Huawei bị dư luận Trung Quốc chỉ trích dữ dội vì 'vu oan giá họa' khiến nhân viên cũ phải ngồi tù oan 8 tháng
Huawei đang hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt từ dư luận và truyền thông tại Trung Quốc sau vụ cựu nhân viên hãng này bị bắt và tống giam trong gần 8 tháng vì cáo buộc không có chứng cứ về việc...
Vụ việc đã trở thành chủ để được dân mạng Trung Quốc bàn luận nhiều nhất trong vài ngày gần đây trên mạng xã hội Weibo. Dòng hashtag "Cựu nhân viên Huawei từng bị giam giữ hi vọng Huawei đưa ra lời xin lỗi" đã được xem 230 triệu lần trên Weibo kể từ khi vụ việc lan truyền trên mạng.
Theo Reuters, Li Hongyuan, 35 tuổi, từng làm việc tại Huawei trong khoảng 13 năm. Vào thời điểm cuối năm 2017, nhân viên này đã không được Huawei gia hạn hợp đồng. Nguyên nhân được cho là do Li Hongyuan đã báo cáo lên ban lãnh đạo công ty về hành vi gian lận diễn ra trong nội bộ, cụ thể là bộ phận Li làm việc vào năm 2016.
Sau khi thôi việc, Li đã bày tỏ nguyện vọng muốn nhận 331.000 nhân dân tệ (khoảng 47.000 USD) tiền bồi thường từ phía Huawei. Vào tháng 3/2018, Huawei đã chuyển 300.000 nhân dân tệ vào tài khoản của Li. Tuy nhiên, đến tháng 12/2018, Li đã bất ngờ bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam vì các cáo buộc tống tiền Huawei với số tiền nói trên.
Theo CNN, Huawei đã khẳng định khoản tiền chuyển vào tài khoản của Li là theo yêu cầu của cựu nhân viên này thông qua việc gây sức ép với công ty. Tuy nhiên, sau 251 ngày bị tạm giam, công tố viên đã buộc phải thả Li Hongyuan vào tháng 8/2019 do không đủ bằng chứng chứng minh cựu nhân viên này tống tiền công ty cũ. Được biết, Li đã âm thầm ghi âm tất cả các cuộc trao đổi với bộ phận nhân sự của Huawei trong quá trình đàm phán thôi việc. Những bản ghi âm này sau đó được gửi lên tòa án như một bằng chứng chứng minh Li hoàn toàn vô tội.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, Li Hongyuan cho biết anh đang chờ một lời xin lỗi từ phía Huawei.
"Hy vọng phía Huawei sẽ liên lạc lại với tôi. Tốt nhất là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành, ông Nhậm Chính Phi", Li nói.
Trong khi đó, đại diện của Huawei cho biết, công ty sẽ tôn trọng các quyết định của cơ quan chức năng bao gồm tòa án và viện kiểm sát.
"Chúng tôi không phản đối việc Li đảm bảo quyền lợi của mình bằng các hành động pháp lý, bao gồm việc khởi kiện Huawei. Điều này là phù hợp với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật", đại diện Huawei cho biết.
Li muốn chính CEO Nhậm Chính Phi xin lỗi mình.
Huawei hứng chịu chỉ trích dữ dội từ dư luận vì hành động ‘chơi bẩn’
Được biết, vụ việc của Li đã bị phanh phui công khai vào cuối tháng 11 vừa qua. Một tài liệu được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy Li được chính phủ Trung Quốc bồi thường 107.522 nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD) vì phải ngồi tù oan từ tháng 12/2018 đến 8/2019. Tài liệu này được cho là bị rò rỉ từ văn phòng công tố của một quận ở thành phố Thâm Quyến.
Huawei sau đó đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt từ dư luận và truyền thông tại Trung Quốc. Hầu hết các ý kiến chỉ trích đều yêu cầu Huawei phải đưa ra lời xin lỗi tới Li Hongyuan.
Theo Reuters, đây là một sự kiện được đánh giá là ‘hiếm thấy’ trong bối cảnh công ty công nghệ này đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người dân Trung Quốc.
Sau khi Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen, hãng này đã tập trung hơn vào việc kinh doanh tại thị trường nội địa. Hiện tại, Huawei đang đạt thị phần kỉ lục tại thị trường điện thoại Trung Quốc, chiếm tới 42%. Tuy nhiên, vụ việc vừa qua đã khiến nhiều người dân Trung Quốc quay lưng lại với hãng công nghệ này.
"Lần này, Huawei đã phụ lòng những người luôn ủng hộ hãng", ông Hu Xijin, tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu viết trên Weibo. Hiện tại, trên mạng xã hội này cũng xuất hiện rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm với cựu nhân viên Huawei, đồng thời chỉ trích gay gắt hành động "chơi bẩn" của hãng công nghệ Trung Quốc.
"Bạn tốt nghiệp từ một trong các trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Bạn làm việc tới 6 ngày trong một tuần, mỗi ngày 12 tiếng. Để rồi bạn bị sa thải ở tuổi 35, thậm chí bị tạm giam trong 251 ngày khi đòi quyền lợi chính đáng của mình", một người dùng Weibo "cảm thán" về vụ việc.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?
Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.
Loài cá 50 triệu năm tuổi này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong suốt 200 năm!