iPhone 8 có xấu đến mấy đi chăng nữa cũng chẳng sao cả
Thực sự là chưa có một lần nào iPhone thay đổi thiết kế mà lại không gây tranh cãi cả. Chỉ vài tháng sau đó, chuyện "đẹp xấu" sẽ trở nên... vô nghĩa.
Khi những bức ảnh rò rỉ về iPhone 8 xuất hiện ngày một dày đặc, các ý kiến phản đối cũng xuất hiện ngày một nhiều. Quả thật, không ít người chê bai iPhone 8 là... xấu. Mặt trước của chiếc điện thoại này là một màn hình bao phủ gần như toàn bộ diện tích, chỉ trừ loa và camera mặt trước. Đây cũng là chi tiết bị chê bai nhiều nhất của iPhone.
Ở mặt sau, module camera được mở rộng theo chiều dọc. Cảm biến vân tay nằm dưới logo Táo trong phần lưng có thể nói là cục mịch hơn iPhone 6.
Có thể nói là xấu. Nhưng chẳng sao cả.
Hãy đi ngược lại thời điểm 3 năm về trước. Quả thật, lúc đó các tín đồ Apple rất thèm khát một chiếc iPhone cỡ lớn. Samsung đã mở cuộc chiến phablet được 3 năm, các mẫu đầu bảng Android đều đã vượt hoặc chạm cỡ 5 inch.
Nhưng lúc đó, cũng có những người khẳng định rằng iPhone 6 là xấu. Khoan bàn đến chuyện iPhone 6 có thật sự xấu hay không (bởi xấu đẹp là do đánh giá cá nhân), rõ ràng là thế hệ điện thoại Táo cỡ lớn đầu tiên không theo cùng một ngôn ngữ với iPhone 5. Nếu như iPhone 5 là một sản phẩm mỏng, nhỏ, thanh nhã nhưng vẫn nam tính thì iPhone 6 có phần tròn trịa và nữ tính hơn.
Với bất cứ một sự thay đổi nào, việc làm mếch lòng một bộ phận người mua là không thể tránh khỏi. Không ít người đã bày tỏ sự thất vọng với iPhone 6.
Nhưng rồi họ vẫn bỏ tiền ra mua iPhone 6 và 6 Plus. Sức hút của iPhone cỡ lớn cao đến mức 2 chiếc điện thoại này (cùng các bản sao thuộc đời 6s và 7) bán được hàng chục triệu mỗi quý. Việc ra mắt iPhone cỡ lớn đã giúp Apple liên tiếp phá các cột mốc khủng khiếp về trị giá thị trường. Ngay cả sau khi ra mắt iPhone 7 một cách đầy thất vọng, Apple vẫn có thể đạt mốc 800 tỷ USD, thậm chí còn cao hơn... tất cả các nhà sản xuất Android cộng lại.
Thành công của iPhone 6 dẫn đến một hiện tượng tất yếu: rất nhiều đối thủ đã tìm cách gợi nhắc đến thiết kế của chiếc điện thoại này. Nhìn vào Xiaomi, OPPO, Vivo, Lenovo và thậm chí là cả HTC, bạn đều có thể thấy những sản phẩm mang "âm hưởng" rõ ràng từ Apple. Có thể nói rằng, với vị thế thống trị ở phân khúc tầm cao, iPhone đã trở thành tiêu chuẩn để các đối thủ "học hỏi".
Sự "học hỏi" không chỉ dừng ở thiết kế tổng thể. iFixit có lần từng chỉ trích Huawei copy cả con ốc 5 cạnh của Apple chỉ để tạo ra cái nhìn "gợi nhắc" ở phía dưới. Rồi đến khi Apple tạo ra thay đổi đầy tranh cãi là hủy bỏ cổng tai nghe, một loạt các nhà sản xuất Android cũng đi theo.
Sức ảnh hưởng của Apple lên thị trường là quá rõ ràng. Vậy nên, nếu như iPhone 8 sẽ bán chạy, nếu như ngay cả những bước đi gây tranh cãi nhất của Apple cũng sẽ bị "học hỏi" thì thiết kế của iPhone 8 xấu hay đẹp cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Mà iPhone 8 chắc chắn sẽ bán chạy: chẳng có một công ty nghiên cứu thị trường nào phủ nhận rằng các iFan đang chờ đợi một luồng gió mới sau 3 năm dùng chung một thiết kế.
Vậy thì lo lắng iPhone 8 có xấu hay không để làm gì? Kể cả chiếc iPhone này có xấu đến mấy đi chăng nữa, bất cứ một chiếc điện thoại nào bán chạy cũng sẽ tạo thành một tiêu chuẩn để nhiều bên "học hỏi": hãy nhìn vào Mi 4, Xiaomi X6, HTC One A9, Lenovo Sisley S90, Meizu Pro 6 để biết tại sao. Bạn có thể thích hay không thích vẻ ngoài của iPhone 8, nhưng rồi hàng chục triệu iFan sẽ phát cuồng về chiếc điện thoại đó, tạo động lực kinh tế để rất nhiều tên tuổi Android đi theo các "tiêu chuẩn" của Táo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời