Khủng hoảng “chảy máu chất xám” từ Google sang Uber vẫn chưa dừng lại

    NhungNg,  

    Dường như không ai có thể cưỡng lại “ma lực” của Uber khi nhân tài từ Google bỗng dưng quay ngoắt 180 độ sang đầu quân cho công ty được định giá 50 tỷ USD.

    Google đang phải trải qua một mất mát không nhỏ khi một quản lý lâu năm của mình chuyển sang làm cho Uber, nối tiếp cuộc đối đầu không hồi kết giữa 2 tên tuổi lớn trong làng công nghệ cả năm qua.

    Manik Gupta là kỹ sư chính thuộc dự án Google Maps, được biết đến là người có công lớn trong việc xây dựng phần mềm này cho Google trong suốt 7 năm. Mới đây, anh vừa thay đổi trạng thái nghề nghiệp của mình trên trang LinkedIn, từ vị trí Giám đốc quản lý sản phẩm của Google sang Giám đốc mảng Bản đồ của Uber. Tuy chỉ âm thầm thông báo bằng một dòng trạng thái đơn giản nhưng Gupta đã tạo nên không ít xôn xao trong giới công nghệ vài ngày qua.

     Manik Gupta - cựu kỹ sư của Google - hiện đang là nhân sự cấp cao mới nhất của Uber.

    Manik Gupta - cựu kỹ sư của Google - hiện đang là nhân sự cấp cao mới nhất của Uber.

    Nhiều người đồn đoán rằng, rất có thể quyết định này của Gupta phần nhiều liên quan tới Brian McClendon, cũng từng là nhân viên kỳ cựu trong mảng Google Maps nhưng đã rời công ty và gia nhập Uber vài năm sau đó. Nhiệm vụ mới của Brian McClendon ở đây là quản lí dự án phát triển bản đồ và công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn cho Uber. Cũng có không ít ý kiến cho rằng, Gupta đang đi theo bước chân Tom Fallows, nguyên sáng lập viên kiêm cựu Giám đốc quản lý sản phẩm của Google Express, nay đang là một quản lý cấp cao tại Uber. Thậm chí, Fallows còn tiết lộ, cứ 3 người làm việc với ông tại Uber thì có 1 người đến từ Google.

    Dù vậy, không ngoại trừ khả năng Gupta chịu ảnh hưởng từ bà Rachel Whetstone, từng là nhân sự cấp cao của Google với vị trí Giám đốc truyền thông và chính sách. Sau khi rời Google, bà gia nhập Uber vào tháng 5/2015 và hiện tại đang đảm nhận vị trí tương đương tại Uber.

     Cựu Giám đốc truyền thông Google, bà Rachel Whetstone, cũng đang đảm nhận vị trí tương đương tại Uber.

    Cựu Giám đốc truyền thông Google, bà Rachel Whetstone, cũng đang đảm nhận vị trí tương đương tại Uber.

    Theo đó, từ mối quan hệ hợp tác, 2 công ty này đang dần trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau. Năm 2013, bộ phận liên doanh Google Ventures của Google từng đầu tư hơn 250 triệu USD cho Uber nhằm thể hiện thiện chí hỗ trợ cho startup mới. Thế nhưng, mối quan hệ tốt đẹp này dường như đã sứt mẻ kể từ khi Google được cho là “đâm sau lưng” Uber khi rục rịch tung ra dịch vụ gọi xe tự lái. Không phải tay vừa, Uber cũng tỏ ý muốn “vĩnh biệt” với Google Maps trong việc khai thác dữ liệu hành trình. Thay vào đó, hãng dự định sẽ cho ra mắt một sản phẩm bản đồ của riêng mình.

    Cũng phải nói rằng, khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường, trào lưu nhảy việc từ ông lớn công nghệ này sang đại gia phần mềm khác là không thể tránh khỏi. Hôm nay tôi là nhân viên Facebook, nhưng rất có thể mai tôi sẽ sang làm cho Uber, hay ai dám chắc ngày kia tôi sẽ không có mặt trong đội ngũ nhân sự Dropbox?

     Có lẽ công cuộc rút ruột của Uber đang khiến ban giám đốc Google nóng mặt.

    Có lẽ công cuộc "rút ruột" của Uber đang khiến ban giám đốc Google nóng mặt.

    Tuy nhiên, có vẻ như Google mới là kẻ đau đầu nhất trong cơn khủng hoảng “chảy máu chất xám” này. Một khảo sát nhỏ gần đây trên LinkedIn đã tiết lộ, có tới 300 cựu nhân viên của Google đã chuyển sang làm việc cho Uber tính đến thời điểm hiện tại. Quả thực, không hề dễ dàng khi chứng kiến nhân tài dần rời bỏ mình sang làm việc cho đối thủ, mà ở đây là Uber – “cái gai” trong mắt nhiều công ty lớn chứ không riêng Google.

    Ngoài thử nghiệm trong mảng xe không người lái, cả Google và Uber hiện nay đang đang cùng cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng giao hàng nhanh. Google hiện có Express, một dịch vụ giao hàng trong ngày đã có mặt trên 7 lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, Uber cũng đang thử nghiệm một hệ thống kinh doanh tương tự. Người ta dự đoán 2 công ty này sẽ còn tiếp tục chèo kéo và chiêu nạp lẫn nhau trong ít nhất vài năm nữa, một phần để tăng cường sức mạnh cho công ty mình, một phần nhằm làm suy yếu khả năng của đối thủ.

    Tham khảo BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ