Thậm chí, E3 sẽ không còn được tổ chức trong tương lai.
Hội chợ Giải trí Điện tử, hay còn được biết đến rộng rãi với cái tên E3, đã bị hủy bỏ trước sự tiếc nuối của cộng đồng game thủ.
Đã từ lâu, E3 là điểm đến của những nhà phát triển phần cứng và phần mềm phục vụ mục đích giải trí, nhưng khi nhìn vào hướng phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, có lẽ trong tương lai E3 sẽ chỉ tồn tại trong ký ức.
Bản thân đơn vị tổ chức E3 cũng không mấy lạc quan. Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Giải trí (Entertainment Software Association - ESA) tránh né thắc mắc của phóng viên Games Industry khi được hỏi liệu E3 có trở lại vào năm 2024. “Chắc chắn chúng tôi sẽ lắng nghe và đảm bảo những gì chúng tôi đưa ra sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu và khi đó, chúng tôi sẽ có thêm thông tin để chia sẻ”, chủ tịch Stanley Pierre-Louis cho hay.
Sự kiện E3 chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19: lần cuối có khách tới tham dự trực tiếp đã từ 2019, sự kiện bị hủy năm 2020 và phải tổ chức online trong năm 2021. Năm ngoái, E3 tiếp tục bị hủy.
Tuy nhiên ngành công nghiệp trò chơi điện tử không mảy may ảnh hưởng từ việc vắng bóng E3. Những năm qua, các hãng giải trí lớn đã học theo “sách giáo khoa” được Nintendo soạn thảo và xuất bản năm 2011: họ tự đứng ra tổ chức một sự kiện của riêng mình, qua đó có thể thoải mái công bố phần cứng và phần mềm mà không e ngại việc lép vế trước đối thủ.
Bên cạnh đó, các hãng có thể tự thu video công bố sản phẩm để phát tại sự kiện, tránh những rủi ro có thể có trong một màn ra mắt trực tiếp (như lỗi phần cứng/phần mềm, khán giả cười chê hay những màn diễn thuyết … làm cả người xem online thấy ái ngại).
Thiếu vắng E3 nhưng game thủ không thiếu vắng những sự kiện mang tính cộng đồng. Geoff Keighley, nhân vật tiếng tăm trong làng game đứng ra tổ chức giải thưởng The Game Awards, nhằm mục đích vinh danh những cá nhân xuất sắc trong làng giải trí điện tử. Cũng tại sự kiện này, các ông lớn ngành game đồng thời công bố những dự án mình đang phát triển bấy lâu.
Cũng vào giai đoạn Hè - thời điểm thường diễn ra E3, sự kiện Summer Game Fest cũng trám được chỗ trống trong lòng người hâm mộ. Rải rác đó đây còn những sự kiện khác dành riêng cho nhà phát triển, những giải đấu thể thao điện tử lớn nhỏ, hay những sự kiện gây quỹ với mục đích cao cả; vì lẽ đó sự kiện E3 không còn sức ảnh hưởng như trước …
Sự thật phũ phàng khiến những cá nhân có tuổi (và hoài cổ) đôi phần tiếc nuối. Diễn ra thường niên từ năm 1995 cho tới 2019, có thể coi sự kiện E3 như buổi họp mặt mang tính truyền thống của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Trên “võ đài”, các nhãn hiệu tới từ khắp nơi trên thế giới phải tìm cách khẳng định mình, đồng thời cố gắng đứng trên cơ đối thủ trước hàng ngàn khách tham dự.
Thiếu vắng E3, người đam mê game vẫn có thể tiếp cận những sự kiện tương tự khác. Những năm trở lại đây, E3 cũng không còn là hội chợ giải trí điện tử có quy mô lớn nhất nữa: sự kiện Gamescom tổ chức thường niên tại Đức, những hội chợ lớn diễn ra tại Nhật Bản, hay thậm chí sự kiện hàng tiêu dùng CES diễn ra hồi đầu năm trên chính đất Mỹ đều thành công vang dội.
Việc E3 có diễn ra lần nữa hay không phụ thuộc vào quyết định của ESA và nhiều những lợi ích kinh tế khác. Trong khi đó, ngành công nghiệp trò chơi điện tử vẫn cứ sẽ bước tiếp, dù có phải bỏ lại bạn đồng hành nhiều năm lại phía sau.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"
Để giải cứu Intel, chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn nghiên cứu về đề xuất sáp nhập với đại kình địch AMD.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương