Instagram, Facebook, hay Tinder đã "dụ" bạn vào tròng như thế nào?
Nếu sở hữu một chiếc smartphone, hẳn đã có lúc bạn vì quá rảnh nên đã mở điện thoại ra để xem có gì mới. Nhưng vì mục đích gì?
Có lẽ bạn muốn xem thử bạn bè mình đang làm gì, hay muốn kết nối với mọi người. Có lẽ bạn muốn mày mò đọc hay học ngoại ngữ, hoặc tìm bạn nói chuyện, hoặc chơi game.
Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nghiện smartphone? Không hẳn. Có những định nghĩa cụ thể về chứng nghiện smartphone nhưng không liên quan đến việc sử dụng smartphone quá mức. Và việc sử dụng các ứng dụng trên smartphone thường chỉ là một hình thức... giết thời gian mà thôi. Trước thời đại của smartphone, chúng ta thường lãnh phí thời gian theo nhiều cách khác.
Jonathan Kay - Giám đốc điều hành của tập đoàn phân tích ứng dụng Apptopia - đã đưa ra một tên gọi cho việc này: "thời gian bị thay thế".
Ông cho rằng: "Tôi nghĩ điều diễn ra ở đây là mọi người đang dần thay thế khoảng thời gian lẽ ra dùng để xem TV vào việc sử dụng điện thoại. Đó không phải là thời gian thêm vào. Đó là thời gian bị thay thế từ loại hình này sang loại hình khác".
Thế nhưng, có những khác biệt quan trọng giữ việc dành thời gian rảnh vào điện thoại thay vì các loại hình khác. Đầu tiên, khi dùng điện thoại, chúng ta toàn quyền lựa chọn nội dung mình muốn xem thay vì xem các nội dung được người khác lựa chọn, như phim hài trên TV, và đó là điều khiến điện thoại trở nên cám dỗ hơn nhiều.
Một lý do khác là các nhà phát triển ứng dụng đã sử dụng nhiều thủ thuật có chủ đích để thu hút sự chú ý của bạn. Các ứng dụng này không đơn giản là nằm đó và đợi bạn đụng tới khi có thời gian rảnh đâu!
"Tôi nghĩ người ta muốn bị cuốn vào" - Kay nói - "Vậy nó việc này trở thành một trò chơi để xem ai thông minh hơn trong việc thu hút sự chú ý".
Nhiều thủ thuật được các nhà phát triển sử dụng đã được chứng minh là cực kỳ thành công trong việc "dụ dỗ" người dùng. Một trong số chúng không có mục đích gì hơn là tìm cách điều khiển hành vi của người dùng, trong khi một số khác không "mờ ám" đến vậy và chỉ là một trong những yếu tố mang lại sự hữu dụng cho sản phẩm.
Nhưng chúng đều có một mục tiêu chung là cuốn bạn vào và tìm cách giữ chân sự chú ý của bạn. Dưới đây là những thủ thuật được sử dụng bởi Instagram, Facebook, Tinder, hay nhiều ứng dụng khác:
Instagram gởi hàng tá thông báo mỗi tuần và tận dụng tính năng "Stories" để thu hút bạn
Có thể nói Instagram là một trong những ứng dụng dễ gây nghiện nhất từng xuất hiện.
Có nhiều lý do khiến bạn dễ bị cuốn vào Instagram: thói quen chụp ảnh và video, các bộ lọc tuyệt đẹp, và thói quen sử dụng mạng xã hội.
Nhưng Instagram có chiến thuật riêng để luôn khiến bạn bận rộn.
Nếu bạn bật thông báo trên Instagram, bạn sẽ thường xuyên nhận được tin nhắn như: ai đó vừa đăng Story đầu tiên, một người bạn Facebook vừa dùng Instagram, và ai đó bạn theo dõi trên Instagram đang quay live video.
Bạn có thể tùy biến và giới hạn những thông báo này, nhưng chúng đều bị ẩn sau trong phần cài đặt, và mặc định, Instagram sẽ thông báo với bạn về mọi thứ.
Theo nghiên cứu từ tập đoàn phân tích di động Urban Airship thì chiến thuật này đặc biệt thành công: việc gởi đi các thông báo đẩy mỗi tuần giúp Instagram tăng gấp đôi số lượt quay lại của người dùng iOS và tăng gấp 6 lần đối với người dùng Android.
"Thông báo đẩy chỉ là bước đầu trong chiến thuật" - Randy Nelson, nhà phân tích từ tập đoàn phân tích ứng dụng Sensor Tower cho biết - "Chúng cứ như nói thẳng với bạn rằng mở ứng dụng lên đi. Đây là hành vi công khai nhất mà các ứng dụng này thực hiện, và là một phần quan trọng nhằm lôi kéo người dùng trở lại".
Instagram còn có nhiều cách khác để thu hút sự chú ý của bạn, đáng chú ý nhất là Instagram Stories.
Khi Stories lần đầu được giới thiệu vào tháng 8/2016, người ta dè bỉu nó chỉ là bản copy của Snapchat Stories. Nhưng Instagram đã làm lu mờ Snapchat chỉ sau một năm, và lý do vì sao thì ai cũng có thể thấy được.
Instagram Stories được tích hợp các bộ lọc khuôn mặt vui nhộn, các hoạt họa và nhãn dãn có thể được tùy biến tùy theo địa điểm và nhiệt độ hiện thời. Chỉ tính riêng điều này thôi Instagram Stories đã đáng để bỏ thời gian "vọc vạch" rồi.
Nhưng đó là cách Instagram khuyến khích mọi người xem Stories và khiến họ "nghiện" tính năng này. Stories là thứ đầu tiên bạn thấy khi mở ứng dụng - chúng được đặt ngay trên đỉnh màn hình - và chúng cũng thỉnh thoảng xuất hiện ở giữa màn hình trong khi bạn đang lướt feed.
Đáng nói hơn nữa, sau khi đã xem xong Story của một người, bạn sẽ được tự động chuyển sang Story của người kế tiếp mà chẳng cần phải bấm bất kỳ nút nào cả. Nếu bạn không tự tay mình thoát khỏi giao diện Stories, rất có thể bạn sẽ "phung phí" đến vài phút cho tới khi chúng kết thúc.
Twitter sử dụng các mánh khóe tâm lý để "dụ" bạn, giống như các máy đánh bạc tại sòng bài
Một trong những phương thức phổ biến thường được các ứng dụng và nền tảng sử dụng để giữ sự chú ý của người dùng lại không phải được các chuyên gia công nghệ phát minh ra. Đó là một mánh khóe tâm lý thường được vận dụng trong các sòng bạc, với tên gọi là "lịch trình tỉ lệ biến thiên"
Khái niệm này đề cập đến việc khi một hành động được thưởng, nhưng ở những thời điểm khác nhau. Người dùng không biết lúc nào họ sẽ được thưởng, chỉ biết là... sẽ được thưởng - và việc thưởng này cũng chẳng theo một trật tự hay kế hoạch nào cả. Đó chính là phương thức hoạt động của máy đánh bạc. Mỗi lần bạn kéo cần, bạn có thể thắng một khoản nhỏ, một phần thưởng khổng lồ, hay chẳng được gì.
Theo như Tristan Harris thì nhiều ứng dụng cũng hoạt động tương tự như vậy. Harris đã từng có kinh nghiệm 3 năm làm việc tại Google với vai trò một nhà "đạo đức thiết kế", và thường xuyên viết các chủ đề về chứng nghiện smartphone, cũng như lập nên một tổ chức phi lợi nhuận nhằm nghiên cứu về chủ đề này. Trong một bài luận văn vào năm 2016, Harris đã so sánh "lịch trình tỉ lệ biến thiên" - phương thức của máy đánh bạc - với chiến thuật mà nhiều ứng dụng di động đã ứng dụng.
Khi bạn vuốt ngón tay từ trên xuống dưới trong Twitter, một vòng xoay sẽ xuất hiện cho thấy ứng dụng đang tải thêm nội dung. Bạn không biết cái gì sẽ hiện ra tiếp theo, nhưng bạn hi vọng sẽ là một thứ gì đó mới mẻ và hấp dẫn. Đôi lúc bạn sẽ được như ý, đôi lúc lại không.
Twitter còn ứng dụng thủ thuật này theo một vài cách khác. Mỗi khi bạn mở ứng dụng Twitter lên, bạn sẽ thấy màn hình xanh vài giây, sau đó logo chú chim trắng xuất hiện, và cuối cùng mới đến nội dung feed. Nhiều người sẽ cho rằng nguyên nhân là do mạng chậm, hay ứng dụng phải tải xuống nhiều nội dung, hay điện thoại chậm... nhưng tất cả đều không phải. Nó xuất hiện mọi lúc bạn mở ứng dụng Twitter, không kể nơi bạn đang đứng hay thiết bị của bạn nhanh hay chậm.
Khoảng chậm trễ vài giây đó là lúc bạn không rõ mình sẽ thấy được gì, và là khoảng thời gian cực kỳ cám dỗ. Có thể bạn sẽ được "thưởng" bằng các Tweet mới, hoặc có thể bạn sẽ thấy những thứ bạn đã đọc ngày hôm qua rồi. Bạn không biết bạn sẽ được thứ gì, và đó chính là lý do bạn sẽ quay trở lại nhiều lần sau nữa.
Twitter không phải là ứng dụng duy nhất sử dụng mánh khóe này. Các ứng dụng như Instagram và Facebook đều sử dụng nó.
Duolingo đánh vào tâm lý "sợ bỏ lỡ" của con người
Duolingo là ứng dụng học ngoại ngữ hàng đầu trên App Store, với một mục tiêu "cao cả": giúp mọi người học ngoại ngữ miễn phí.
Ngay cả vậy, Duolingo cũng sử dụng các chiến thuật vốn được giới làm game ứng dụng để khiến người chơi quay lại lần sau.
Mỗi khi bắt đầu một khóa học với Duolingo, người dùng sẽ phải chọn một mục tiêu thời gian học mỗi ngày. Ứng dụng sẽ theo dõi xem bạn thực hiện mục tiêu đó như thế nào và tặng thưởng nếu bạn sử dụng nó nhiều ngày liên tục.
Đây được gọi là "hiệu ứng sợ bỏ lỡ" (FOMO). Với các game hay ứng dụng tương tự Duolingo, hiệu ứng FOMO được ứng dụng để đạt các phần thưởng.
Nếu bạn không hoàn thành một bài học trên ứng dụng mỗi ngày, bạn sẽ không duy trì được chuỗi ngày liên tục, tức là bạn sẽ không mở khóa được một số loại phần thưởng.
Bằng cách mở ứng dụng lên, bạn sẽ trút được nỗi lo rằng có lẽ mình đã bỏ lỡ thứ gì đó rất quan trọng.
Facebook giữ vững vị trí một trong những ứng dụng được dùng nhiều nhất thế giới
Facebook sở hữu Instagram, do đó không ngạc nhiên khi hai ứng dụng này sử dụng các phương thức tương tự nhau để níu chân người dùng. Và rõ ràng phương thức mà họ sử dụng hoạt động rất hiệu quả: Facebook hầu như luôn nằm trong top 5 ứng dụng miễn phí trên App Store, và tại Mỹ thì đây là ứng dụng được dùng nhiều nhất.
Một phương thức độc nhất mà Facebook sử dụng là giúp bạn đăng nhập vào các ứng dụng khác. Thay vì phải tạo một username và password mới cho từng ứng dụng bạn tải về, bạn có thể sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập. Do đó việc có một tài khoản Facebook bỗng trở nên cực kỳ tiện lợi.
Trong nhiều năm gần đây, Facebook đã tìm cách trở thành cuốn sách ghi lại mọi thứ trong cuộc sống của người dùng. Tính năng Memories của nó theo dõi cuộc sống thường ngày của bạn từ khi bạn bắt đầu sử dụng Facebook - mà đối với nhiều người có thể lên đến ít nhất 10 năm. Memories sẽ lưu trữ mọi bài viết, hình ảnh, bạn bè..., sau đó báo cho bạn mỗi ngày, khiến bạn phải mở ứng dụng ra để xem 4 hay 8 năm trước mình làm gì.
Facebook còn theo dõi ngày sinh nhật của bạn bè bạn, cũng như ngày kỷ niệm bạn và người đó kết bạn trên Facebook, sau đó tạo ra các đoạn video ngắn để ăn mừng.
Theo nhiều cách khác nhau, Facebook đã vượt qua giới hạn của một ứng dụng mạng xã hội đơn thuần. Facebook ngày nay đã trở thành một công cụ để theo dõi đời sống xã hội của người dùng.
Các ứng dụng khác:
LinkedIn sử dụng khái niệm "có đi có lại": nằm trong top 100 của App Store và phổ biến thứ 6 trong số các ứng dụng mạng xã hội, LinkedIn sử dụng một chiến thuật tâm lý nổi tiếng khác để "dụ dỗ" người dùng là "có đi có lại" - tức "tôi sẽ gãi lưng cho anh nếu anh gãi lại lưng cho tôi". Ví dụ: khi ai đó gởi lời mời kết bạn cho bạn, ngay bên dưới lời mời là một danh sách người dùng mà bạn có thể kết nối với họ. LinkedIn biến việc kết bạn một cách vô thức thành một nghĩa vụ mà hàng triệu người "cảm thấy có trách nhiệm phải trả".
Game Two Dots sử dụng màu sắc để khiến người dùng chú ý: nhà phát triển của game này thường xuyên thay đổi màu sắc biểu tượng ứng dụng. Bởi theo COO Apptopia Kay thì: "Bạn nhìn vào màn hình mỗi ngày, và mọi thứ bắt đầu trông giống hệt nhau. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ rất thú vị. Nếu bạn đang chạy bộ, bạn sẽ phải dừng lại để mở ứng dụng lên xem". Ngoài ra, game này còn đưa ra các thử thách tính giờ, khuyến khích người dùng mở ứng dụng và chơi trước khi thời gian chấm dứt.
Snapchat sử dụng tính năng Snapstreaks - hiển thị bạn và bạn bè đã gởi Snap cho nhau trong bao nhiêu ngày liên tiếp. Nếu bạn không hoạt động trong vòng 24 tiếng, chuỗi streak này sẽ bị phá bỏ. Tính năng này cũng tận dụng lợi thế của "hiệu ứng sợ bỏ lỡ", bởi nếu chuỗi Streak bị phá bỏ, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội được chém gió về thành tích của mình.
HQ Trivia cho bạn biết một con số hữu hạn liên quan đến khả năng trúng giải thưởng tiền mặt. Chiến thuật này tương tự như hiệu ứng máy đánh bạc: người chơi tìm cách quay lại game bởi đó có thể là ngày họ trúng thưởng, ngay cả khi cơ hội thực tế là hầu như không có.
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"