ông Jia Yueting trong buổi giới thiệu chiếc LeSEE.
LeEco là công ty như thế nào?
Nếu bây giờ bạn mới biết đến LeEco nhờ sự kiện giới thiệu hai sản phẩm trên thì có thể đã hơi muộn. Tiền thân của LeEco chính là LeTV mới được thay đổi thương hiệu vào đầu năm nay. Không phải ngẫu nhiên, công ty này được mệnh danh là Netflix của Trung Quốc, khi LeTV sở hữu đến 400 triệu thuê bao cho dịch vụ video trực tuyến của mình. Không những thế, vào cuối tháng Chín năm 2015, công ty này còn ra mắt 6 mẫu Smart TV cao cấp, nhưng có giá thành còn thấp hơn cả chi phí sản xuất hàng loạt.
“Nguyên nhân của việc định giá thấp hơn cả chi phí sản xuất hàng loạt là nhờ mô hình thu lợi nhuận từ hệ sinh thái đa chiều, đa cấp để trợ giá cho phần cứng, đánh dấu sự trưởng thành của hệ sinh thái Le.” Ông Liang Jun, chủ tịch của Leshi Zhi Xin, bộ phận kinh doanh TV của LeTV cho biết.
Mẫu Smart TV màn hình 60 inch của LeTV.
Được sáng lập bởi Jia Yueting vào năm 2004, khởi đầu bằng việc cung cấp các dịch vụ video trực tuyến qua website letv.com, một dịch vụ tương tự như Youtube. Đến tháng Tám năm 2010, LeTV đặt một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của mình khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, Shenzhen Stock Exchange. Đây là đợt IPO đầu tiên trên thế giới của một công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Bắt đầu kể từ đây, những hoạt động của công ty mới dần được lộ diện trong con mắt của các nhà đầu tư và công chúng thế giới. Công ty tham gia đầu tư và phân phối một bom tấn của Hollywood “The Expendables 2.” Doanh thu của công ty cũng tăng chóng mặt, từ 181 triệu USD vào năm 2012 lên tới 1,6 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty cũng vô cùng “mỏng”, với doanh thu tăng trưởng chóng mặt nhưng lợi nhuận của công ty thậm chí còn giảm. Thu nhập ròng của Leshi năm 2012 đạt 31 triệu USD, năm 2013 là 38 triệu USD, đến năm 2014 chỉ còn 7,5 triệu USD.
Một bộ phim bom tấn có phần vốn đầu tư của LeTV.
Từ năm 2014, trụ sở chính của tập đoàn được chuyển sang Hong Kong, đặt một dấu mốc mới cho sự phát triển hướng ra thị trường thế giới. Với phương châm dựa trên hệ sinh thái kết hợp của “Nền tảng, Nội dung, Sự tột đỉnh, Ứng dụng” (Platform Content Terminal Application), công ty cho ra mắt nhiều sản phẩm phần cứng với giá rẻ như cho để hỗ trợ cho nền tảng nội dung video của mình. LeTV liên tiếp lập nhiều kỷ lục về doanh số bán hàng trực tuyến, khi bán được 1.000 Smart TV trong vòng 10 phút, 20.000 smartphone Le Max trong vòng 21 giây, 50.000 smartphone Le 1 trong vòng 53 giây. Nhờ vào sự hỗ trợ của hệ sinh thái giữa thiết bị và nội dung này, năm 2015, LeTV báo cáo doanh thu tăng 90,89% gần gấp đôi so với 2014, thu nhập trên mỗi cổ phiếu cũng tăng 55% so với năm 2014.
Chiếc Le 2 mới ra mắt, smartphone đầu tiên chính thức loại bỏ jack tai nghe 3,5mm.
Và sự kiện ra mắt chiếc xe điện LeSEE của LeEco cũng không nằm ngoài chiến lược dựa trên hệ sinh thái kết hợp trên. Thông qua công ty con của mình là Le Sports, vào tháng Mười 2015, LeEco đã chi ra 700 triệu USD để nắm 70% công ty Yidao Yongche, công ty có ứng dụng chia sẻ chuyến đi tương tự như Uber. Chắc chắn tham vọng của họ sẽ không chỉ dừng ở việc tận dụng các chuyến xe để chở phóng viên hay người hâm mộ, hay trình chiếu các dịch vụ trong chuyến đi.
“Bầu trời đầy sao đã trở thành một ký ức xa xôi. Chúng tôi không thể chờ đợi để xóa hết mây mù khỏi bầu trời Trung Quốc. Sự tích hợp giữa điện năng, trí tuệ nhân tạo, sự kết nối và truyền thông xã hội thành một hệ thống sẽ phá vỡ tất cả sản phẩm xe hiện tại.” Chủ tịch của LeEco, tỷ phú người Trung Quốc, ông Jia Yueting đã nói như vậy về tham vọng của mình khi ra mắt chiếc xe FFZERO1 lần đầu tại CES 2016 vào tháng Một năm nay.
Mẫu xe Faraday Future.
Ông Jia Yueting cũng chứng minh cho tham vọng của mình trong lĩnh vực ô tô bằng việc đầu tư vào nhiều công ty liên quan đến ngành công nghiệp này. Nổi tiếng nhất trong số đó là Aston Martin, thương hiệu xe thể thao của Anh, nổi danh khi thường xuyên xuất hiện bên cạnh điệp viên James Bond trong series phim về nhân vật này. Ngoài ra còn có Faraday Future, một startup tại California mới nổi lên gần đây khi dám thách thức Tesla, hãng xe điện hàng đầu thế giới. Hơn nữa, LeTV cùng với Beijing Automotive Industry Holding (BAIC) cũng tham gia đầu tư vào một startup khác về xe điện, Atieva, được sáng lập bởi cựu chủ tịch của Tesla, ông Bernard Tse.
Mẫu concept của chiếc xe điện Atieva.
Cho đến nay, ngoài các lĩnh vực đình đám trên, công ty này còn tham gia đầu tư vào một loạt các lĩnh vực khác như nông nghiệp, khi sở hữu một thương hiệu rượu vang, và dự định sẽ trồng các loại nho, rau, hoa và cây giống hữu cơ trên một cánh đồng 200 ha. Ngoài ra, công ty còn sở hữu bản quyền các giải đấu thể thao lớn như giải Ngoại hạng Anh, NBA của Mỹ, ...
Kính thực tế ảo VR của LeTV bày bán tại Ấn Độ.
Vậy Jia Yueting là ai?
Khác với các tỷ phú bỏ học của thời đại Internet, doanh nhân Trung Quốc 43 tuổi này có một tiểu sử tương đối bình thường và kín đáo. Sinh ra trong một gia đình trung lưu ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Jia Yueting là con thứ ba của một giáo viên và một người nội trợ. Tốt nghiệp với tấm bằng quản trị kinh doanh, từ giữa những năm 90, ông làm hỗ trợ kỹ thuật cho văn phòng thuế của tỉnh Sơn Tây. (Theo hồ sơ công khai của ông trên truyền thông Trung Quốc.)
Người sáng lập LeTV, nay là LeEco, ông Jia Yueting.
Sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu một chuỗi các công việc kinh doanh, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khai thác than đến điện thoại di động. Trước khi bắt đầu với công ty LeTV, ông đã thành lập công ty viễn thông Sinotel Technologies năm 2002, công ty Xbell Union Communication Technology ở Bắc Kinh năm 2003, cả hai công ty sau đó đều được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.
Cho đến nay, con đường đi đến thành công hiện tại của tỷ phú Jia Yueting vẫn tương đối phẳng lặng và kín đáo. Nhưng vào ngày 07 tháng Mười Hai năm 2015, cổ phiếu của LeTV đã bị dừng giao dịch trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, và bị trị hoãn giao dịch trở lại đến ngày 07 tháng Ba vừa qua. Ngay cả tham vọng trở thành đối thủ của Tesla cũng bị nghi ngờ, khi phải mãi đến giữa tháng Tư vừa qua, nhà máy lắp ráp xe của Faraday Future (công ty xe điện mà Jia Yueting đầu tư) mới bắt đầu được khởi công xây dựng tại Las Vegas, Mỹ, xuất phát chậm hơn rất nhiều so với công ty của tỷ phú Elon Musk.
Tham khảo TheGuardian, LA Times
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"
Để giải cứu Intel, chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn nghiên cứu về đề xuất sáp nhập với đại kình địch AMD.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương