"Học sinh ngủ trong lớp đâu phải vì lười, giáo dục nên coi giấc ngủ như một phần trọng tâm"

    zknight,  

    Học sinh trung học nên được cho vào lớp muộn hơn để phù hợp với nhịp sinh học của thanh thiếu niên.

    *Bài viết chứa quan điểm riêng của Junaid Mubeen, tiến sĩ Toán học từ Đại học Oxford Anh Quốc, đồng thời là một nhà nghiên cứu giáo dục.

    Khi sinh viên của Junaid Mubeen gặp bế tắc với một bài toán khó, anh thường chủ động khuyên họ đi ngủ. Chắc chỉ có cần vậy, vị tiến sĩ Toán từ Đại học Oxford này đã trở thành mẫu giáo viên lý tưởng trong mắt rất nhiều học sinh rồi.

    Không chỉ sẵn sàng cho phép bạn ngủ trên giảng đường, tiến sĩ Mubeen còn đấu tranh để bãi bỏ những tiết học bắt đầu từ quá sớm. Trên cương vị giảng dạy và dưới vai trò của một nhà nghiên cứu giáo dục, anh biết giấc ngủ có vai trò quan trọng như thế nào đến quá trình học tập.

    Theo tiến sĩ Mubeen, chính hệ thống giáo dục mới cần tôn trọng đồng hồ sinh học của thanh thiếu niên, đừng ép họ vào một khuôn khổ chung, bởi đồng hồ sinh học là cá nhân hóa. Học sinh phổ thông thường uể oải, thậm chí ngủ gật trong những tiết học đến giữa buổi sáng, không phải vì họ lười vì mà cơ thể thanh thiếu niên được thiết kế để ngủ nhiều hơn ở thời điểm đó.

    Ngoài ra, tất cả mọi người nên quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ, ngủ tốt sẽ giúp học tập tốt hơn. Thomas Edison, Albert Einstein, các nhà toán học đại tài Henri Poincare, Jacques Hadamard và Andrew Wiles đều sử dụng giấc ngủ để sáng tạo và giải quyết các vấn đề trí tuệ.

    Bởi vậy, hệ thống giáo dục nên được thiết kế lại để phù hợp hơn với những hiểu biết ngày nay của chúng ta về khoa học thần kinh. Các nhà hoạch định chính sách nên đưa giấc ngủ vào những cuộc thảo luận về giáo dục. Việc đánh giá toàn diện tư duy của học sinh cũng nên xem xét đến cả giấc ngủ.

    Hiểu theo một cách nào đó, hãy quên những bài kiểm tra đầu giờ hay những bài kiểm tra giới hạn thời gian 60’, 90’ đi. Trong tương lai, bạn có thể nhận đề bài, làm không được thì ngủ một giấc rồi dậy làm tiếp, vậy mới hiệu quả.

    Dưới đây là bài viết của tiến sĩ Junaid Mubeen đăng trên Medium:

    Học sinh ngủ trong lớp đâu phải vì lười, giáo dục nên coi giấc ngủ như một phần trọng tâm - Ảnh 1.

    Học sinh ngủ la liệt trong một lớp học tại Hàn Quốc

    Đứng giữa những chiến lược để nâng cao hiệu quả giáo dục cũng như thành tích học tập cho học sinh sinh viên, giấc ngủ nên được coi trọng và đánh giá cao. Mặc dù vậy, hiếm khi chúng ta thấy chủ đề này được đàm luận trong lĩnh vực giáo dục.

    Có rất nhiều cuộc tranh luận về chương trình giảng dạy, các kỳ thi đánh giá, quản lý thái độ sư phạm, nhưng rất ít sự chú ý được dành cho giấc ngủ, vấn đề ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

    Trong cuốn sách Why We Sleep của mình, Matthew Walker đã đề cập đến khiếm khuyết ấy. Giấc ngủ, hiển nhiên, là rất quan trọng đối với mọi khía cạnh trong sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.

    Walker có chuyên môn trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Công trình nghiên cứu toàn diện nhất của ông chỉ ra ảo tưởng trong suy nghĩ rằng chúng ta có thể sống tốt khi quản lý và vượt qua được những giấc ngủ kém chất lượng – không chỉ là số giờ chợp mắt, mà còn cả thói quen và mô hình ngủ mà chúng ta có được.

    Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi tin chắc rằng mình thuộc diện thiếu ngủ mạn tính. Walker khiến tôi suy nghĩ về thói quen uống cà phê buổi sáng và những giấc ngủ trưa thường xuyên của tôi. Cuốn sách của ông – thực sự - là một hồi chuông cảnh tỉnh.

    Ngủ, Walker gợi ý, là thứ rất cần thiết cho việc giải quyết vấn đề. Khi sinh viên của tôi bị mắc kẹt với một vấn đề toán học, điều thông minh nhất mà tôi có thể khuyên họ là "sleep on it" để chúng đó, đi ngủ, mai tính. Câu ngạn ngữ này đã giúp ích cho tôi rất tốt trong quá khứ cũng như hiện tại, nhờ vào nghiên cứu của Walker, nó đã có được một cơ sở thần kinh hỗ trợ mạnh mẽ.

    Walker chứng minh rằng việc giải quyết vấn đề có thể xảy ra liên tục trong giai đoạn REM của giấc ngủ. Chính trong giai đoạn quan trọng này, chúng ta tạo ra những mối liên hệ mới lạ giữa những khối kiến thức riêng lẻ.

    Giấc ngủ REM là nơi mà những ý tưởng của chúng ta được tinh luyện và kết hợp lại thành những suy nghĩ mới mẻ, sáng tạo. Mối liên hệ giữa giấc ngủ và cảm hứng phổ biến đến mức cụm từ sleep on it [để mai tính] tồn tại trong hầu hết các ngôn ngữ.

    Học sinh ngủ trong lớp đâu phải vì lười, giáo dục nên coi giấc ngủ như một phần trọng tâm - Ảnh 2.

    Thomas Edison ngủ trên ghế trong phòng thí nghiệm vào năm 1911

    Nhưng có thể thấy, Walker cũng chỉ đang xác nhận điều mà những người giải quyết vấn đề bậc thầy đã hiểu từ lâu. Được biết, Thomas Edison đã lợi dụng sức mạnh của giấc ngủ trưa với một mẹo - ông tin rằng những hiểu biết sâu sắc nhất của mình bắt nguồn từ điểm giao giữa trạng thái có ý thức và vô thức.

    Bởi vậy, Edison sẽ cầm trong tay vài viên bi sắt khi muốn tận dụng sức mạnh của giấc ngủ trưa. Vào thời điểm mà ông chìm vào giấc ngủ sâu, những viên bi sẽ rơi xuống sàn - đánh thức ông dậy vào khoảnh khắc thích hợp.

    Nhà toán học người Pháp Henri Poincare cũng đã nêu rõ tầm quan trọng của giấc ngủ đối với bản chất của quá trình sáng tạo ra phát minh, rằng, "Vai trò của quá trình rơi vào vô thức này tạo ra những sáng kiến về toán, nó đúng với tôi, không thể nào chối cãi được".

    Jacques Hadamard, một nhà toán học người Pháp khác, cũng đồng ý với người đồng hương của mình, trong ghi chép về cách ông xen kẽ những suy nghĩ vô thức và có ý thức khi làm toán.

    Đáp lại Hadamard, Albert Einstein đã nói "trò chơi kết hợp" của ông là "tính năng thiết yếu cho quá trình suy nghĩ hiệu quả". [Trò chơi kết hợp – combinatory play – là hành động mở một kênh trí tuệ bằng cách làm chơi một việc khác. Chẳng hạn như Einstein thường chơi đàn violin khi ông phải giải quyết một vấn đề khó].

    Einstein kết luận: "Dường như với tôi, cái mà bạn gọi là ý thức hoàn toàn là một giới hạn không bao giờ có thể tiến tới". Bởi vậy cũng chẳng ngạc nhiên khi George Polya, trong cuốn How to Solve It, khuyên các sinh viên toán "tìm gối của bạn để được tư vấn" nếu bị mắc kẹt trên một đống vấn đề.

    Tiếp nối các cuộc thảo luận cho đến ngày nay, Andrew Wiles [một trong những nhà toán học nổi tiếng nhất thế giới sau khi giải quyết được định lý cuối cùng của Fermat] dành một trong những chữ B trong câu thần chú "3B" của mình cho Bed [Wiles nói rằng xe bus (Bus), bồn tắm (Bath) và giường ngủ (Bed) là 3 nơi bạn có thể để tâm trí tự do đi lang thang khỏi vấn đề trước mắt trước khi trở lại giải quyết chúng tốt và sáng tạo hơn].

    Thế nhưng, Sleep on it vẫn được coi không hơn một câu châm ngôn dân gian, ngoại trừ việc một số nhà tư tưởng sáng tạo bậc nhất trong quá khứ cũng như bây giờ là minh chứng ban đầu cho sự hiệu quả của nó và gần đây được củng cố thêm bởi khoa học thần kinh.

    Mối liên hệ giữa thói quen ngủ có chủ ý và nguyên lý cốt lõi của tư duy toán học, chẳng hạn như giải quyết vấn đề và sáng tạo, là điều chắc chắn tồn tại. Vậy tại sao giáo dục không chấp nhận giấc ngủ như là một phần trọng tâm của nó?

    Học sinh ngủ trong lớp đâu phải vì lười, giáo dục nên coi giấc ngủ như một phần trọng tâm - Ảnh 3.

    Học sinh ngủ trong lớp đâu phải vì lười, giáo dục nên coi giấc ngủ như một phần trọng tâm

    Thừa nhận tầm quan trọng của giấc ngủ có nghĩa là hệ thống giáo dục sẽ phải thích ứng với các kiểu ngủ khác nhau của học sinh. Khái niệm quan trọng nhất mà tôi lấy ra từ cuốn sách của Walker là nhịp sinh học, hoặc đồng hồ cơ thể.

    Cơ thể của chúng ta được đồng bộ để thức dậy và ngủ vào những giờ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng phát triển sinh học của chúng ta. Thanh thiếu niên sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi thức dậy vào sáng sớm, so với trẻ em và những người trưởng thành trẻ tuổi, bởi vì đồng hồ cơ thể của họ ra lệnh rằng họ nên ngủ.

    Không phải thanh thiếu niên lười biếng; xu hướng mất tập trung trong các lớp học giữa buổi sáng là một phần hậu quả của việc bị tước đoạt thói quen ngủ tự nhiên. Nếu hệ thống giáo dục muốn đáp ứng nhu cầu của học sinh sinh viên, thời gian biểu sẽ phải thay đổi – giờ vào lớp và tan học muộn hơn áp dụng cho học sinh trung học sẽ phù hợp hơn với nhịp điệu ngủ vốn có của họ.

    Nhưng thời gian biểu thích ứng ấy không phù hợp với mô hình giáo dục tiêu chuẩn của chúng ta ngày nay.

    Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng không đi vào các mô hình đo lường của hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục hiện nay là một địa ngục thực sự – nó muốn đo lường bất cứ điều gì có thể, và sau đó định tầm quan trọng chỉ với những gì đã được đo. Rõ ràng là bản chất của việc giải quyết vấn đề - rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ ý nghĩ vô thức - quá toàn diện và vượt ra ngoài các công cụ lạc hậu như báo cáo văn bản.

    Bất kể bài kiểm tra (bị giới hạn thời gian làm bài) nào cũng chăm chăm tìm cách đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh sinh viên trong một khoảng thời gian giới hạn.

    Bây giờ với những phát hiện của khoa học thần kinh, nó phát lộ một điều thực sự mâu thuẫn. Những bài kiểm tra lẽ ra phải kiểm tra cả giấc ngủ và hệ thống giáo dục nên buông bỏ những nỗ lực vô ích nhắm đến việc đo lường mọi sắc thái tư duy của học sinh.

    Nếu muốn trở thành một ngành hoạt động có cơ sở lý thuyết dựa trên bằng chứng, giáo dục có lương tâm thì không thể bỏ qua những phát hiện mới từ khoa học thần kinh.

    Ở thời điểm này, tầm quan trọng của giấc ngủ là thứ không thể chối cãi – trách nhiệm bây giờ thuộc về những nhà hoạch định chính sách giáo dục, phải thử nghiệm và nghiên cứu những cách dung hòa để thích nghi. Và nếu bạn vẫn còn nghi ngờ về sức mạnh của giấc ngủ, tôi chỉ có thể khuyên bạn đọc cuốn sách của Walker, và… gối đầu lên nó mà ngủ.

    Tham khảo Medium,Alyjuma

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ