HomePod không "chết" vì giá cao, mà vì đi ngược lại triết lý đã từng được chính Apple chứng minh bằng AirPods

    CL,  

    Khi ra mắt, HomePod có giá tới 400 USD. Nhưng sản phẩm nhà Táo lúc nào chẳng đắt, giá bán trung bình (ASP) của iPhone lúc nào chẳng cao bằng vài lần smartphone Android...

    Thành công của các sản phẩm Apple chắc chắn là điều luôn gây tranh cãi, nhưng có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận: bất kỳ một thiết bị gắn mác Táo nào cũng đều sở hữu ít nhất một điểm mạnh đặc biệt, một tính năng riêng mà các đối thủ không thể nào bì kịp. Ví dụ, iPhone và Mac có hệ điều hành riêng thay vì sử dụng các hệ điều hành "của chung" như Windows hay Linux, tạo ra một khu vườn đóng được tối ưu tuyệt đối cho các ứng dụng phần mềm. Hay, tai nghe AirPods "ăn tiền" nhờ sở hữu những con chip do Apple tự thiết kế, tạo ra trải nghiệm chuyển đổi thiết bị siêu tiện lợi mà Sony hay Samsung dù có muốn cũng không thể tạo ra được.

    HomePod cũng vậy. Ra mắt cuối 2017 và lên kệ vào đầu 2018, HomePod được trang bị chip A8 (giống với iPhone 6 và iPad Mini 4) nhưng không phải là để chạy hệ điều hành mà là để tối ưu âm thanh. Cụ thể hơn, loa Apple  có 7 loa nhỏ (tweeter) bên trong và một microphone dùng riêng để "lắng nghe" âm thanh dội lại từ 7 loa này. Từ âm thanh do mic thu về, chip A8 sẽ tạo ra một mô hình mô phỏng của căn nhà, từ đó xây dựng âm trường "ảo" cho bài nhạc. Ví dụ nếu bạn đặt HomePod ở gần tường, các loa nhỏ hướng ra phía ngoài sẽ được tập trung để tái hiện tiếng hát, tiếng nhạc cụ chính, còn các loa hướng vào trong tường sẽ tập trung mô tả tiếng nhạc nền hay tiếng vỗ tay.

    HomePod không chết vì giá cao, mà vì đi ngược lại triết lý đã từng được chính Apple chứng minh bằng AirPods - Ảnh 1.

    Với HomePod, Apple tái sử dụng chip iPhone cho một mục đích duy nhất: "vẽ kiến trúc" cho âm thanh.

    Có lẽ sẽ là không quá khi nói rằng HomePod sở hữu một trong những hệ thống âm thanh siêu việt nhất hiện nay, và cái cách Apple "cải tiến chất lượng âm thanh" cũng mang đậm phong cách nhà Táo: dùng chip, dùng phần mềm dành riêng chứ không dùng phần cứng. Được đặt tên là "beamforming" (tạm dịch: mô hình luồng âm thanh), kỹ thuật sử dụng chip, micro và 7 loa riêng biệt của HomePod đã buộc Apple phải theo đuổi qua 200 bằng sáng chế riêng biệt. Sự đầu tư đó cũng nhận về những lời khen xứng đáng: ví dụ, New York Times khẳng định "HomePod là chiếc loa thông minh có âm thanh tuyệt vời nhất hiện nay".

    Thế rồi, 3 năm sau ngày mở bán, HomePod bị khai tử. Apple chưa bao giờ công bố doanh số của chiếc loa này. Dựa theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, HomePod cũng chưa bao giờ đủ sức để cạnh tranh với Google Home hay Alexa: sau nửa năm ra mắt, loa thông minh nhà Táo mới chiếm thị phần chưa đến 5% tại Mỹ - thị trường vốn đã luôn ưu ái các sản phẩm mác Táo.

    HomePod không chết vì giá cao, mà vì đi ngược lại triết lý đã từng được chính Apple chứng minh bằng AirPods - Ảnh 2.

    Mức giá 400 USD của HomePod không phải là quá đắt với các iFan vốn đã thường xuyên mua smartphone hay laptop nghìn đô.

    Vì sao HomePod thất bại? Mức giá quá cao sẽ là lý do đầu tiên được nhiều người nghĩ đến, nhưng các sản phẩm nhà Táo chưa bao giờ có giá rẻ cả. Năm 2020, chiếc iPhone 11 có giá 700 USD bán được gần 65 triệu máy và chiếm luôn ngôi vị smartphone bán chạy nhất thế giới. Những chiếc AirPods hay iPad cũng đang chiếm thế thượng phong về thị phần dù giá cao gấp nhiều lần đối thủ. 

    Giá cao không phải lý do khiến HomePod phải "chết". Thậm chí, giá cao còn là thành phần không thể thiếu trong công thức hoàn hảo của nhà Táo, thứ công thức đã giúp cho bao nhiêu sản phẩm Táo khác thành công: một mức giá đắt, một trải nghiệm riêng biệt được tích hợp rất sâu với hệ sinh thái Apple, và một thế mạnh không ai bì kịp - trong trường hợp này, là trải nghiệm âm thanh được tối ưu bằng "beamforming".

    Nhưng cũng vẫn là công thức ấy, Apple lẽ ra đã nhìn được trước lý do khiến HomePod phải chết. Thế mạnh rõ rệt nhất của HomePod so với các đối thủ cạnh tranh - chất lượng âm thanh - lại là thế mạnh chẳng mấy ai để ý đến.

    HomePod không chết vì giá cao, mà vì đi ngược lại triết lý đã từng được chính Apple chứng minh bằng AirPods - Ảnh 3.

    Nếu người dùng thực sự quan tâm đến chất lượng âm thanh, liệu AirPods có thể đè bẹp Sony như ngày nay?

    Nghe có vẻ vô lý, nhưng hãy nhìn lại lịch sử của một dòng sản phẩm Táo khác: AirPods. Ra mắt vào cuối năm 2016, trong vòng 1 tháng sau khi ra mắt AirPods đã chiếm đến 26% thị phần tai nghe không dây. Cả các công ty âm thanh truyền thống (Sony, Sennheiser, Bose) lẫn các đối thủ smartphone (Samsung, Xiaomi) đều quyết liệt bám đuổi, nhưng cho đến tận bây giờ, ngôi vương tuyệt đối của thị trường tai nghe không dây vẫn cứ thuộc về AirPods mà thôi.

    Điều trớ trêu là AirPods mang triết lý sản phẩm trái ngược hoàn toàn so với HomePod. Xét về âm thanh, AirPods thế hệ đầu tiên không có chút khác biệt nào so với EarPods. Nói cách khác, AirPods mang đến âm thanh 20 USD ở tầm giá… 200 USD. AirPods Pro tuy được cải thiện nhiều hơn nhưng vẫn khó có thể bì kịp với các đối thủ từ Sony hay Sennheiser, vốn là các công ty đã có kinh nghiệm hàng chục năm làm tai nghe.

    Ấy thế nhưng Sony hay Sennheiser tuyệt nhiên không có khả năng mơ đến ngôi vị số 1 của Apple trong làng True Wireless. Thua kém về chất âm nhưng Apple vượt mặt nhờ tạo ra một trải nghiệm tai nghe độc nhất vô nhị (vào năm 2016): kết nối một chạm, kích hoạt nhanh Siri, chuyển đổi thiết bị dễ dàng. Năm ngoái, yếu tố mới nhất được nhắc đến trên AirPods cũng là khả năng tự chuyển đổi thông minh giữa iPhone, iPad và Mac chứ không phải là chất lượng âm thanh.

    HomePod không chết vì giá cao, mà vì đi ngược lại triết lý đã từng được chính Apple chứng minh bằng AirPods - Ảnh 4.

    Bài học mà giờ đây Apple đã hiểu rõ hơn bao giờ hết: Kể cả với loa và tai nghe, chất lượng âm thanh vẫn là thứ yếu.

    Nói cách khác, AirPods đặt sự tiện dụng lên trên chất lượng âm thanh. Còn HomePod lại đặt chất lượng âm thanh lên tất cả. Kết quả là một trải nghiệm không có gì nổi bật so với Google Home hay Amazon Alexa, không có tính năng "ăn tiền" của riêng mình theo cái cách AirPods hay iPhone vượt lên trên đối thủ.

    Với HomePod Mini, Apple đã phần nào rút ra được bài học của mình. Chiếc loa thông minh cỡ nhỏ được trang bị con chip U1, vốn là một mẫu chip được Apple phát triển riêng cho mục đích định vị và truyền dữ liệu khoảng cách gần. Con chip này mang tiềm năng mở ra nhiều tính năng thú vị, hiện tại là giúp liên lạc trực tiếp với các thiết bị Apple khác có chip U1 (iPhone 11, 12 và Apple Watch S6). Trong thông báo mới nhất, Apple nói khai tử HomePod là để tập trung nỗ lực vào việc phát triển HomePod Mini.

    Về mặt âm thanh, HomePod Mini rõ ràng là thua kém HomePod. Cái chết của HomePod cỡ lớn vì vậy chỉ nhắc lại một sự thật đã được chính Apple chứng minh từ lâu: không mấy ai đặt chất lượng âm thanh lên trên trải nghiệm nữa cả.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ