Hướng dẫn thiết lập PC để giúp đỡ các nhà khoa học đương đầu với COVID-19
Thông qua dự án Folding@home, bất kỳ ai với một chiếc máy tính đều có thể góp sức cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu virus corona.
Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang hoành hành, mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan. Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tụ tập đông người... là những hành động tuy đơn giản nhưng hết sức thiết thực.
Thế nhưng, nếu bạn muốn giúp đỡ nhiều hơn thế thì sao? Trong trường hợp bạn có một chiếc PC mà không phải lúc nào cũng dùng hết năng lực của nó, bạn có thể tham gia vào dự án Folding@home. Thông qua việc "đóng góp" tài nguyên hệ thống của mình, bạn đang giúp đỡ các nhà khoa học có thể xử lý các tác vụ nhanh hơn, giúp cho họ nhanh chóng hơn trong việc tìm ra biện pháp hoá giải virus corona.
Folding@home là một dự án lâu năm với sự hỗ trợ của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Intel, AMD, NVIDIA, Google và đã góp phần xây dựng hơn 223 báo cáo khoa học khác nhau, vì vậy người dùng có thể hoàn toàn tin tưởng khi tham gia.
Sau đây là cách người dùng có thể thiết lập Folding@home để giúp các nhà khoa học chống chọi với virus corona và đại dịch COVID-19.
Lưu ý: Dù Folding@home không yêu cầu cấu hình máy tính mạnh, tuy nhiên nếu máy tính của bạn đã quá chậm (đến độ ngay cả các tác vụ cơ bản như lướt web hay ứng dụng văn phòng cũng không đáp ứng tốt), thì bạn không nên tham gia vào dự án này vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu năng.
Bước 1: Tải về Folding@home tại địa chỉ https://foldingathome.org/start-folding/. Folding@home hỗ trợ Windows, macOS và Linux, trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung vào nền tảng Windows.
Bước 2: Cài đặt Folding@home như một phần mềm bình thường mà không cần điều chỉnh gì thêm.
Bước 3: Sau khi cài đặt thành công, Windows Firewall có thể sẽ xuất hiện và yêu cầu người dùng cấp phép cho ứng dụng "fahclient.exe". Hãy chấp thuận cho ứng dụng này bằng cách bấm "Allow access".
Bước 4: Lúc này một cửa số trình duyệt sẽ tự động hiện lên, trỏ về http://client.foldingathome.org. Có hai tuỳ chọn là "Fold as Anonymous" và "Set up an identity". Nếu người dùng muốn tích luỹ điểm hoặc tham gia vào một đội thì hãy chọn "Set up an identity", tuy nhiên đa số người dùng chỉ cần chọn "Fold as Anonymous" là được.
Bước 5: Đảm bảo rằng tuỳ chọn "Any disease" được lựa chọn dưới phần "I support research fighting". Folding@home cho phép người dùng có thể lựa chọn một loại bệnh nhất định để hỗ trợ, và COVID-19 nằm ở mục "Any disease". Ban quản trị Folding@home cho biết hiện COVID-19 đang là loại bệnh được ưu tiên xử lý hàng đầu.
Tới đây, Folding@home đã bắt đầu khởi chạy và công việc của người dùng đã xong. Tuy nhiên, người dùng có thể điều chỉnh một số thông số cơ bản như mức độ làm việc của Folding@home trong mục Power (Light là thấp nhất, Full là tối đa), hay thời điểm mà Folding@home sẽ làm việc (While I'm working: khi tôi đang làm việc, Only when idle: chỉ khi hệ thống rảnh).
Ngoài ra, nếu người dùng muốn điều chỉnh nâng cao, họ cũng có thể tìm đến ứng dụng "FAHControl" trong Start Menu.
Nếu người dùng không muốn sử dụng Folding@home nữa, họ cũng có thể gỡ bỏ bằng cách lựa chọn Uninstall.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming