Uber Việt Nam phải chỉnh sửa đề án bởi đối tác của công ty này là những xe nhàn rỗi chưa đăng ký dịch vụ vận tải, bên cạnh đó là "kết nối xuyên biên giới".
Grab và Uber cùng trình đề án thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng lên Bộ Giao thông vận tải nhưng mới có một công ty được chấp thuận. Theo đó, GrabTaxi được phép triển khai thí điểm trong 2 năm.
GrabTaxi sẽ hỗ trợ lái xe ôtô các doanh nghiệp vận tải tại 5 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Các doanh nghiệp này phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách và các phương tiện bắt buộc phải trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Theo Bộ GTVT, Uber hiện chỉ là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển, chưa đăng ký vào một doanh nghiệp vận tải được cấp phép.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Việt Dũng – Giám đốc Uber Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có thể làm đề án làm giống như Grab nhưng điều này sẽ khiến cho Uber hoạt động hơi giống với hãng taxi. Trong khi đó, Uber muốn hoạt động đúng bản chất là một công ty công nghệ làm dịch vụ kết nối vận tải”.
Trên thực tế, Grab có 2 dịch vụ là GrabCar và GrabTaxi nhưng tên của đề án đã được duyệt có tên GrabTaxi. Đại diện Uber Việt Nam cho biết, về mặt bản chất dịch vụ kết nối vận tải là công nghệ xuyên biên giới và họ không phải là công ty taxi. Chính vì thế, vận hành theo kiểu công ty vận tải sẽ chưa chuẩn.
Trong khi đó, theo nguồn tin từ Vụ Vận tải (Bộ GTVT), tháng trước, khi Uber và Grab cùng trình đề án thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng lên Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chỉ ra điểm khác biệt giữa Grab và Uber hiện nay.
Theo ông Trường, việc ứng dụng CNTT, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải như Grab hay Uber vừa qua là cách làm sáng tạo và có nhiều ưu điểm, giúp thay đổi phương thức kinh doanh vận tải truyền thống, minh bạch hóa hợp đồng vận tải, giá phí...
Tuy nhiên, thực tế, Grab sử dụng xe có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách... và công khai. Còn Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Để được thông qua, lẽ ra, các xe Uber phải đăng ký vào một doanh nghiệp vận tải hoạt động đúng luật, có thể kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng quản lý trên hệ thống.
Trả lời chúng tôi, đại diện Công ty Grab cho biết, GrabTaxi là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ. Công ty ứng dụng công nghệ, cung cấp giải pháp hỗ trợ vận tải thông minh, giúp kết nối khách hàng với những đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hợp pháp và đang hoạt động trên thị trường.
Được cấp phép thí điểm, hiện Grab đang đàm phán cùng một số hãng taxi còn thắc mắc, băn khoăn để tìm ra những mô hình hợp tác tốt nhất.
Trong khi chưa đồng ý với đề án của Uber Việt Nam và mới cấp phép thí điểm cho Grab, Bộ GTVT cũng thống nhất không cấm hoạt động của Uber.
Ông Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam cho biết, để phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, công ty này đã quyết định đổi chữ “kết nối vận tải” thành “hỗ trợ vận tải”. Bên cạnh đó, Uber cũng dự kiến thành lập một công ty mới tại Việt Nam để thực hiện đề án thí điểm.
Uber Việt Nam mới thực hiện các công việc nghiên cứu thị trường, tư vấn cho công ty mẹ ở Hà Lan chứ chưa làm các chức năng khác. “Chúng tôi là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nếu chuyển đổi để có thể làm dự án thí điểm như quy định yêu cầu sẽ mất tối thiểu 6 tháng và như vậy thì sẽ quá lâu. Uber dự kiến thành lập một công ty mới để tăng tốc tiến trình”, ông Dũng chia sẻ.
Giấy phép đầu tư của Uber Việt Nam chưa đăng ký ngành nghề cung cấp dịch vụ kết nối vận tải. Trong khi đó, ngành nghề này không thuộc diện Việt Nam cam kết thực hiện theo phương thức cung cấp xuyên biên giới trong khuôn khổ các hiệp định thương mại quốc tế. Tuy nhiên, dịch vụ kết nối vận tải không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện.
Hiện tại, các đối tác vận tải không ký hợp đồng với Uber Việt Nam mà là công ty mẹ tại Hà Lan. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về thu thuế cũng như trách nhiệm của người chịu trách nhiệm với bên sử dụng dịch vụ (người gọi xe) trong trường hợp có sự cố.
Trước đó, CEO Uber Việt Nam cho biết, Uber hoạt động trên nền tảng công nghệ xuyên biên giới. Khi khách hàng đặt lệnh gọi xe, tức là khách đã thực hiện một yêu cầu gửi tới máy chủ của Uber ở Hà Lan. Sau đó, hệ thống sẽ kết nối thông tin của khách hàng và tài xế cùng có nhu cầu thực hiện dịch vụ tại Việt Nam.
Theo Zing.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android