Hoài niệm HTC: Từ một tượng đài smartphone Android, tới khi mảng điện thoại chỉ còn thoi thóp chờ chết

    TVD,  

    Cùng nhìn lại những chặng đường phát triển đầy thăng trầm của hãng điện thoại HTC.

    Trở lại những năm 2000, khi mà thế giới công nghệ còn hoang sơ và smartphone vẫn chỉ là một khái niệm mơ hồ. HTC từ một nhà sản xuất thiết bị viễn thông, đã đánh dấu một bước chuyển mình lớn ở lĩnh vực điện thoại di động. Thương hiệu riêng của HTC chính thức ra mắt vào năm 2006 và tạo dấu ấn mạnh mẽ với những chiếc smartphone độc đáo của mình.

    Dấu mốc lớn đầu tiên là chiếc điện thoại HTC G1, ra mắt vào tháng 9 năm 2008. Đây được xem là chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, nhà sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) đã trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng như sẽ leo đến đỉnh vinh quang và trở thành một tượng đài của làng smartphone Android.

    Nhưng câu truyện cổ tích đẹp đẽ này lại sắp kết thúc với một cái kết không có hậu.

    HTC và những chiếc smartphone Android đậm chất riêng

    Năm 2008, HTC hợp tác với Google và ra mắt chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới - HTC Dream hay còn được gọi là T-Mobile G1. Đây chính là “ông tổ” của smartphone Android hiện nay, với bàn phím QWERTY và màn hình cảm ứng. HTC Dream đã trở thành chiếc điện thoại bất cứ ai cũng muốn sở hữu, đánh dấu bước khởi đầu cho kỷ nguyên của chú robot xanh.

     HTC Dream hay T-Mobile G1.

    HTC Dream hay T-Mobile G1.

    Cột mốc tiếp theo là năm 2009, HTC lần đầu tiên ra mắt giao diện người dùng Sense cùng với chiếc smartphone HTC Hero. Giao diện Sense thực sự gây ấn tượng với các widget đồng hồ đẹp mắt, tạo dấu ấn riêng cho những chiếc smartphone của HTC. Đột phá trong thiết kế phải kể đến HTC Hero, khi toàn bộ vỏ máy được làm bằng kim loại phủ Teflon, không bị in mồ hôi hay trơn trượt khi cầm.

     HTC Hero với giao diện Sense.

    HTC Hero với giao diện Sense.

    Tuy nhiên những năm hoàng kim nhất của HTC chỉ bắt đầu từ năm 2010. Khi HTC sản xuất cho Google một chiếc smartphone riêng có tên Nexus One. Đây được xem là một "tuyệt tác kỳ diệu về kỹ thuật" vào thời điểm lúc bấy giờ. Sự đồng hành với Google đã giúp HTC trở nên sáng chói với kết quả kinh doanh và lãi ròng đạt mức kỷ lục. Business Week đã xếp hạng HTC là công ty công nghệ tốt thứ hai ở châu Á và thứ ba trên thế giới.

     Nexus One, sự hợp tác giữa HTC và Google.

    Nexus One, sự hợp tác giữa HTC và Google.

    Đây là khoảng thời gian HTC ra mắt hàng loại những chiếc smartphone Android mới. HTC Desire, HTC Thunderbolt, Desire S, EVO 3D và HTC Sensation tất cả đều tạo được dấu ấn riêng, với những tiến bộ về cả thiết kế và tính năng mới.

     HTC One X.

    HTC One X.

    Năm 2012, HTC tiếp tục tạo ra một cơn sốt mới trên thị trường smartphone với One X. Thử nghiệm thay đổi thiết kế từ kim loại sang vỏ nhựa cao cấp đã đem lại thành công ngoài mong đợi. HTC One X còn có những tính năng camera và loa ngoài cao cấp, được đánh giá là một “siêu smartphone Android”.

     HTC One M7.

    HTC One M7.

    Điều thú vị ở HTC, đó là liên tục đổi mới để phát triển. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Samsung và Apple, HTC đã quyết định phải có một thay đổi lớn. Năm 2013, HTC One M7 ra đời với thiết kế kim loại vô cùng đẹp mắt. Sự hoàn hảo của M7 vẫn còn được khen ngợi cho đến tận ngày nay và trở thành một trong những chiếc smartphone hoàn hảo nhất của HTC.

    Năm 2015 và sườn dốc không có điểm kết thúc

    Cuộc rượt đuổi bài bản và đầy ngoạn mục của Apple và Samsung đã thành công rực rỡ, đẩy HTC lâm vào con đường quay cuồng thay đổi và trở mình nhưng vẫn chưa thu được kết quả khả quan cho đến tận hôm nay.

    HTC vẫn ra mắt những chiếc smartphone được đánh giá “đủ tốt”. Nhưng tất cả những chiếc smartphone mới như HTC Desire , HTC One M9 , One M8 Eye , E9 Dual hay HTC Butterfly 2 đều đi theo một lối mòn.

     HTC lao dốc không phanh.

    HTC lao dốc không phanh.

    Sự sáng tạo, mạo hiểm và dám đổi mới của HTC đã không còn nữa. Kết quả là HTC đánh mất phần lớn thị phần của mình vào tay Samsung và HTC. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của HTC đã giảm tới 90%, lãi giảm 83% từ cuối năm 2013.

    Năm 2016 tiếp tục là một năm đen tối của HTC, nhà sản xuất smartphone này dường như đang lao xuống một sườn dốc không có điểm kết thúc. Mặc dù trong năm 2016, HTC đánh dấu sự trở lại với chiếc smartphone cao cấp HTC 10. Tuy nhiên HTC 10 tiếp tục chỉ là một chiếc smartphone “được hoàn thiện”.

    Thiếu đầu tư cho mảng marketing cũng là một sai lầm lớn của HTC, khiến cho những chiếc smartphone được đánh giá tốt của họ không thể nào hấp dẫn khách hàng so với thương hiệu Samsung và Apple.

    Không những vậy, sự trỗi dậy của các nhà sản xuất smartphone giá rẻ tại Trung Quốc, như Xiaomi và Huawei càng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Kết thúc năm 2016, biểu đồ kinh doanh của HTC vẫn là một mũi tên cắm xuống. Báo cáo kết thúc Q4/2016, HTC thua lỗ 116,8 triệu USD mặc dù đã cắt giảm 34% chi phí hoạt động.

    Năm 2017 và hồi kết của HTC

    Trước tương lai đen tối của mảng kinh doanh smartphone, HTC phải đi tìm những hướng đi mới như kính thực tế ảo. Tuy nhiên hãng điện thoại Đài Loan vẫn chưa từ bỏ những tham vọng của mình, để rồi tiếp tục ra mắt chiếc smartphone flagship U11 vào tháng 5 năm 2017.

    HTC U11 được kỳ vọng sẽ giúp nhà sản xuất smartphone này tìm lại được những vinh quang trước đây. Thế nhưng trong lúc đó lại xuất hiện những thông tin về việc HTC sẽ bán mình, để chấm dứt những chuỗi ngày đen tối.

     HTC U11.

    HTC U11.

    Kết quả là mới đây, HTC đã chính thức ký kết một thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD với Google. Thỏa thuận này sẽ giúp Google có được đội ngũ phát triển smartphone của HTC, các bằng sáng chế và công nghệ không độc quyền. Tuy nhiên HTC vẫn giữ lại mảng sản xuất smartphone của mình.

    Với những gì còn lại sau thỏa thuận với Google, liệu rằng HTC có thể tiếp tục sản xuất smartphone hay không? Trên thực tế, thỏa thuận 1,1 tỷ USD với Google đã giúp HTC giải quyết được vấn đề cắt giảm chi phí và bù đắp những khoản lỗ trong kinh doanh smartphone trước đây.

    Nó có thể tiếp tục giúp HTC trụ lại thêm một khoảng thời gian nữa, giống như Sony chấp nhận cắt giảm tối đa mảng smartphone để không bị lỗ. Nhưng Sony còn có các mảng kinh doanh khác bù đắp lại, còn HTC thì vẫn đang đi tìm hướng đi mới.

    Sẽ thật nuối tiếc nếu như thương hiệu HTC biến mất trên bản đồ smartphone thế giới. Đã từng có lúc, cái tên HTC là niềm mơ ước của những tín đồ smartphone Android chứ không phải Samsung hay LG.

    (Tổng hợp)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ