Trung Quốc ra đòn trả đũa trong cuộc chiến chip với Mỹ, lộ diện mục tiêu đầu tiên
Khi Washington đưa ra các biện pháp kiểm soát sâu rộng để hạn chế xuất khẩu chip và thiết bị sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ “bắt nạt” trong lĩnh vực công nghệ và các biện pháp này “vi phạm tinh thần hợp tác”.
- Dùng loại chip 'nhà làm' ra mắt từ 2016, hiệu năng siêu máy tính Google vượt mặt hệ thống của NVIDIA mặc cho đối thủ đang dẫn đầu thị trường chip AI
- Nhu cầu máy Mac lao dốc, Apple dừng sản xuất chip M2
- Nổi tiếng có thể 'copy' mọi thứ, vì sao Trung Quốc bó tay không thể làm chip nhớ, đốt hàng chục tỷ USD vẫn chưa thành công?
Theo tờ Financial Times, những phản ứng như vậy phản ánh sự phụ thuộc của ngành công nghiệp Trung Quốc vào công nghệ chip nước ngoài và Trung Quốc cần phải thực hiện các biện pháp trả đũa một cách cẩn thận.
Từ mùa thu năm 2022, Mỹ đã ban hành những hạn chế nghiêm ngặt nhằm vào hoạt động xuất khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất chip hiện đại. Washington cũng hạn chế công dân Mỹ tham gia các chương trình sản xuất chip có liên quan doanh nghiệp Trung Quốc.
Công nghệ của Micron có thể dễ dàng thay thế
Bắc Kinh cuối cùng đã ‘phản công’ vào đầu tháng này, với việc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo điều tra nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology có trụ sở tại Idaho (Mỹ) vì lý do an ninh quốc gia.
CAC cho biết, họ sẽ xem xét hoạt động nhập khẩu các sản phẩm của Micron để đảm bảo tính bảo mật cho cơ sở hạ tầng thông tin của mình.
Theo Financial Times, những người trong ngành cho biết, Micron - công ty có 11% doanh thu ở Trung Quốc đại lục và 5% khác ở Hồng Kông - rõ ràng là mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh vì công nghệ của Micron có thể dễ dàng thay thế bằng chip của đối thủ cạnh tranh , nếu cuối cùng Trung Quốc quyết định ban hành lệnh cấm.
Micron cũng đang giảm một số hoạt động ở Trung Quốc đại lục, trong khi tăng đầu tư vào Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành tin rằng, bất kỳ sự trả đũa nào cũng sẽ bị hạn chế do sự phụ thuộc của Trung Quốc vào chip trí tuệ nhân tạo (AI) do Nvidia sản xuất, và các bộ vi xử lý khác do Intel và Qualcomm sản xuất, mà những nhà sản xuất này đều tới từ Mỹ.
Mark Li - nhà phân tích chất bán dẫn cấp cao tại công ty Bernstein có trụ sở tại New York - nói: “Các chip nhớ đã được tiêu chuẩn hóa nên việc chuyển đổi nhà cung cấp từ Mỹ sang không phải Mỹ sẽ rất dễ dàng”, đồng thời cho biết thêm rằng các tập đoàn Hàn Quốc, như Samsung và SK Hynix, sẽ thay thế hầu hết các đơn hàng của Micron tại Trung Quốc.
Wang Lifu - một nhà phân tích chip tại ICWise, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải - cho biết, Bắc Kinh coi Micron có “một vai trò không thân thiện trong ngành công nghiệp bán dẫn của nước này”.
Ông Wang chỉ ra hành động pháp lý của Micron chống lại các đối thủ Trung Quốc vì hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và vai trò bị cáo buộc của Micron trong việc “vận động hành lang Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc” .
Paul Triolo - một chuyên gia về công nghệ Trung Quốc tại công ty tư vấn Albright Stonebridge (Mỹ) - cho biết, Micron được coi là “ủng hộ các biện pháp kiểm soát cụ thể” nhằm “hạn chế nghiêm ngặt nhà sản xuất bộ nhớ dẫn đầu Trung Quốc YMTC” .
Theo tờ Financial Times, năm ngoái, Mỹ đã cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất chip nhớ NAND từ 128 lớp trở lên – loại chip cao cấp nhất của YMTC.
Doanh nghiệp Trung Quốc không được nhiều lợi ích
Giá trị cổ phiếu của các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng này sau tin tức về cuộc điều tra đối với Micron. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, các đối thủ trong Trung Quốc sẽ không nhận được nhiều lợi ích từ cuộc điều tra.
“Không có một Micron tương tự ở Trung Quốc. Chỉ có các công ty chip nhớ nhỏ tạo ra các sản phẩm lạc hậu và dành cho thị trường ngách” , nhà phân tích Li nói.
Micron trong một tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ với CAC và đang hợp tác đầy đủ. Việc vận chuyển sản phẩm, kỹ thuật, sản xuất, bán hàng và các hoạt động khác đang hoạt động bình thường. Micron cam kết thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh với sự liêm chính không thỏa hiệp và chúng tôi giữ vững cam kết về sự an toàn của sản phẩm và khách hàng của mình.”
Carolyn Bigg - người đứng đầu nhóm an ninh mạng tại công ty luật DLA Piper ở Hồng Kông – nói: “Cuộc điều tra của CAC có thể khiến Micron ngừng hoạt động ở Trung Quốc. Không giống như châu Âu, nơi các công ty bị phạt vì vi phạm các quy tắc an ninh mạng, ở Trung Quốc, họ có thể bị tước giấy phép hoạt động.”
Các nhà phân tích cho rằng, tác động thương mại sẽ bị hạn chế nếu Micron bị buộc rời khỏi thị trường Trung Quốc. “Micron có thể dễ dàng chuyển hướng sang nơi khác. Chip nhớ được tiêu chuẩn hóa, vì vậy chip dành cho Lenovo có thể dễ dàng được chuyển hướng bán cho Dell” , nhà phân tích Li nói.
Theo tờ Financial Times, năm ngoái, Micron đã đóng cửa một cơ sở thiết kế chip ở Thượng Hải, và các kỹ sư của cơ sở này được cho là đã được yêu cầu chuyển đến Mỹ hoặc Ấn Độ. Micron cũng đã công bố khoản đầu tư 20 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ trong quá trình tái cân bằng hoạt động sản xuất toàn cầu của mình, việc này sẽ chuyển hoạt động sản xuất tiên tiến nhất của hãng trở lại Mỹ.
Tuy nhiên, Micron vẫn còn khoảng 3.000 nhân viên ở Trung Quốc, hầu hết làm việc tại một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm ở thành phố Tây An.
Về lâu dài, những người trong ngành nói rằng, đó là một tín hiệu rõ ràng từ Bắc Kinh đối với ngành công nghệ của họ để đẩy nhanh nỗ lực "phi Mỹ hóa" chuỗi cung ứng.
“Rõ ràng là các công ty công nghệ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm các nguồn cung cấp khác nhau ở những nơi họ có thể” , giám đốc điều hành cấp cao của một nhóm phát triển trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cho biết.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"