Cơ thể con người sống trong vũ trụ sẽ bị biến dạng như thế nào?

    NhungNg,  

    Cuộc sống trong môi trường không trọng lực kéo dài có thể gây nhiều tác động đáng lưu ý đến cơ thể con người như teo cơ, chân nhỏ đi và khuôn mặt tròn trịa hơn lúc ở Trái đất.

    1. Xương sống dài ra

    Các phi hành gia có thể cao thêm tới 3% trong môi trường lơ lửng của vũ trụ. Hiện tượng này xảy ra bởi môi trường không trọng lực trong vũ trụ sẽ là chất xúc tác khiến các đĩa đệm cột sống vốn khá mềm sẽ tiếp tục thay đổi kích thước, thường là nở rộng hơn trước (tương tự với việc lò xo giãn dài ra khi giảm áp lực lên 2 đầu lò xo). Chính vì thế, chiều cao này sẽ không duy trì vĩnh viễn. Sau khi trở lại Trái đất một vài tháng, cột sống của phi hành gia sẽ dần trở lại với kích thước cũ.

     

    2. Teo cơ

    Trong môi trường chân không lơ lửng này, một thân hình “vai u thịt bắp” cũng không khiến bạn khỏe mạnh hơn. Khi được đưa vào vũ trụ, các cơ bắp của phi hành gia sẽ gần như ngay lập tức co rút và teo nhỏ. Đây chính là lý do tại sao luôn thường trực một chiếc máy tập gym trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Luyện tập thể thao là cách tốt nhất giúp các phi hành gia duy trì lượng cơ bắp cần thiết. Theo thông tin từ NASA, họ thường dành khoảng 2 tiếng/ngày để tập luyện trên chiếc máy tập chuyên dụng cho môi trường chân không.

     

    3. Khuôn mặt sưng phù

    Phần lớn cơ thể chúng ta được cấu thành từ chất lỏng. Do chịu tác động của lực hút Trái đất, phần lớn chất lỏng sẽ tập trung vào nửa dưới của cơ thể. Vậy trong môi trường chân không thì sao? Khi không còn sức hút, lượng chất lỏng trong cơ thể sẽ phân bố đều khắp cơ thể, chính vì vậy, khuôn mặt của các phi hành gia thường bị sưng phù trong khi đùi và chân lại… thon hơn bình thường. Sau một vài tuần lơ lửng trong vũ trụ, lượng chất lỏng đó sẽ dần thích nghi với sự thay đổi về trọng lực của môi trường mới, khiến hiện tượng sưng phù dần biến mất.

     

    4. Loãng xương

    Nếu không ăn uống đủ chất và chăm chỉ tập luyện thường xuyên trên vũ trụ, các phi hành gia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất 1% mật độ cấu thành xương trong cơ thể mỗi tháng, đồng nghĩa với việc đi xuống của chất lượng xương. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm bởi khi trở lại Trái đất, mật độ cấu trúc xương giảm sẽ khiến phi hành gia rất dễ mắc bệnh loãng xương hay gãy xương, tương tự với những bệnh nhân xương thủy tinh.

     

    5. Thị lực giảm

    Một nghiên cứu năm 2013 đã tiến hành kiểm tra thị lực của 27 phi hành gia từng trải qua 108 ngày trên Trạm ISS trước đó. Các nhà nghiên cứu của NASA nhận thấy, phần lớn các phi hành gia đều mắc các tật về thị lực sau khi trở về từ không gian. Kết quả sau khi chụp cộng hưởng từ cho thấy 9 phi hành gia đều bị sưng nề xung quanh dây thần kinh thị giác, và 6 người khác có nhãn cầu bị san phẳng về phía sau. Theo báo cáo của NASA, những di chứng này hoàn toàn không thể hồi phục lại như trước.

     

    6. Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng

    Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2014, cuộc sống ngoài không gian có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của các phi hành gia. Theo chuyên gia nghiên cứu sinh học và miễn dịch học Brian Crucian của NASA, “Những nguyên nhân như bức xạ, vi khuẩn, căng thẳng, trọng lực, thay đổi chu kỳ giấc ngủ… đều có thể khiến hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng tiêu cực. Nếu kéo dài, tình trạng này rất có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, chứng quá mẫn hoặc tự miễn dịch cho cơ thể”. Nghiên cứu này cũng chỉ ra hệ thống miễn dịch bị đình trệ rất có thể sẽ “đánh thức” và trở thành miếng mồi béo bở của các virus tiềm ẩn bên trong cơ thể như virus thủy đậu, cho dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng về sự tồn tại của chúng trong cơ thể người trong vũ trụ.

     

    7. Rối loạn giấc ngủ

    Để có thể ngủ một cách “bình thường”, các phi hành buộc phải tự “trói” mình vào túi ngủ hàng đêm. Trong môi trường không trọng lực, khi đã chìm vào giấc ngủ, phần đầu của họ sẽ có xu hướng ngẩng lên cao và cánh tay sẽ thả lỏng và hướng lên trên. Đương nhiên sẽ rất khó để thích nghi với tư thế ngủ khá kỳ cục này khi “mở mắt và thấy cánh tay của ai đó đang lơ lửng trước mặt mình, nhưng thực ra đó lại chính là tay bạn!”, nữ phi hành gia Marsha Ivins chia sẻ. Thế nhưng, đó chưa phải khó khăn duy nhất khi ngủ trong không gian. Phần lớn các phi hành gia đều cho biết, giấc ngủ của họ thường xuyên bị gián đoạn bởi những tia bức xạ mạnh từ các hành tinh trong vũ trụ chiếu thẳng vào võng mạc. Dù mỗi phi hành gia đều được trang bị túi ngủ có thể chắn ánh mặt trời và các tia sáng khác trong vũ trụ, nhưng kết quả từ nghiên cứu vẫn cho thấy, đa số phi hành gia chỉ ngủ khoảng 6 tiếng cho dù theo lịch trình, họ có tới 8 tiếng rưỡi để ngủ mỗi ngày.

     

    8. Mất khả năng định vị phương hướng

    Các nhà du hành có thể mất khả năng định vị trên dưới khi ở ngoài không gian, do hệ thống tiền đình không thể xác định đâu là trần và đâu là sàn nhà trong môi trường không trọng lực. Cơ thể sau đó sẽ dần điều chỉnh về bình thường, nhưng họ vẫn có một chút e dè khi đặt những bước chân đầu tiên lúc trở về Trái đất.

     

    9. Suy giảm chức năng giác quan

    Áp suất thay đổi trong không gian khiến chất lỏng cơ thể di chuyển tự do, làm phù mặt đồng thời gây nghẹt mũi. "Gần giống như khi bạn bị cảm lạnh vậy, mũi bạn sẽ bị không hoạt động, bạn không ngửi thấy gì và tất nhiên là ăn uống cũng chẳng thấy ngon nữa", nhà vật lý kiêm phi hành gia Scott Parazynski cho biết. Ở ISS, họ chỉ có thể khắc phục phần nào bằng cách cho thật nhiều hương liệu và gia vị vào món ăn.

     

    10. Thử thách tâm lý

    Tất cả phi hành gia đều phải kiểm tra tâm lý trước khi được đào tạo về chuyên môn. Mặc dù vậy, cảm giác bị cô lập và giam cầm là một thách thức lớn. Cùng với chứng mất ngủ, tình trạng không trọng lực và suy giảm các giác quan, những tổn thương về tâm lý trong một chuyến công tác không gian dài ngày là điều rất khó tránh khỏi. Rất nhiều phi hành gia mô tả đây chính là thử thách lớn nhất họ phải vượt qua.

     

    11. Chế độ dinh dưỡng rối loạn

    Vì không được tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời, các nhà du hành rất dễ bị thiếu vitamin D và chất chống oxy hóa (do mức độ oxi hóa ngoài không gian cao hơn nhiều lần). Quá trình chuyển hóa sắt bị ảnh hưởng, nồng độ sắt trong máu ở mức cao do lượng hồng cầu giảm. Họ phải theo dõi lượng thức ăn mỗi tuần để chắc chắn duy trì đúng lượng chất dinh dưỡng. Thông thường, nồng độ sắt trở lại bình thường sau một vài tháng quay về Trái Đất.

     

    12. Phơi nhiễm bức xạ vũ trụ

    Dù khí quyển Trái Đất che chắn khoảng 99% các bức xạ vũ trụ có hại, nhưng các phi hành gia lại không nhận được sự bảo vệ này. Theo nghiên cứu, bức xạ vũ trụ có thể phá hỏng DNA, gây ung thư, đục thủy tinh thể và một số bệnh khác do các nguy cơ về sức khỏe sẽ tăng khoảng 30 lần. Ngoài ra, họ thường phải đeo một thiết bị theo dõi lượng bức xạ để biết khi nào không thể tiếp tục làm việc ngoài không gian được nữa.

    Tham khảo TechInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ