Huawei vừa tuyên chiến (gián tiếp) tới Xiaomi và OPPO

    Liam,  

    "Dằn mặt" Android đâu phải là chỉ "dằn mặt" riêng mình Google?

    Cuối cùng thì những ngày tháng "cầu hòa" của Huawei cũng đã chấm dứt. Không còn ca ngợi Apple, cũng không còn ôn lại "tình xưa nghĩa cũ" với Google, mới đây CEO, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã đưa ra lời đe dọa trực tiếp nhất tới nước Mỹ:

    Huawei vừa tuyên chiến (gián tiếp) tới Xiaomi và OPPO - Ảnh 1.

    "Nếu chính phủ Mỹ không cho phép Google cung cấp hệ điều hành Android (cho Huawei), thế giới sẽ có hệ điều hành thứ ba – và điều đó sẽ không phải là lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ".

    Không còn đường nào khác

    Không khó để hiểu vì sao ông Nhậm lại bỗng dưng thay đổi thái độ. Nếu theo lịch ra mắt mọi năm, mẫu đầu bảng cuối năm của Huawei chỉ còn 2 tháng trước ngày ra mắt công chúng. Con đường Android (hay nói chính xác hơn là Android của Google) vẫn đang đóng chặt. Huawei đang thực sự đứng trước nguy cơ phải đối đầu cùng Google. Các nhà lãnh đạo Huawei không còn lựa chọn nào khác: đã đến lúc phải đe dọa và chê bai Android.

    Google có cần phải sợ hãi? Hãy cùng xem: Cách đây 10 ngày, trong buổi lễ vén màn HarmonyOS, CEO mảng di động Richard Yu vẫn còn khẳng định hệ điều hành của riêng Huawei vẫn sẽ chỉ là "kế hoạch B" cho chiếc Mate 30 sắp tới. Kế hoạch A là Android, dù HarmonyOS theo lời Huawei có vẻ vượt trội hơn hẳn (??).

    Huawei vừa tuyên chiến (gián tiếp) tới Xiaomi và OPPO - Ảnh 2.

    2 hãng đồng hương: Là anh em, hay đối thủ cay đắng?

    Cứ cho là HarmonyOS thực sự mạnh, Google vẫn còn một vũ khí khác: các công ty đồng hương của Huawei. Xiaomi chẳng hạn: từ khi chính phủ Mỹ lần đầu tiên ra lệnh cấm đối với Huawei và ZTE, Xiaomi đến giờ vẫn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ phát ngôn hay văn bản nào của chính quyền Mỹ.

    Đáng nói hơn, OnePlus, thương hiệu cùng "nhà" BKK với OPPO và Vivo, hiện tại vẫn được kinh doanh thoải mái tại Mỹ. Motorola, thương hiệu Mỹ nay trực thuộc Lenovo (Trung Quốc), cũng vẫn đang được bày bán rộng rãi tại các nhà mạng lớn. Các thương hiệu này có thể phải đối mặt với hàng rào thuế quan gia tăng, nhưng đó lại là vấn đề mà chính các công ty Mỹ cũng gặp phải.

    Chỉ riêng mình Huawei 

    Ngoại trừ Huawei, chẳng có thương hiệu smartphone Trung Quốc nào khác đang nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ. Với Huawei, các thương hiệu này chẳng phải là anh em, mà là đối thủ. Đến Ấn Độ, đến Việt Nam, đến Mỹ Latin hay châu Âu, họ dùng Android của Google, họ bán ra những chiếc điện thoại có cài đầy đủ Google Play, Gmail, YouTube, Maps... Huawei tuyên chiến với Android là tuyên chiến với Mi A3, với OPPO K3, với Vivo V17 và hàng (trăm) triệu mẫu smartphone Trung Quốc khác bán ra trên toàn cầu.

    Huawei vừa tuyên chiến (gián tiếp) tới Xiaomi và OPPO - Ảnh 3.

    Với thị phần đứng đầu tại Ấn Độ, Xiaomi có bỏ Android để chuyển sang HarmonyOS?

    Hãy thử đặt mình vào vị trí của Xiaomi hay OPPO. Liệu họ có chọn một hệ điều hành sơ khai, đến từ một đối thủ cạnh tranh trực tiếp? Liệu họ có sẵn sàng đặt cược vào một hệ điều hành mới và rồi chứng kiến thị phần của mình bay biến vào tay Samsung – như những gì đã từng xảy ra cùng Windows Phone và Nokia? Liệu họ có thể tin HarmonyOS, khi chính Huawei còn coi hệ điều hành này là "kế hoạch B"?

    "Anh không thể loại trừ khả năng rằng một ngày nào đó, một hệ điều hành thứ ba có thể vượt qua họ", ông Nhậm vừa nói. Trên lý thuyết, đúng, điều đó có thể xảy ra. Trong thực tế, Huawei cần phải vượt qua cuộc nội chiến smartphone lớn nhất lịch sử công nghệ Trung Quốc cái đã.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ