Intel loay hoay trong cuộc chiến chip: Bị TSMC, Samsung vượt mặt, khó khăn nhưng vẫn cố mở thêm nhà máy, dừng không được, tiếp tục cũng chẳng xong
Siêu nhà máy của Intel tại Đức được đánh giá là dự án nhận tiền hỗ trợ nhiều nhất kể từ sau năm 1945.
- Trung Quốc ra đòn trả đũa trong cuộc chiến chip với Mỹ, lộ diện mục tiêu đầu tiên
- Thay đổi ngược đời tại Intel: thuê đối tác khác sản xuất chip, còn mảng sản xuất chip lại nhận gia công cho đối tác khác
- Dùng loại chip 'nhà làm' ra mắt từ 2016, hiệu năng siêu máy tính Google vượt mặt hệ thống của NVIDIA mặc cho đối thủ đang dẫn đầu thị trường chip AI
Theo tờ Financial Times (FT), chính phủ Đức đang gây sức ép để Intel mở rộng dự án siêu nhà máy sản xuất chip bán dẫn 17 tỷ Euro của mình tại đây nếu muốn được nhận nhiều ưu đãi hơn nữa. Đây được coi là một trong những dự án nhận được nhiều ưu đãi nhất của Đức kể từ sau năm 1945.
Ban đầu, Intel được nhận 6,8 tỷ Euro tiền hỗ trợ của chính quyền Berlin trong việc xây dựng siêu nhà máy chip trên tại miền Đông thành phố Magdeburg.
Tuy nhiên nguồn tin của FT cho biết tập đoàn đến từ Mỹ này muốn chính phủ tài trợ ít nhất 10 tỷ Euro với lý do chi phí năng lượng và xây dựng tăng cao. Đáp trả, chính quyền Berlin đồng ý nâng mức hỗ trợ với điều kiện Intel cũng phải mở rộng dự án đầu tư, đổ thêm tiền vào đây.
“Đây là điều hợp lý khi quy mô dự án mở rộng thì tiền hỗ trợ cũng sẽ tăng lên”, bộ trưởng kinh tế Sven Schulze của miền đông bang Saxony Anhalt, nơi thành phố Magdeburg là thủ phủ, cho biết.
“Chúng tôi muốn Intel cũng phải gia tăng đầu tư một cách công bằng, sòng phẳng”, một quan chức chính phủ khác của Đức nói.
Không có tiền
Tờ FT nhận định việc Intel bị buộc mở rộng quy mô dự án là điều khó khăn cho công ty hiện nay bởi tình hình tài chính của hãng đang khá căng thẳng. Sau khi bị hàng loạt đối thủ như TSMC, Nvidia, Samsung hay thậm chí AMD vượt mặt, giờ đây Intel chỉ còn là cái bóng của chính mình năm xưa. Những sản phẩm chip của hãng đã tụt hậu về công nghệ rất nhiều so với những ông lớn trong ngành.
Gần đây, Intel cũng đã phải tuyên bố sẽ hạn chế chi tiêu đầu tư trong năm 2023 do doanh số sụt giảm sâu, buộc hãng phải tiết kiệm tài chính. Mặc dù vậy, hàng loạt những dự án siêu nhà máy mà Intel đã cam kết tại Mỹ lẫn Châu Âu thì khó có thể hủy bỏ do cuộc chạy đua công nghệ với Trung Quốc gây ra những mối liên hệ phức tạp về địa chính trị.
Cuộc đàm phán giữa Intel và Đức diễn ra trong bối cảnh chính quyền Washington đang đổ hàng trăm tỷ USD tài trợ ngành sản xuất chip trong nước. Điều này đã tạo sức ép khiến Liên minh Châu Âu (EU) cũng buộc phải tài trợ các dự án mang tính rủi ro như của Intel.
Các quan chức Đức cho biết ngân sách tài trợ cho siêu dự án của Intel nằm trong gói Đạo luật “European Chips Act”, một đối trọng của đạo luật Chips Act khác tại Mỹ, với hơn 43 tỷ Euro đầu tư cho mảng sản xuất chip. Tuy nhiên khoản tiền này vẫn đang được thương thảo về việc nó có vi phạm bất kỳ điều khoản cứu trợ nào của EU hay không.
Vào tháng 3/2022, Intel đã tuyên bố sẽ xây dựng siêu nhà máy tại Magdeburg thành một công xưởng tiên tiến hiện đại nhất thế giới về sản xuất chip điện tử. Dự án được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.
Dự án này là một trong những cố gắng của Intel nhằm đuổi theo đối thủ TSMC, đồng thời là trung tâm của một kế hoạch dài hơi suốt 10 năm với tổng trị giá lên đến 80 tỷ Euro bao gồm cả ngân sách hỗ trợ từ chính phủ Châu Âu.
Mục tiêu của kế hoạch này là nâng gấp đôi thị phần chip bán dẫn của EU từ chưa đến 10% hiện nay lên 20% vào năm 2030.
Đồng thời, dự án của Intel cũng là trọng tâm trong kế hoạch của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm giảm sự phụ thuộc với các nhà cung ứng chip Châu Á trong những mảng như smartphone hay xe điện.
Lỗi tại ai?
Trớ trêu thay, kể từ khi Intel công bố dự án đến nay, giá nhiên liệu ở Đức đã tăng vọt do Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu.
Trong khi đó, lạm phát tăng cao khiến chi phí xây dựng cũng đi lên, qua đó buộc Intel phải kêu gọi thêm tiền hỗ trợ từ chính phủ Đức.
Phía Intel cho biết họ cùng chia sẻ tầm nhìn của chính phủ Đức trong kế hoạch xây dựng một chuỗi cung ứng chip linh hoạt hơn trên toàn cầu thông qua gia tăng sản lượng tại Châu Âu.
Hiện Intel vẫn cam kết thực hiện dự án dù có biến động về chi phí. Công ty đã ký thỏa thuận mua khu đất xây dựng dự án vào tháng 11/2022.
Phía chính phủ Đức thì cho biết họ vẫn đang thảo luận để thu hẹp chi phí của dự án trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đều tăng cao suốt vài tháng qua.
*Nguồn: FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"