iPad chính hãng ghi điểm, thị trường xách tay điêu đứng...

    PV, Huy Hoàng 

    Ghi nhận thực tế của GameK, các cửa hàng xách tay lớn tại Việt Nam đã có động thái giảm giá tích cực để cạnh tranh cùng hàng chính hãng và giữ chân khách mua.

    Cách đây vài ngày, trên gian hàng trực tuyến dành riêng cho khách hàng Việt Nam, Apple đã chính thức công bố giá bán các phiên bản iPad. Điểm đáng quan tâm, các lựa chọn đều được niêm yết ở tầm tiền thấp, hỗ trợ vận chuyển trực tiếp về nước trong thời gian ngắn và không đòi hỏi thêm bất cứ khoản phụ phí nào từ phía người dùng.
     
     
    Cụ thể, phiên bản rẻ nhất iPad 16GB Wi-Fi có giá 11,29 triệu đồng còn phiên bản cao cấp nhất iPad 64GB 3G bán ở 18,89 triệu đồng, ngay khi làm thu tục thanh toán trực tuyến, máy sẽ được chuyển phát miễn phí về Việt Nam. Như vậy, so sánh với giá iPad diện xách tay, sản phẩm do chính Apple phân phối rẻ hơn ở mức tương đối, đặc biệt ở tùy chọn dung lượng 16GB Wi-Fi, chênh lệch lên tới gần 800 ngàn đồng.
     
    Có chủ buôn nào lỗ nặng vì ôm hàng iPad chuyến này?
     
    Trái với suy nghĩ của nhiều người, khi đem câu hỏi tìm đến một số tay buôn tay có kinh nghiệm tại Hà Nội, câu trả lời GameK nhận được không cho thấy giới kinh doanh này sẽ điêu đứng vì giá iPad chính hãng.
     
    Theo các chủ hàng, thực tế, giá hàng chính hãng và xách tay chỉ chênh lệch nhau nhiều nhất ở phiên bản tầm thấp 16GB. Nhưng theo tình hình thị trường Việt Nam hiện tại, không mấy người nhập về các mẫu máy này, lựa chọn 32GB, 64GB Wi-Fi , 3G chiếm hầu như toàn bộ doanh số. Xu hướng này xuất phát từ chính thị hiếu người dùng Việt.
     
     
    Vì thế, trong trường hợp giá máy chỉ chênh nhau vài ba trăm ngàn (như phiên bản iPad 64GB 3G chính hãng và xách tay là 300 ngàn), người bán sẵn sàng giảm giá theo để rút ngắn chênh lệch, vẫn đảm bảo lãi và tiêu thụ được hàng. Tham khảo tại một số nơi, trước đây bán iPad chính hãng (tùy phiên bản, nơi nhập, cách thức nhập) sẽ đem lại lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng/ sản phẩm.
     
    Lý do thứ hai được đưa ra, thời gian này, nhiều nguồn hàng xách tay đã hạn chế nhập về các sản phẩm iPad do vốn lớn và máy không còn "hot" như thời kì đầu xuất hiện. Treo biển bán, nhưng thực chất các nơi chỉ trao đổi qua lại hàng của nhau rồi cung cấp cho khách có nhu cầu.
     
     
    Ghi nhận thực tế của GameK, các cửa hàng xách tay lớn tại Việt Nam đã có động thái giảm giá tích cực để cạnh tranh cùng hàng chính hãng và đồng thời giữ khách. Như phiên bản iPad 16GB Wi-Fi đã giảm giá gần 400 ngàn đồng xuống 11,6 triệu. Như hai tùy chọn cao cấp nhất iPad 32GB 3G và iPad 64GB 3G, giá đã hạ xuống mức bằng và thấp hơn con số niêm yết trên gian hàng Apple Việt Nam.
     
    Trong khi nhiều người dùng còn loay hoay với các thủ tục thanh toán tiền trực tuyến, giao nhận hàng và chờ đợi chuyển phát, rõ ràng mức giá tốt của hàng xách tay được xem như lựa chọn hợp lý. Có thể khẳng định, hàng xách tay cơ bản vẫn sống tốt.
     
    Sẽ nhiều smartphone, tablet bị ảnh hưởng bởi giá iPad?
     
    Ở một góc nhìn khác về sản phẩm, giá iPad siêu tốt sẽ tác động trực tiếp dến thị hiếu người mua và ảnh hưởng gián tiếp đến doanh số các sản phẩm cùng tầm tiền, cùng chức năng.
     
     
    “Chuyến này, dễ có cảnh nhà nhà mua iPad, người người mua iPad lắm.” - một thành viên trên diễn đàn Việt nhận định. Thị trường cuối năm luôn được đánh giá như tháng vàng của các sản phẩm kỹ thuật số, vẫn biết iPad không thể so cùng điện thoại di động, nhưng khách hàng hoàn toàn có thể hoãn dự định lên đời mobile để rinh về chiếc iPad giá tốt mà lại nhiều chức năng.
     
     
    Hay thuyết phục hơn, ở thị trường các máy tính bảng, khi Samsung đầu tư không ít chi phí cho công tác PR, quảng cáo rầm rộ Samsung Galaxy Tab (giá 15,9 triệu bản 16GB) tại Việt Nam. Thì chỉ với một thông báo của Apple, không ít thượng đế Việt sẽ quay ngoắt sang đặt hàng sản phẩm giá tốt thương hiệu Apple hay nhanh hơn là sắm mới bằng nguồn hàng xách tay như đã đề cập ở trên.
     
     
    Thậm chí, các sản phẩm tablet ở tầm tiền thấp như Archos (phân phối chính hãng tại Vệt Nam) cũng rất dễ rơi vào cảnh chợ chiều vì người dùng bỗng nổi cơn “thèm táo” do không cưỡng lại được mức giá mới. Đến cả chuyện nhà mạng phân phối iPad kèm các gói cước hấp dẫn cũng chưa chắc níu kéo nổi khách hàng.
     
    Nhìn chung, các quan điểm đều khẳng định, động thái có phần khôn khéo của Apple đã giáng một đòn mạnh vào cuộc chiến cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Liệu Steve Jobs đang ưa ái hơn đến Việt Nam hay đơn giản chỉ là chiêu bài đẩy hết hàng cũ đón thế hệ iPad 2 ra lò như một vài phỏng đoán?

    NỔI BẬT TRANG CHỦ